Đây là thông điệp tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giao tiếp hiệu quả trong bảo tồn”, do Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam phối hợp cùng CLB ENV HCM - Youth for Wild tổ chức.
Công cụ quan trọng của bảo tồn
Chúng ta đã có nhiều công cụ để thực hiện các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong phạm vi quốc gia và toàn cầu. Dù vậy, bảo tồn thiên nhiên không chỉ là công việc của các chính phủ, cơ quan chức năng hay các nhà bảo tồn mà còn cần tới sự tham gia chung tay của cộng đồng. Đây là thực tế không thể phủ nhận.
Khi ngày càng nhiều người, đặc biệt là nhóm người trẻ, tham gia và thể hiện sự quan tâm của họ tới vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, đó là kết quả của nỗ lực giao tiếp, truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức.
“Chúng ta cần tiếp tục lan tỏa thông điệp về bảo tồn. Con người đã sử dụng hết rất nhiều tài nguyên của thế giới và có tác động lớn đến động vật hoang dã và thiên nhiên. Tác động này đang ngày càng trầm trọng hơn và mọi người cần hiểu được thực tế này. Bởi vậy, giao tiếp là chìa khóa để chúng ta truyền tải thông điệp đó”, ông Jamie Oliver Jamie Oliver – Thạc sĩ Sinh thái Toàn cầu, Đại học Cardiff, chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Jamie Oliver Jamie Oliver – Thạc sĩ Sinh thái Toàn cầu, Đại học Cardiff và bà Amy Minh Hanh Corey, đối tác của Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam, tại tọa đàm. Ảnh: ENV HCM - Youth for Wild.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Amy Minh Hanh Corey, đối tác của Quỹ Bảo tồn động Thực vật hoang dã Việt Nam, đánh giá, bảo tồn thiên nhiên là một nỗ lực cần được triển khai theo nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó có truyền thông.
"Chúng tôi đang kể về những gì chúng tôi nghe từ thiên nhiên, từ động vật, từ cây cối. Tôi tin rằng, chúng ta có trách nhiệm lan tỏa những thông điệp này rộng hơn. Chúng tôi không nói thay cho động vật hoang dã, chúng tôi nói với tư cách là động vật hoang dã”, bà nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để giao tiếp hiệu quả trong bảo tồn thiên nhiên?
Về vấn đề này, ông Jamie Oliver cho biết: Một bài thuyết trình hiệu quả trong lĩnh vực bảo tồn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu rõ đối tượng khán giả, cấu trúc rõ ràng, và trên hết là truyền tải thông điệp một cách chân thực và đầy đam mê. Việc sử dụng hình ảnh mạnh mẽ, đơn giản hóa dữ liệu, và áp dụng các kỹ thuật tâm lý như khung thông điệp tích cực hay giảm khoảng cách tâm lý có thể giúp thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động. Nhưng điều quan trọng nhất là phải tin vào những gì bạn đang làm. Và thông điệp chính là chìa khóa quan trọng nhất.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Phil Smith, CEO và Nhà sáng lập tổ chức NatureWize, phát biểu công chúng là cơ hội để diễn giả bày tỏ quan điểm, chia sẻ đam mê, tạo tác động và truyền cảm hứng.
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giáo dục môi trường, ông Phil Smith chia sẻ 3 lời khuyên để nâng cao kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong bảo tồn: Đầu tiên, bài phát biểu cần có mục đích rõ ràng. Thứ hai, diễn giả cần thu hút khán giả ngay từ giây đầu tiên với một câu chuyện, một hình ảnh mạnh mẽ, một tuyên bố táo bạo hoặc ba sự thật gây ấn tượng. Và thứ ba, bài phát biểu phải bao gồm “con số kỳ diệu” như bằng chứng, số liệu cụ thể. Như vậy, khán giả sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn.

Ông Phil Smith, CEO và Nhà sáng lập tổ chức NatureWize, chia sẻ trực tuyến tại tọa đàm. Ảnh: ENV HCM - Youth for Wild.
“Cuối cùng, một bài giảng, một bài phát biểu thành công sẽ kết thúc với một lời kêu gọi hành động, một thông điệp truyền cảm hứng, một hình ảnh mạnh mẽ hay một việc nhỏ nhưng ý nghĩa mà khán giả có thể làm”, ông Phil Smith nhấn mạnh.
Bà Amy Minh Hanh Corey lưu ý thêm, để giao tiếp hiệu quả trong bảo tồn, điều quan trọng nhất là phải giữ được sự chân thật. Trong mọi dự án, đặc biệt là trong các hoạt động bảo tồn, cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, giúp xác định rõ ràng những gì chúng ta đang hướng tới. Khi mỗi hành động được xây dựng dựa trên bằng chứng thực tiễn, cộng đồng sẽ có niềm tin hơn và tự nguyện tham gia vào nỗ lực chung này.
Hướng tới nhóm đối tượng trẻ
Theo các diễn giả, khi nói về bảo tồn, về thiên nhiên, biến đổi khí hậu, họ đã nhận vai trò và tầm quan trọng của nhóm đối tượng trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
“Trẻ em muốn lên tiếng, muốn được nói về vấn đề này. Các em có quan điểm, có cảm xúc, có nỗi sợ hãi và cả hy vọng. Và bởi vậy, trẻ em cũng muốn được lắng nghe. Do đó, tôi cho rằng bất kỳ điều gì chúng ta có thể làm để tạo ra một không gian an toàn cho các em chuẩn bị, trình bày và chia sẻ niềm đam mê của mình là cách tốt nhất để hỗ trợ giới trẻ tham gia và lan tỏa giá trị của bảo tồn thiên nhiên.
Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giới trẻ đang tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bởi sự suy giảm đa dạng sinh học, bởi những điều rất cụ thể như việc gia đình và cộng đồng phải di dời do tác động của biến đổi khí hậu. Đó là một khía cạnh. Nhưng giới trẻ ở khắp nơi đều đang lo lắng về tương lai. Và sẽ là một điều sai lầm nếu chúng ta không tạo ra những không gian an toàn để các em có thể trò chuyện, chia sẻ. Đó là điều đầu tiên cần lưu ý khi nói về bảo tồn”, ông Phil Smith chia sẻ.

Các diễn giả chụp hình lưu niệm tại tọa đàm. Ảnh: ENV HCM - Youth for Wild.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Jamie Oliver cho rằng nhóm đối tượng trẻ hiểu về những gì đang diễn ra trên thế giới và họ có ý tưởng cho những vấn đề này. Người trẻ tuổi có xu hướng thể hiện sự quan tâm và họ muốn chung tay tạo ra sự khác biệt cho thế giới. Đã có nhiều nhóm thanh, thiếu niên tham gia vào cá dự án, mang lại sự thay đổi tích cực liên quan đến bảo tồn, đặc biệt là liên quan đến biến đổi khí hậu. Do đó, đây là nhóm cộng đồng đang mang lại sự khác biệt và thay đổi tích cực cho các nỗ lực bảo tồn tham vọng không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.
Để thúc đẩy sự lan tỏa rộng hơn tới nhóm đối tượng này, ông Jamie Oliver cho rằng các trường học có thể đưa vào những chương trình giảng dạy liên quan đến bảo tồn. Thông qua đó, chính các giáo viên, nhà trường và học sinh có thể đóng góp vào nỗ lực bảo tồn. Bên cạnh các bài giảng về lý thuyết, trường học có thể tổ chức các buổi họp và các chuyến đi tham quan các địa điểm và đi xem những loài động vật. Những hoạt động thực tế sẽ kích thích sự chú ý và quan tâm của trẻ em, qua đó, thu hút các em tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo tồn thiên nhiên.