Với chủ đề này, Liên hợp quốc kêu gọi toàn cầu cùng thực hiện song hành các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (KMGBF) và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDGs).
KMGBF đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng cho sự chuyển đổi mối quan hệ của xã hội chúng ta với thiên nhiên, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững cũng như Hiệp ước cho tương lai. 23 mục tiêu hành động của KMGBF phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của chương trình này.

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025 (22/5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề 'Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững'. Ảnh: Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn đề các Bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, triển khai hiệu quả các chính sách và hành động cụ thể.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu "phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu".
Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ nguồn gen và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị, các cơ quan đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển các mô hình bảo tồn, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong quản lý thiên nhiên, đa dạng sinh học, đặc biệt với các quốc gia có chung đường biên giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kiểm soát việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã; trao đổi học tập kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học.