Nhà máy chuyên xử lý sâu nhựa phế liệu hỗn hợp với công suất 200.000 tấn/năm. Ông Vương Thiếu Lạc - Phó Bí thư Thành ủy Yết Dương - cho biết, đây là dự án đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tái chế hóa học tiên tiến và thiết bị tích hợp.
"Thông qua quá trình xúc tác sâu, nhựa phế liệu hỗn hợp có giá trị thấp được tái chế trực tiếp thành nguyên liệu hóa học có giá trị gia tăng cao chỉ trong một bước. Quá trình này sẽ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tái chế - sử dụng hiệu quả", ông Vương nhấn mạnh.

Nhà máy tái chế nhựa bằng công nghệ hóa học đầu tiên trên thế giới tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Dự án kỳ vọng sẽ góp phần giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu thô nhập khẩu, đồng thời đóng góp giải pháp của Quảng Đông và Trung Quốc vào sự phát triển kinh tế tuần hoàn xanh toàn cầu.
Việc thử nghiệm thành công là một cột mốc quan trọng đối với Yết Dương, không chỉ cải thiện môi trường đầu tư mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp chất lượng cao và nâng cao hiệu quả.
"Thành công này sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm quý báu để Yết Dương triển khai thêm nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm trong thời gian tới", ông nói thêm.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng giai đoạn II và III của dự án, hướng tới xử lý và tái chế hơn 3 triệu tấn nhựa phế liệu mỗi năm.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch xây dựng Yết Dương trở thành trung tâm công nghiệp tái chế nhựa bằng công nghệ hóa học đầu tiên trên thế giới trong những năm tới.
Ông Vương cam kết xây dựng môi trường đầu tư mang tính thị trường, thượng tôn pháp luật và đạt chuẩn quốc tế hạng nhất để thu hút và phục vụ doanh nghiệp toàn cầu.
Ông Trương Tinh Cung, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Hóa chất Đông Nhạc Quảng Đông - đơn vị phát triển dự án - cho biết điểm sáng của dự án nằm ở công nghệ tái chế hóa học tích hợp đột phá.
Khác với quy trình hai bước thông thường là phân loại và hòa tan trước khi xử lý thành nguyên liệu hóa học, công nghệ mới không cần phân loại phức tạp các loại nhựa hỗn hợp giá trị thấp.
“Công nghệ này có thể chuyển hóa trực tiếp thành nguyên liệu hóa học có giá trị cao, giúp giảm đáng kể chi phí phân loại và đạt hiệu suất thu hồi sản phẩm trên 92%”, ông Trương chia sẻ.
Về mặt bảo vệ môi trường, công nghệ của dự án mang tính đổi mới, ưu tiên chất lượng và hiệu quả, theo hướng xanh, ít phát thải carbon và bền vững.