Bao bì thực phẩm chủ yếu sử dụng nhựa nhờ độ bền, đa dụng và chi phí thấp. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa ngày càng trở thành vấn đề nóng, buộc nhà sản xuất phải tìm giải pháp thay thế bền vững, đồng thời tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

Bao bì thực phẩm làm từ nhựa tái chế ngày càng phổ biến, nhưng yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng nhựa nguyên sinh toàn cầu dự kiến tăng 70% từ nay đến năm 2040, lên 736 triệu tấn/năm. Cùng đó, lượng rác thải nhựa xử lý không đạt chuẩn và rò rỉ ra môi trường cũng tiếp tục gia tăng.
Tái chế nhựa là giải pháp quan trọng để giảm gánh nặng môi trường và hướng tới kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, nhất là với các sản phẩm tiếp xúc thực phẩm. Rủi ro bao gồm: lẫn nhựa không đạt tiêu chuẩn, hóa chất sót lại từ lần sử dụng trước, vi sinh vật chưa được làm sạch, hoặc các chất độc có thể ngấm vào thực phẩm. Mỗi lần tái chế, nguy cơ tích tụ các chất gây hại càng tăng.
Để kiểm soát, châu Âu và Mỹ đã siết chặt các quy định về tái chế nhựa. EU ban hành Quy định (EU) 2022/1616 về an toàn nhựa tái chế dùng trong thực phẩm, yêu cầu quy trình tái chế được kiểm định, truy xuất nguồn gốc và đánh giá rủi ro chặt chẽ. Mỹ có chương trình NOL của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu doanh nghiệp đánh giá quy trình tái chế trước khi sử dụng nhựa tái chế trong bao bì thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia áp dụng thuế hoặc đặt chỉ tiêu tỷ lệ nhựa tái chế bắt buộc nhằm thúc đẩy phát triển bao bì an toàn, bền vững. Bài toán lớn nhất hiện nay là đảm bảo nhựa tái chế vừa an toàn cho sức khỏe vừa góp phần giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu.