| Hotline: 0983.970.780

EFRA cảnh báo ‘cơ hội cuối’ cho đàm phán Hiệp ước Nhựa toàn cầu

Thứ Sáu 11/07/2025 , 11:55 (GMT+7)

Đàm phán giữa 175 quốc gia đã diễn ra từ năm 2022, nhưng vòng INC-5 tại Busan (tháng 11/2023) thất bại do mâu thuẫn giữa nhóm nước muốn cắt giảm sản xuất nhựa.

Ngày 8/7, Ủy ban Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (EFRA) của Quốc hội Anh đã tổ chức phiên điều trần đặc biệt, đánh giá vòng đàm phán Hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu tại Geneva (Thụy Sĩ) sắp tới là “cơ hội cuối cùng” để đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu vào năm 2040.

Chuyên gia cảnh báo sản lượng nhựa toàn cầu hiện 450 triệu tấn/năm có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060, vượt xa khả năng xử lý chất thải. Ảnh: Resource.

Chuyên gia cảnh báo sản lượng nhựa toàn cầu hiện 450 triệu tấn/năm có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060, vượt xa khả năng xử lý chất thải. Ảnh: Resource.

Đàm phán giữa 175 quốc gia đã diễn ra từ năm 2022, nhưng vòng INC-5 tại Busan (tháng 11/2023) thất bại do mâu thuẫn giữa nhóm nước muốn cắt giảm sản xuất nhựa và các quốc gia sản xuất dầu khí phản đối. Phiên tái đàm phán INC-5.2 dự kiến tổ chức từ ngày 5-12/8 tại Geneva.

Tổ chức môi trường Greenpeace UK kêu gọi Vương quốc Anh thúc đẩy bốn mục tiêu: cắt giảm sản xuất nhựa, kiểm soát hóa chất độc hại, xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển, và thay đổi cách thức biểu quyết, không chỉ dựa vào đồng thuận.

Tuy nhiên, nhiều đại diện ngành công nghiệp phản đối việc giới hạn sản xuất. INEOS, đơn vị sản xuất 33% nhựa tại Anh, cho rằng cần linh hoạt chọn vật liệu phù hợp thay vì áp dụng hạn ngạch cứng. Ngược lại, Coca-Cola ủng hộ hiệp ước ràng buộc và tham gia tích cực vào các vòng đàm phán.

Giáo sư Richard Thompson (Đại học Plymouth) cảnh báo sản lượng nhựa toàn cầu hiện 450 triệu tấn/năm có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060, vượt xa khả năng xử lý chất thải. Ông cũng nêu lo ngại về 16.000 hóa chất liên quan đến nhựa, trong đó chỉ khoảng 4.000 đã được kiểm soát, và việc loại bỏ một hóa chất như Bisphenol A có thể tiết kiệm tới 4 tỷ bảng mỗi năm cho chi phí y tế tại Mỹ và châu Âu.

Vấn đề tài chính tiếp tục là rào cản lớn. Trong khi Vương quốc Anh muốn tận dụng Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) hiện có để giảm thủ tục, hầu hết các nước đang phát triển kêu gọi thành lập quỹ riêng vì gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn trước đây.

Các nhân chứng cảnh báo ảnh hưởng của giới vận động hành lang công nghiệp tại các vòng đàm phán, đe dọa tới tính độc lập khoa học và tiếng nói của xã hội dân sự. Giáo sư Thompson ví tình thế hiện nay như cuộc chiến “David và Goliath”, nhấn mạnh rằng cần có kế hoạch tài chính rõ ràng để đảm bảo “chuyển đổi công bằng” và không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Theo Resource

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất