Tiến sĩ Nicholas Chartres, chuyên gia về tác động sức khỏe của ô nhiễm nhựa và vi nhựa tại Đại học Sydney, vừa cùng nhiều nhà khoa học y tế hàng đầu công bố bài xã luận trên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra 8 khuyến nghị quan trọng cho Hiệp ước Nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc, sẽ được thảo luận tại Geneva vào tháng 8 tới.

Nhóm chuyên gia đưa ra 8 khuyến nghị quan trọng cho Hiệp ước Nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc, sẽ được thảo luận tại Geneva vào tháng 8 tới. Ảnh: Stock Adobe.
Ông cho rằng hiệp ước cần ưu tiên chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại trong nhựa, giới hạn và giảm sản lượng nhựa, đồng thời cảnh báo không nên tập trung quá mức vào quản lý chất thải và tái chế. Theo ông Chartres, nhựa chứa hơn 16.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 4.200 loại đã được xác định là độc hại, phần lớn còn lại chưa rõ mức độ nguy hiểm. Các hóa chất như PFAS, phthalate và bisphenol, vốn gây rối loạn nội tiết, đang hiện diện rộng khắp và có thể gây ung thư, vô sinh, rối loạn nội tiết và nhiều bệnh mãn tính khác.
Tám khuyến nghị chính của nhóm chuyên gia bao gồm:
(1) Lấy sức khỏe con người và môi trường làm trọng tâm hiệp ước,
(2) Lồng ghép đánh giá rủi ro sức khỏe vào mọi quyết định và nghĩa vụ,
(3) Ưu tiên giảm sản xuất nhựa và khuyến khích vật liệu thay thế,
(4) Chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng hóa chất độc trong nhựa và ngăn thay thế bằng hóa chất nguy hại tương đương,
(5) Loại bỏ phát thải độc hại trong toàn bộ vòng đời nhựa, kể cả ngừng tái chế loại nhựa chứa hóa chất độc,
(6) Yêu cầu minh bạch và báo cáo đầy đủ về sản xuất, thương mại và thành phần hóa học,
(7) Áp dụng mọi cơ chế tài chính để thực thi hiệp ước, như mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”,
(8) Không miễn trừ đại trà, kể cả với ngành y tế, vốn phát sinh nhiều rác thải nhựa, nhưng vẫn đảm bảo thuốc thiết yếu tiếp cận được.
Ông Chartres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 khiến ngành y tế phụ thuộc nhiều hơn vào nhựa sử dụng một lần, song phần lớn không mang lại lợi ích rõ ràng và gây ra hệ quả môi trường nghiêm trọng. Do đó, hiệp ước nên khuyến khích ngành y tế chuyển hướng sang sử dụng vật liệu an toàn và bền vững hơn.