| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng gay gắt khiến cua nuôi chết rải rác

Thứ Tư 30/04/2025 , 20:42 (GMT+7)

CÀ MAU Điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt khiến tôm nuôi, cua nuôi bị chết rải rác, người nuôi lo lắng.

Tình trạng cua chết tại Cà Mau người nuôi lo lắng. Ảnh: Trọng Linh.

Tình trạng cua chết tại Cà Mau người nuôi lo lắng. Ảnh: Trọng Linh.

Những ngày gần đây thời tiết bước vào cao điểm của đợt nắng nóng gay gắt.

Tại Cà Mau, điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã khiến nhiều loại thủy sản nuôi như tôm, cua bị chết rải rác bà con lo lắng.

Trên những cánh đồng chuyên canh lúa - tôm tại xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, những ngày này bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch tôm, cua.

Xen lẫn niềm vui được mùa sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ nuôi lại canh cánh nỗi lo khi chứng kiến cảnh tôm nuôi chết do nắng nóng kéo dài.

Ông Trần Văn Hoàng, một hộ nuôi tôm lâu năm ở xã Lý Văn Lâm, chia sẻ: “Từ đầu tháng 4 tới nay, trời nắng oi bức, con người còn chịu không nổi huống gì tôm, cua. Năm nào cũng vậy, đến cao điểm nắng nóng là tôm, cua chết rải rác. Ai chủ động ứng phó sớm thiệt hại ít, còn nếu chủ quan thì khó tránh thiệt hại nhiều”.

Người dân lo lắng và tìm hiểu nguyên nhân cua chết bất thường trong những ngày qua. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân lo lắng và tìm hiểu nguyên nhân cua chết bất thường trong những ngày qua. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Hoàng, vụ này đã xuống giống tôm, cua theo hình thức nối vụ, hiện đã trải qua ba đợt thả giống và chuẩn bị cho đợt thứ tư. Tôm cua phát triển khá thuận lợi, lớn nhanh, cua hiện đạt trọng lượng khoảng 4 con/kg, được thương lái thu mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg.

Ông dự định thu hoạch vào dịp lễ 30/4 và tiếp tục thả giống để kịp vụ sau. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, cua trong vuông của ông chết rải rác do mực nước cạn, nhiệt độ cao, dẫn đến thiếu ôxy.

Để hạn chế thiệt hại, ông Hoàng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp như cắm lá dừa xuống vuông tạo bóng mát, đồng thời bơm thêm nước vào ao để làm giảm nhiệt độ.

Không chỉ riêng ông Hoàng, tình trạng cua chết do nắng nóng cũng được nhiều hộ nuôi ghi nhận.

Bà Lưu Thị Dợt, cùng ngụ xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Tôi vừa thả 5.000 con cua giống để đón đầu dịp rằm tháng tám và lễ 2/9. Biết trước mùa này sẽ khó khăn nhưng nhìn cảnh cua chết rải rác vẫn không khỏi xót xa”.

Bà Dợt chia sẻ, nắng nóng ngoài việc làm tăng nguy cơ chết rải rác, còn khiến độ mặn tăng cao, tôm cua chậm lớn. Để ứng phó, bà con chủ động giữ lại cây cỏ tự nhiên ven bờ vuông, thường xuyên bơm nước mới vào ao, thả thêm cỏ, rơm xuống để tạo chỗ trú ẩn cho tôm cua.

Bà Dợt hy vọng, nếu vượt qua được giai đoạn nắng nóng này, đến mùa mưa sẽ phục hồi nhanh và vụ nuôi sẽ thành công. Tuy nhiên, phải thường xuyên bơm nước vào ao để giảm nhiệt độ và giữ ôxy cho vật nuôi. 

Hình ảnh cua chết bất thường trước khi được người dân thu hoạch. Ảnh: Trọng Linh.

Hình ảnh cua chết bất thường trước khi được người dân thu hoạch. Ảnh: Trọng Linh.

Theo anh Đinh Hải Đăng, kỹ sư thủy sản phụ trách địa bàn TP. Cà Mau, nguyên nhân khiến tôm cua chết hàng loạt trong mùa nắng nóng là do nhiệt độ tăng cao, nước bốc hơi nhanh, ao cạn, dẫn đến thiếu ôxy. Ngoài ra, những cơn mưa trái mùa xuất hiện cục bộ làm cho nguồn nước bị phân tầng, cộng thêm sự bùng phát của tảo, vi khuẩn sinh khí độc NH3, đều là những yếu tố nguy hiểm cho vật nuôi.

Để giảm thiểu thiệt hại, anh Đăng khuyến cáo bà con cần chủ động nâng cao mực nước trong ao, thả giống với mật độ thưa hơn và thường xuyên bổ sung bóng mát nhân tạo cho vật nuôi.

“Chỉ cần duy trì được môi trường ao nuôi ổn định, dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, bà con vẫn có thể bảo vệ được vật nuôi và đạt năng suất tốt”, anh Đăng khuyến cáo.

Ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Chăn nuôi Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) Cà Mau, cho biết: Qua rà soát, nắm thông tin từ đầu năm 2025 đến nay, tình trạng cua nuôi chết rải rác xảy ra tại các vuông nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp của một số hộ ở một số xã thuộc địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, TP. Cà Mau.

Tình trạng cua chết rải rác ở các giai đoạn (cua nhỏ đến cua thương phẩm) như các năm gần đây, xảy ra vào thời gian trước Tết Nguyên đán đến tháng 4 hàng năm. Các biểu hiện thường thấy như: cua chạy cống, lú nhiều, hoạt động chậm, màu sắc nhợt nhạt, thân bị đóng rong, yếm bị đóng phèn. Mức độ thiệt hại 5-30%.

Qua 3 tháng đầu năm 2025, cua bị chết chủ yếu ở các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp địa bàn tỉnh Cà Mau với diện tích hơn 1.506 ha/457 hộ.

Xem thêm
Nuôi 7.000 gà lấy trứng, nông dân lỗ gần 2 triệu đồng mỗi ngày

Giá trứng hiện quanh mốc 1.300 - 1.400 đồng/quả và theo dự đoán, sau dịp lễ 30/4 và 1/5, có thể tụt xuống 1.000 - 1.100 đồng/quả.

Lạc giữa vườn cây 'ruột gà' ở Tân Sơn

Giữa trưa nắng chang chang, anh Phạm Hữu Bốn ở xóm Cú, xã Mỹ Thuận (Tân Sơn, Phú Thọ) vẫn vác xà beng ra vườn đào tặng tôi 2 chùm củ ba kích tím.

Krông Nô triển vọng thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao

ĐẮK NÔNG Với đà phát triển như hiện nay, Krông Nô có triển vọng trở thành điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Nông trong tương lai không xa.

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Xuất khẩu cá tra tăng vọt trước sức ép thuế quan

Tháng 3/2025, tổng sản lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang tất cả các thị trường đạt gần 79.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 2] Xung đột vì bất cập trong giao khoán đất lâm nghiệp

Đồng Nai Theo Ban quản lý rừng phòng hộ, việc không xác định được rõ chủ thể sở hữu đối với rừng trồng, gây lúng túng trong quá trình kiểm tra, xử lý khi có vi phạm xảy ra.