| Hotline: 0983.970.780

Mất cả chì lẫn chài vì chủ quan với dịch cúm gia cầm

Thứ Ba 22/04/2025 , 10:10 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Tỷ lệ tiêm phòng thấp, con giống không rõ nguồn gốc, chính quyền chưa xử lý cương quyết... là những nguyên nhân tiềm ẩn, phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm.

Mất cả chì lẫn chài

Giữa tháng 2/2025, ông Đoàn Cường tại thôn Trâm Lý, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, Quảng Trị mua 5.000 con vịt giống tại 2 lò ấp thuộc huyện Triệu Phong về thả nuôi bên bờ sông Nhùng. Đến ngày 29/3, vịt bắt đầu xuất hiện tình trạng chết lẻ tẻ. Tự chữa trị nhưng không hiệu quả, ngày 3/4, sau khi đàn vịt đã chết 1.500 con, ông Cường báo cho UBND xã Hải Quy.

Cơ quan chức năng tiêu hủy số vịt nhiễm bệnh tại hộ chăn nuôi ông Đoàn Cường. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ quan chức năng tiêu hủy số vịt nhiễm bệnh tại hộ chăn nuôi ông Đoàn Cường. Ảnh: Võ Dũng.

Nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng, chính quyền địa phương kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm.

Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm ngày 6/4 của Chi cục Thú y vùng III kết luận phát hiện virus gây bệnh cúm gia cầm A/H5N1 trong mẫu bệnh phẩm lấy tại đàn vịt của ông Đoàn Cường. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ số vịt, triển khai quyết liệt các phương án phòng chống dịch bệnh.

Điều đáng nói, toàn bộ số vịt của ông Cường từ lúc mua về đến thời điểm bị tiêu hủy đã không được tiêm đầy đủ các loại vacxin theo quy định. Ông Cường lý giải, thời gian tiêm vacxin cúm gia cầm được thực hiện khi vịt 16-20 ngày tuổi.

Tuy nhiên, thời điểm đó, đàn vịt liên tục bị nhiễm các bệnh ecoli và tụ huyết trùng nên gia đình không thể tiêm vacxin. Vịt gần đến ngày xuất chuông, dịch cúm A/H5N1 xuất hiện và phải tiêu hủy toàn bộ khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

“Công ty có hỗ trợ một ít tiền giống nhưng cũng không đáng kể. Bao nhiêu công sức của vợ chồng đổ vào, giờ mất trắng”, ông Cường buồn bã.

Ổ dịch xuất hiện tại gia đình ông Cường nhanh chóng được khoanh vùng, bao vây. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh, bùng phát vẫn luôn tiềm ẩn. Ổ dịch xuất hiện bên bờ sông Nhùng, nguy cơ lây lan theo dòng chảy rất cao.

Ba năm qua, dịch cúm gia cầm không xuất hiện tại Quảng Trị nên người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đây đang là thời điểm người dân mua vịt giống về chuẩn bị thả đồng sau khi kết thúc vụ đông xuân nhưng trong số 34 nghìn con vịt tại xã Hải Quy chỉ có khoảng 6 nghìn con được tiêm các loại vacxin. Toàn tỉnh Quảng Trị có 4 triệu con gia cầm nhưng chỉ có khoảng 1 triệu con được tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Vì vậy, nguy cơ rủi ro vẫn luôn thường trực.

Ông Lê Văn Lạt, Phó chủ tịch UBND xã Hải Quy cho biết, tâm lý chủ quan của người dân sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, kể cả nguy cơ lây bệnh A/H5N1 sang người.

“Sau khi dịch xuất hiện, xã đã thành lập ban chỉ đạo vừa chống dịch A/H5N1 vừa chống dịch A/H5N1 lây qua người. Chúng tôi đang khảo sát, cách ly một số người tham gia chống dịch. Hiện nay, địa phương đang triển khai tiêm phòng trên địa bàn theo hình thức cuốn chiếu và hiện nay cơ bản đã tiêm xong”, ông Lạt cho hay.

Cũng theo ông Lạt, trong thời gian tới, UBND xã Hải Quy sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và kiên quyết xử lý những hộ chăn nuôi không tuân thủ các quy định về an toàn dịch bệnh.

Phun tiêu độc khử trùng ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Ảnh: Võ Dũng.

Phun tiêu độc khử trùng ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Ảnh: Võ Dũng.

Cần có chế tài xử lý việc hộ chăn nuôi không chấp hành

Sau khi dịch bệnh phát sinh, người dân, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Cùng với việc tiêu hủy toàn bộ đàn vịt bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng cấp 40 lít hóa chất để tổ chức tiêu độc khử trùng hằng ngày tại hộ có dịch và trên địa bàn toàn xã. Đàn gia cầm trên địa bàn xã Hải Quy cũng được rà soát, thống kê để khẩn trương tiêm phòng vacxin cúm gia cầm nhằm bao vây ổ dịch.

Tính đến nay, xã Hải Quy đã nhận 6.000 liều vacxin và đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm phòng. Tại ổ dịch, chính quyền địa phương và người dân thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng liên tục 7 ngày để triệt tiêu nguồn bệnh.

Quảng Trị có 4 triệu con gia cầm nhưng tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 25%. Ảnh: Võ Dũng.

Quảng Trị có 4 triệu con gia cầm nhưng tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt khoảng 25%. Ảnh: Võ Dũng.

Sau khi dịch cúm A/H5N1 xuất hiện, UBND huyện Hải Lăng đã ra văn bản chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm, thường xuyên rà soát các đàn gia cầm nuôi mới để tiêm phòng triệt để.

UBND huyện Hải Lăng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, tăng cường giám sát, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng... 

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị cho hay, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguy cơ lây lan vẫn rất cao. Nguyên nhân là do tâm lý chủ quan người dân, tỷ lệ tiêm phòng vacxin đạt thấp. Một bộ phận người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc. Các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ, nhập lậu gia cầm trái phép vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Môi trường chăn nuôi ô nhiễm mầm bệnh. Diễn biến thời tiết bất lợi làm gia cầm giảm sức đề kháng.

Đây đang là thời điểm người dân bắt đầu nuôi vịt chạy đồng để tận dụng thức ăn sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân. Đó sẽ là những điều kiện khiến nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, thậm chí là các chủng cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N6, A/H5N8 phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Để nhanh chóng kiểm soát, dập tắt dịch bệnh, ông Quốc đề nghị UBND huyện Hải Lăng tập trung xử lý dứt điểm ổ dịch, hạn chế phát sinh ổ dịch mới, thực hiện quyết liệt, triệt để việc tiêm phòng vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm tại vùng dịch và các vùng nguy cơ cao trước ngày 20/4. Riêng tại xã Hải Quy, việc tiêm phòng vacxin phải kết thúc trước ngày 15/4.

Người chăn nuôi không thể chủ quan với dịch cúm gia cầm A/H5N1. Ảnh: Võ Dũng.

Người chăn nuôi không thể chủ quan với dịch cúm gia cầm A/H5N1. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Quốc đề nghị UBND huyện Hải Lăng cần có biện pháp đối với các địa phương không tổ chức tiêm phòng vacxin cúm gia cầm hoặc tiêm phòng đạt tỉ lệ thấp, để xảy ra dịch bệnh ở đàn gia cầm chưa được tiêm phòng và kiên quyết không lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do không thực hiện tiêm phòng vacxin cúm gia cầm.

“Sở Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng đầy đủ vacxin, hóa chất sát trùng, tăng cường lực lượng triển khai phòng chống dịch bệnh. Nếu người dân không chấp hành thì các địa phương cần áp dụng các chế tài xử lý”, ông Quốc cho biết thêm.

“Ổ dịch nằm bên bờ sông Nhùng, nguy cơ lây lan rất cao. Các địa phương nằm dọc bờ sông cần khẩn trương tiêm phòng vacxin. Năm 2025 một số nước trên thế giới đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người dẫn đến tử vong. Người dân tuyệt đối không dấu dịch, tham gia xử lý dịch phải được bảo hộ theo đúng quy định…”, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trị.

Xem thêm
Trà Vinh còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh thú y

Trà Vinh hiện vẫn còn hơn 9.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, xử lý chất thải.

Khuyến khích tận dụng vỏ quả sầu riêng làm phân hữu cơ

ĐẮK LẮK Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk khuyến khích người dân tận dụng vỏ quả sầu riêng để làm phân hữu cơ tái sử dụng cho vườn cây.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Long An chuyển đổi trên 9.600ha đất trồng lúa kém hiệu quả

UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 với diện tích 9.616ha

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Cá rô phi - Lựa chọn chiến lược mới của thủy sản Việt Nam

Cá rô phi, loài thủy sản từng 'mờ nhạt' trong giỏ hàng xuất khẩu, đang đứng trước cơ hội lớn mở rộng thị trường toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ.

Lào Cai làm đường băng trắng cản lửa phòng chống cháy rừng

Tỉnh Lào Cai đã làm được 48,6 km đường băng tại huyện Văn Bàn, thị xã Sa Pa và tại thành phố Lào Cai để cản lửa phòng chống cháy rừng.