Theo kết quả khảo sát của công ty Levada: trong khi 30% người Nga tại thời điểm năm 2001 nói họ muốn một nước Liên Xô như cũ. Con số này giảm dần trong thời gian ông Putin lên nắm quyền. Bây giờ, số người muốn trở lại thời Liên Xô cũ là 12%.
Cuộc đảo chính
Nhưng những cuộc khảo sát gần đây cho thấy có một số đáng kể (46%) ủng hộ ý tưởng hoặc kết hợp các nước từng là thành viên Liên Xô thành một liên bang mới hoặc đưa tất cả các nước từng trong Liên Xô vào một khối, tương tự như Liên minh châu Âu (EU), theo Reuters.
Cựu lãnh đạo Liên Xô, ông Mikhail Gorbachevcũng chia sẻ ý tưởng này. Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC và hãng AP vào năm ngoái, cựu tổng thống Liên Xô 85 tuổi nói quyết định ngày 21/12/1991 giải tán Liên Xô là kết quả của một “âm mưu tráo trở” và lúc đó là thời điểm để Mỹ và Liên Xô bắt tay nhau. Ông Gorbachev cũng nói tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền là “rất chính xác, rất xứng đáng”.
Còn trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Nga TASS, ông Gorbachev thậm chí còn đi xa hơn. “Liên Xô không thể khôi phục”, ông nói. “Nhưng một Liên Xô mới có thể được thành lập”.
Ông Gorbachev là tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985 tới năm 1991. Chính sách “glasnost” (công khai) và “perestroika” (cải tổ) giúp chấm dứt chiến tranh lạnh, nhưng cũng vì chúng mà Liên Xô sụp đổ. Bởi công khai và cải tổ đã làm giải phóng tâm lý chống cộng sản và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong nội bộ Liên Xô.
Liên Xô đến hồi cáo chung vào tháng 12/1991, khi Ukraine tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 90% dân số ủng hộ việc tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô. Chỉ trong vòng vài tuần, tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết đều đồng ý rằng phải giải tán Liên Xô. Tuyên cáo chính thức được phát trên truyền hình Nga ngày 21/12/1991. Ông Gorbachev từ chức vào ngày Giáng sinh 25/12 và cờ Liên Xô bị hạ xuống trên Quảng trường Đỏ.
Người đàn ông chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô đã có ¼ thế kỷ để suy nghĩ về những sự kiện tại thời điểm đó. Cho đến giờ, giọng điệu ông vẫn tỏ ra cay đắng. “Đằng sau chúng tôi là một âm mưu, một âm mưu sau lưng tôi”, ông Gorbachev nói với BBC. “Họ đốt cả ngôi nhà chỉ để lấy lửa châm một điếu thuốc lá, tức là chỉ nhằm tranh được quyền lực. Họ không thể tranh được quyền lực bằng các biện pháp dân chủ. Vì thế họ gây tội ác. Họ lên kế hoạch lật đổ. Đó là một cuộc đảo chính”.
Nói với hãng tin AP, cựu tổng bí thư Liên Xô Gorbachev cho rằng, mặc dù ủng hộ ý tưởng tái lập Liên Xô, tổng thống Nga Boris Yeltsin và các đồng minh của ông ta muốn loại bỏ ông. “Họ rất thèm khát quyền lực”, Gorbachev nói. “Thật tệ khi người ta điên cuồng giành quyền lực. Không thể xây dựng một xã hội dân chủ với những người như vậy”.
Gorbachev nói với tư cách là lãnh đạo tối cao Liên Xô, ông có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn sư sụp đổ của chế độ, nhưng ông tin điều đó sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu, khi đất nước này đang chất đầy vũ khí. Ông nói phương Tây không chịu chìa tay giúp. “Họ xoa tay vui sướng: Liên Xô, mối bận tâm của họ trong nhiều thập kỷ đã tự hủy hoại bản thân”, Gorbachev bình luận về thái độ của các nước phương Tây.
Không Xô – Mỹ thì vẫn còn Nga - Mỹ
Mặc dù ông Gorbachev có vẻ có cái nhìn đầy màu hồng về Liên Xô, nhưng theo Adam Taylor, chuyên gia về quan hệ quốc tế của đại học Columbia (Mỹ), nhiều người Nga cũng có suy nghĩ tương tự Gorbachev.
Theo phân tích của ông Taylor, rất giống Putin, người thúc đẩy thành lập một liên minh kinh tế Á-Âu mới, ông Gorbachev hy vọng một liên minh dạng như Liên Xô sẽ xuất hiện trở lại, cho dù vậy ông nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác của các nước với Nga.
“Với biên giới cũ, với các thành viên như xưa, trên cơ sở tự nguyện, tôi nghĩ một liên minh mới là điều có thể xảy ra”, ông Gorbachev nói với TASS.
Trong quá khứ, ông Gorbachev từng chỉ trích ông Putin, nhưng trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Gorbachev có những phát ngôn về Putin khá mâu thuẫn. Ví dụ ông nói với AP: “Putin là người mạnh mẽ”.
Nói với BBC, ông Gorbachev công nhận rằng có một số người mà “đối với họ tự do chỉ là thứ gây phiền toái”. Khi được hỏi liệu ông có ám chỉ ông Putin, Gorbachev trả lời: “Anh phải tự đoán thôi”. Phóng viên hỏi tiếp, rằng ông Putin có bao giờ xin lời khuyên từ ông không, Gorbachev nói tổng thống Nga “đã biết mọi thứ cần thiết rồi”. Và còn nói thêm “Đời là thế, như người Pháp vẫn nói”.
Nhưng ông Gorbachev cũng nói dù ai là lãnh đạo Nga, phương Tây và Nga vẫn cần hợp tác với nhau. “Nếu chúng ta không hợp tác, cả thế giới sẽ đua nhau mua súng đạn. Nếu có súng ở trên tường thì một ngày nào đó sẽ được gỡ xuống dùng”. “Tôi chắc chắn báo chí phương Tây đã được hướng dẫn tỉ mỉ cách làm xấu mặt Putin và dần loại bỏ ông ta”, Gorbachev nói với BBC. “Nhưng uy tín của ông ta trong dân chúng đạt 86% và sẽ lên tới 120%”. Về Donald Trump, ông Gorbachev nói chỉ thấy các tòa nhà do Trump xây, còn chưa gặp ông ta bao giờ. “Ông ta có ít kinh nghiệm chính trị, nhưng có lẽ, điều đó là tốt”, Gorbachev nói với AP. Ông không nói điều tốt đó là tốt cho ai.