| Hotline: 0983.970.780

Làng tôi bàn chuyện xây đình

Thứ Tư 04/05/2011 , 10:21 (GMT+7)

Về làng lần này, đi đâu tôi cũng nghe bà con bàn chuyện làm đình, bàn chuyện tiến cúng tiền để xây đình.

"Hôm qua làng mở hội nghị bàn chuyện xây lại đình, vui lắm chú ạ". Không có mặt trong buổi họp đó, nhưng nghe mấy đứa cháu kể lại, tôi cũng đâm náo nức, “rằng thì là” cả làng không thiếu một ai, người nào người nấy sôi nổi đóng góp ý kiến, và “rằng thì là” chưa bao giờ có một việc gì mà lại tạo được sự đồng thuận cao như thế.

Quãng trên dưới hai trăm năm trước, làng tôi (làng Hống, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, Thái Bình) còn là một cái trại của làng Đoài. Thế rồi đất lành chim đậu, trại thành ra làng, và tách khỏi làng Đoài với cái tên nôm là làng Muội (lúc đó làng Đoài có tên là làng Minh), cái tên rất dân dã là “làng Hống” chẳng biết có tự bao giờ, và từ đó đến nay chưa bao giờ làng tôi có tên chữ. Vừa tách khỏi làng cũ, dân làng tôi đã kẻ nhiều người ít góp nhau xây một ngôi đình để thờ đức Nam Hải Đại Vương, theo truyền thuyết dân gian thì ngài là vị linh thần trấn thủ ở biển Nam.

Tâm thì có nhưng dân nghèo, đinh ít, nên phải làm làm nhiều đợt, đến “Thành Thái thập tứ niên” (năm Thành Thái thứ mười bốn - 1902) thì đình vẫn còn lợp rạ. Đình có ao, có sân rộng rãi, có cây cổ thụ. Vừa lợp ngói xong, đang định xây tường bao và cổng thì cách mạng Tháng 8 nổ ra rồi tiếp liền theo là cuộc kháng chiến chống Pháp. Chín năm khói lửa, dù giặc đóng đồn ngay ở làng Hệ cùng xã (cách làng tôi chưa đầy 1 km), dù bị giặc càn đi quét lại rất nhiều lần, đình làng tôi vẫn nguyên vẹn. Nhưng chỉ sau vài năm hòa bình lập lại, đình đã bị phá, chỉ còn lại cái ao và cái sân, rồi cuối cùng thì sân và nền đình cũng được giao cho mấy hộ dân làm nhà, ao được giao thầu cho một hộ dân thả cá.

Dấu vết còn lại của ngôi đình thờ một vị thượng đẳng thần, được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần phong sắc, đến ngày nay, chỉ là một cây nhãn. Bài vị, sắc phong của đức Nam Hải Đại Vương phải mang gửi tại đền Hệ, nơi thờ tự duy nhất trong xã may mắn còn “sống sót” trong chiến dịch “bài phong” kéo dài đến mấy chục năm trời. Mất đình, làng như mất đi cả hồn lẫn vía…

Nguyện vọng được xây lại ngôi đình đã âm ỉ trong lòng người dân làng tôi từ lâu. Cách đây chục năm, một số vị cao niên của làng đã nêu nguyện vọng đó, và đã nhen nhóm việc vận động. Nhưng lúc đó, thời cơ chưa đủ “chín”, vì một là chưa được phép, hai là đất đình giờ đã biến thành thổ cư của dân, nếu có được phép cũng chẳng biết xây ở đâu. Chỉ đến gần đây, khi Phòng VH- TT đã cho phép xây, và cấp có thẩm quyền đã đồng ý cho phá dỡ nhà kho cũ của HTX nông nghiệp nằm ở trung tâm làng, đã xuống cấp trầm trọng, để lấy diện tích xây đình, thì mơ ước của người làng mới có điều kiện biến thành hiện thực. Một ban kiến thiết của làng được thành lập, do ông Bí thư chi bộ làm trưởng, một cuộc phát động quyên góp tiền xây đình được phát động. Ông Vũ Đình Thự, một thành viên trong Ban kiến thiết, cho tôi hay:

- Làng mình nghèo, không có con em nào của làng ra thiên hạ lập nghiệp rồi trở thành “đại gia”, nên không có những khoản tài trợ lớn, thôi thì đành làm theo lối “góp gió thành bão” vậy, quyên góp được đến đâu làm đến đó, làm thành nhiều đợt như là xưa kia ông cha mình đã làm…

- Dự toán kinh phí khoảng bao nhiêu?

- Với thời giá này, thì phải 700 đến 800 triệu mới xong phần vỏ. Còn nội thất bên trong thì chưa tính được.

Ông Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban kiến thiết đình làng đầy tin tưởng:

- Chúng tôi coi đây là một công trình văn hóa kết hợp với tín ngưỡng. Nên khi hoàn thành, đình sẽ làm được cả hai chức năng: vừa là nơi tổ chức, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi hội họp, vừa là nơi người làng lui tới để gửi gắm những ước nguyện tâm linh…

Về làng lần này, đi đâu tôi cũng nghe bà con bàn chuyện làm đình, bàn chuyện tiến cúng tiền để xây đình. Nghe tin làng tổ chức xây lại đình, một công dân của làng đang sống ở nước ngoài gửi ngay về 50 triệu, có chị em người làng lấy chồng thiên hạ, được tin cũng gửi về đóng góp. Trong làng, nhà nhiều nhà ít, gần như nhà nào cũng có đóng góp. Nhiều thì 3 triệu, 2 triệu, 1 triệu, ít thì vài ba trăm ngàn, một trăm ngàn, tùy theo gia cảnh, có người chỉ có 30 ngàn… nhưng bất kỳ ai, dù chỉ là dăm bẩy ngàn, Ban kiến thiết cũng trân trọng tiếp nhận và ghi sổ rành mạch, làm đúng theo lời dạy của người xưa “bất kỳ hậu bạc, cốt ở thành tâm, một nén cũng thơm, một tiền cũng quý”…

Cái ý tưởng về đình làng kiêm nhà văn hóa làng của ông khiến tôi chú ý. Bởi hiện tại, gần như làng nào cũng có nhà văn hóa, nhưng thực tế nó lại không làm nổi cái chức năng văn hóa, không có thì thiếu mà có lại hóa thừa, đơn giản chỉ vì chúng ta không tạo ra được cho nó cái "nội dung văn hóa" ở bên trong, khiến cho nó chỉ có vỏ mà không có ruột. Hệ quả là chúng biến thành một đống của hoang phí trơ trọi với nắng mưa, quanh năm cửa đóng then cài im ỉm, trong khi đình làng, chùa làng lúc nào người cũng dìu dặt vào ra.

Kết hợp đình làng với nhà văn hóa làng, rất có thể là một mô hình tốt. Điều nhìn thấy trước mắt là sẽ tạo ra được cái hồn cốt, cái sinh khí cho nhà văn hóa, mà cái hồn cốt, cái sinh khí ấy là gì, nếu không phải là bề dầy lịch sử và tín ngưỡng làng, một thứ tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm khảm người làng từ thuở làng mới lập. Chính tín ngưỡng làng mới là thứ đặc trưng nhất của văn hóa làng. Xét về khía cạnh cơ sở vật chất, thì quy mô của đình chắc chắn lớn hơn các nhà văn hóa làng hiện nay, nó hoàn toàn có thể là nơi diễn ra những sinh hoạt của cộng đồng, và như vậy là đạt cả hai yêu cầu...

Có sống lâu ở một làng nghèo như làng tôi, mới thấy cái “thành tâm” của người làng là vô cùng quý giá, nó vẫn sáng long lanh giữa lúc xã hội còn rất nhiều chuyện xô bồ, hỗn tạp.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất