| Hotline: 0983.970.780

Muốn đi xa phải bắt đầu từ rất gần

Thứ Sáu 04/07/2025 , 14:49 (GMT+7)

7 năm trước về làm việc tại xã Châu Nga, xã vùng sâu tỉnh Nghệ An tôi nhớ mãi hình ảnh ông Võ Anh Tuấn, người được luân chuyển về làm Bí thư Đảng uỷ.

Bí thư Đảng uỷ xã Châu Nga Võ Anh Tuấn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm nuôi gà thịt với 1 hộ dân ở xã năm 2017. Ảnh: Mỹ Linh

Bí thư Đảng uỷ xã Châu Nga Võ Anh Tuấn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm nuôi gà thịt với 1 hộ dân ở xã năm 2017. Ảnh: Mỹ Linh

Chuyển đổi số đang mở ra không gian phát triển mới cho chính quyền các cấp trong phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Nhưng ở cấp xã – nơi gần dân nhất – chuyển đổi số không thể bắt đầu từ thiết bị hay phần mềm, mà phải bắt đầu từ tư duy, từ cách làm cụ thể, thiết thực, gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân. Ở đó, người cán bộ cơ sở chính là “chìa khoá mở đường”, là người đầu tiên thắp lên tinh thần phục vụ, kiến tạo.

Bí thư xã nhận bán lợn, bán gà giúp dân bản

Ngày đó, dẫn tôi đi thăm một bản trong xã, tới nhà nào Bí thư Tuấn cũng được bà con chào đón vui vẻ, thân tình. Khi thì anh nói tiếng phổ thông, có khi nói tiếng Thái, tới nhà này, anh hỏi thăm cụ bà bị ốm, nay đã đỡ chưa? tới nhà kia anh hỏi đàn gà đen bao giờ thì xuất bán được? Mấy cán bộ xã đi cùng cho biết, từ ngày Bí thư Tuấn về xã, những lúc rỗi anh lại xuống bản. Dân bản luôn nhớ và truyền cho nhau lời nói của anh: Bà con nên trồng nhiều rau, nuôi nhiều gà, lợn, trâu bò, vừa có ăn, vừa để bán tăng thêm thu nhập; nếu không bán được thì cứ báo cho Bí thư xã.

 Nói là làm, tại các cuộc họp Đảng uỷ, làm việc với Uỷ ban nhân dân xã, Bí thư Tuấn luôn bảo cán bộ xã cần sâu sát, hướng dẫn cho người dân về cách chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây con. Qua zalo, messenger cá nhân, anh kết nối với các nhà hàng, người buôn bán ngoài thị trấn vào mua sản phẩm cho bà con với mức giá hai bên cùng có lợi. Có thời điểm mưa lũ, tư thương không vào được, trên đường về nhà, Bí thư Tuấn đã chở những lồng gà, rọ lợn ra bán giúp cho bà con. Sau hơn 3 năm về làm Bí thư Đảng uỷ xã, trong nhiều kết quả đạt được, Bí thư Võ Anh Tuấn đã cùng cấp uỷ, chính quyền xã giảm tỷ lệ hộ nghèo của Châu Nga xuống hơn 10%.

Câu chuyện nhỏ nói trên phần nào cho thấy vai trò, vị trí của người lãnh đạo cơ sở không chỉ thể hiện qua sự chỉ đạo về chủ trương, chính sách, mà cần thực sự sâu sát với đời sống người dân, đồng hành, hỗ trợ thiết thực người dân trong từng việc làm ăn, sinh sống. Người dân sẽ ấm lòng, an tâm hơn vì được chia sẻ, giúp đỡ khi cần. Khách hàng tiêu thụ sản phẩm cho dân sẽ thêm niềm tin hơn về chất lượng nông sản, hàng hoá khi chính người lãnh đạo ở đó lấy vị trí, uy tín của mình để bảo lãnh. Bản thân người lãnh đạo qua đó có cơ hội hiểu hơn những thuận lợi, khó khăn của người sản xuất, kinh doanh. Từ đó, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cấp uỷ, chính quyền cơ sở chắc chắn sẽ sát đúng hơn, hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số - Chìa khoá mở không gian phát triển mới

Trong bối cảnh chính quyền hai cấp được sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, đội ngũ cán bộ cấp xã được giao đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, khi các điều kiện đáp ứng còn khó khăn về nhiều mặt.

Tại lễ công bố Nghị quyết, các quyết định triển khai đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu: “Tư tưởng chỉ đạo nhất quán, cốt lõi và xuyên suốt đó là chính quyền mới phải phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; nhanh chóng chuyển trạng thái từ tư duy “hành chính quản lý” sang tư duy “phục vụ, kiến tạo”; lãnh đạo cấp xã, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm thực tiễn, sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, hết lòng phục vụ dân”.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đức Trung hỏi chuyện người dân về sản xuất, tiêu thụ rau màu. Ảnh: Mỹ Linh

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đức Trung hỏi chuyện người dân về sản xuất, tiêu thụ rau màu. Ảnh: Mỹ Linh

Từ câu chuyện Bí thư Đảng uỷ xã miền núi qua zalo, messenger tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân nhiều năm trước, mới đây là chuyện một lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh livetream bán vải thiều cho dân, càng thấy với trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ vừa được bổ nhiệm, điều động về cấp xã hiện nay, với điều kiện phát triển của kỹ thuật, công nghệ ngày nay; việc chuyển đổi số chính là một trong những chìa khoá giúp chính quyền cơ sở phục vụ người dân tốt hơn.

Khi lãnh đạo cơ sở thành nếp quen sử dụng công nghệ, việc tiếp nhận các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của cấp trên; triển khai các kế hoạch công tác tới cấp dưới gắn với việc quản lý công việc của cán bộ sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, minh bạch, hiệu quả hơn rất nhiều.

Chuyển đổi số giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thuận tiện trong quản lý dân cư, quản lý chính xác tài nguyên, từ các vùng có thể phát triển nguyên liệu phục vụ sản xuất, chăn nuôi đến từng thửa đất của các hộ dân.

Với ứng dụng nền tảng số, mỗi cán bộ cơ sở có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, các di tích, danh thắng, tiềm năng phát triển, thu hút đầu tư cho địa phương mình. Không gian phát triển của cấp xã giờ đây cũng không còn giới hạn bởi địa giới hành chính riêng địa phương mình; mà là sự mở rộng liên kết, hợp tác với  các địa phương lân cận; xa hơn, lớn hơn là với toàn tỉnh, với cả nước và với các bạn bè, đối tác quốc tế.   

Khi đội ngũ cán bộ cơ sở dùng các nhóm Zalo/Viber, Facebook… để điều hành công việc hàng ngày, mọi thông tin, thông báo về chủ trương, chính sách, phòng chống thiên tai, dịch bệnh sẽ đến được với người dân rõ nhất, nhanh nhất có thể. Sẽ không còn là mơ ước xa vời khi nghĩ tới những lớp học Ngoại ngữ cho học sinh nghèo vùng sâu Na Loi, Mỹ Lý, Mường Ải được các giáo viên là tình nguyện viên từ phố dạy online cùng sự trợ giảng của giáo viên cắm bản.  

Và sẽ là hiện thực khi những bệnh nhân nặng từ Tri Lễ, Mường Chọng, Thông Thụ, do điều kiện không thể chuyển lên tuyến trên, được các bác sĩ đầu ngành tuyến tỉnh, trung ương cùng hội chẩn, hướng dẫn phác đồ điều trị cho bác sĩ tại trạm y tế cơ sở…Tất cả những kết quả ấy đều xuất phát từ tư duy kiến tạo, phục vụ, từ việc ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ các cấp.

Lại bắt đầu từ những điều gần dân, vì dân nhất

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, mới đây, Trưởng ban Tổ chức huyện uỷ Quỳ Châu Võ Anh Tuấn lại được điều động về làm Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Chân, một xã vùng sâu còn xa hơn, khó khăn hơn xã Châu Nga trước đó.  

Chia sẻ về những ngày đầu về xã mới, anh cho biết, mặc dầu còn nhiều khó khăn, cấp uỷ, chính quyền xã Hùng Chân đã bắt đầu từ những việc có thể làm được ngay và luôn, như ổn định nơi làm việc, nơi ăn nghỉ cho cán bộ công chức. Phân công cán bộ cắm bản chỉ đạo, phối hợp với chi uỷ, ban công tác Mặt trận cơ sở tuyên truyền vận động bà con làm sạch, đẹp hơn từng lối đi trong bản; làm sáng lại các cột đèn đường bị mất điện đã khá lâu; làm khang trang, tiện ích hơn khu vực tiếp dân và nhất là thái độ đúng mực, trách nhiệm tận tụy, niềm nở của mỗi cán bộ công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi khảo sát hoạt động của Trung tâm hành chính công xã Nậm Giải, Nghệ an. Ảnh: Mỹ Linh

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi khảo sát hoạt động của Trung tâm hành chính công xã Nậm Giải, Nghệ an. Ảnh: Mỹ Linh

Cùng với việc nâng cấp hệ thống trang thiết bị, mở các lớp “bình dân học vụ số”, xã cố gắng để người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính thuận tiện nhất, nhanh nhất. Khi được nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ, chắc chắn mọi chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở xã sẽ thuận lợi và đạt kết quả tích cực.

Soi rọi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quá trình phát triển của đất nước, nhất là với thực tiễn ngày nay, càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy: “ Cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thay đổi tư duy “hành chính quản lý” sang tư duy “phục vụ, kiến tạo”; dù còn những khó khăn, quê hương, đất nước đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình đi tới giàu mạnh, văn minh.                               

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất