| Hotline: 0983.970.780

Krông Nô chuyển mình từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao

Thứ Năm 08/05/2025 , 16:23 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Huyện Krông Nô đang chuyển mình mạnh mẽ với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả.

Hướng đi tất yếu

Huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có tiềm năng phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 53.000ha. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng đưa công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh lúa, cà phê, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Một trong những mô hình nổi bật là vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Choah với quy mô 600ha/vụ và hơn 400 hộ dân cùng 2 hợp tác xã đang canh tác theo quy trình VietGAP. Hiện nay, trong vùng đang ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nổi bật như sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ và ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, bón phân. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở Đắk Nông áp dụng đồng bộ công nghệ cao vào sản xuất lúa.

Các xã viên của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (huyện Krông Nô) đang thu hoạch lúa với năng suất cao. Ảnh: T.H.

Các xã viên của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (huyện Krông Nô) đang thu hoạch lúa với năng suất cao. Ảnh: T.H.

Theo ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh, nhờ ứng dụng công nghệ, năng suất cây lúa tăng đều, chất lượng gạo đạt chuẩn OCOP 4 sao, được nhiều nơi đặt hàng ổn định. Bà Trần Thị Thanh Vân, phụ trách chất lượng sản phẩm của HTX nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, sản xuất lúa theo VietGAP tuy yêu cầu kỹ thuật cao nhưng đầu ra ổn định, giá bán cao hơn thị trường từ 10 – 15%.

Cùng với vùng sản xuất lúa, ngày 13/12/2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1541/QĐ-UBND về công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.

Hiện nay trên địa bàn huyện huyện Krông Nô có HTX nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái (xã Nâm Nung) đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA, UTZ và 4C với diện tích 340ha. HTX đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, sản xuất cà phê phin giấy, rang xay đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường

Không chỉ sản xuất, huyện Krông Nô còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản. Chính quyền đã phối hợp với Viettel và bưu điện hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, SamMoOCOP. Bên cạnh đó, nhiều HTX sử dụng Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm và bán hàng trực tiếp.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân huyện Krông Nô ngày càng được nâng cao. Ảnh: T.H.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân huyện Krông Nô ngày càng được nâng cao. Ảnh: T.H.

Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX nông nghiệp Krông Nô (xã Tân Thành, huyện Krông Nô) cho biết, nhờ có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, HTX đã tiếp cận nhiều khách hàng mới, đơn hàng ngày càng nhiều, nhất là từ các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô đã tích cực hỗ trợ các HTX, đồng thời tham mưu cho UBND huyện xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho các sản phẩm chủ lực như “Lúa gạo Krông Nô”, “Bơ Núi lửa Krông Nô”. Trong đó, vùng bơ công nghệ cao tại xã Nâm N’dir và Buôn Choáh được hỗ trợ giống mới, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và giúp nông dân làm chủ thị trường, tăng thu nhập, giảm rủi ro.

“Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hỗ trợ người dân, các tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như vùng lúa công nghệ cao tại xã Buôn Choáh và Nâm N’dir (600ha); vùng bắp công nghệ cao tại Đức Xuyên và Nâm N’dir (300 – 400ha); vùng cà phê chất lượng cao tại Đắk Drô, Nâm Nung, Tân Thành (2.500ha); vùng trái cây và thủy sản tại các xã Đắk Nang, Đắk Sôr và Nam Xuân”, ông Lộc cho biết.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đột phá chiến lược của tỉnh Đắk Nông nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đắk Nông xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị theo hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.

Người dân xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô phấn khởi thu hoạch vụ ngô đạt năng suất cao. Ảnh: T.H.

Người dân xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô phấn khởi thu hoạch vụ ngô đạt năng suất cao. Ảnh: T.H.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị thông qua HTX và doanh nghiệp.

Đặc biệt, huyện Krông Nô đã xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất lúa tại Buôn Choáh, vùng sản xuất ngô tại xã Đức Xuyên và vùng sản xuất cà phê tại xã Nâm Nung, đã triển khai mô hình VietGAP trên cây sầu riêng tại xã Nâm Nung.

Với tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản và sự đồng thuận từ người dân đến chính quyền, huyện Krông Nô đang từng bước hình thành nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Krông Nô không chỉ tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân và từng bước đưa nông sản địa phương vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xem thêm
An toàn sinh học, 'lá chắn' phòng, chống dịch bệnh vật nuôi hiệu quả

KHÁNH HOÀ Không chỉ là 'lá chắn' phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học còn giúp người dân Khánh Hòa phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững.

Hơn 50.000 người dân Bắc Ninh tham gia tổng vệ sinh môi trường

BẮC NINH Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh triển khai thành công tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

Xử phạt nhiều trường hợp đốt rơm rạ

HUẾ Nhiều người dân ở TP Huế đã bị xử phạt hành chính do đốt rơm rạ.

Sống chung với khô hạn: [Bài cuối] Liên thông hồ chứa, chuyển nước các lưu vực

Dù nguy cơ thiếu nước sản xuất luôn thường trực, song với kế hoạch tưới chi tiết từng mùa vụ cũng như điều tiết khoa học, Ninh Thuận vẫn đảm bảo nước tưới.

Vỏ trấu - nguyên liệu dồi dào để sản xuất than sinh học

Mỗi tấn lúa sau khi xay xát sẽ thải ra khoảng 200kg vỏ trấu, nếu được thu gom chế biến sẽ tạo ra được khoảng 40kg than sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tạo nền tảng vững chắc trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

BẮC NINH Tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền pháp luật, tổ chức thả giống thủy sản, huy động cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Để dược liệu dưới tán rừng ‘cất cánh’

Sản xuất dược liệu dưới tán rừng không chỉ là hướng đi tiềm năng mà còn là lời giải bền vững cho sinh kế người dân miền núi nếu được đầu tư bài bản.