Kiểm định khí thải xe gắn máy có lộ trình
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đang tiến hành lấy ý kiến người dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam.

Kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Hiệp.
Việc xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải là cần thiết nhằm loại bỏ dần các phương tiện không đạt tiêu chuẩn, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện sạch và thân thiện với môi trường như xe điện hoặc xe sử dụng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển hệ thống giao thông bền vững, hiện đại và hướng tới xây dựng các đô thị xanh trong tương lai.
Dự thảo được xây dựng trên cơ sở đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường sống, trong đó việc kiểm soát khí thải từ xe máy và ô tô cần được nhìn nhận như một phần trong tổng thể các giải pháp cải thiện chất lượng không khí đô thị, gắn với việc phát triển hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại và bền vững.
Theo đề xuất tại Dự thảo, lộ trình sẽ được thí điểm trước tại các đô thị lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao như Hà Nội và TP HCM, sau đó sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường truyền thông và áp dụng các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thích ứng và đồng thuận với chủ trương mới.
Việc kiểm soát khí thải cũng sẽ được kết hợp với các biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện sạch như hỗ trợ đổi xe, miễn giảm phí đăng kiểm hoặc cung cấp các ưu đãi tài chính đối với người dân chuyển sang sử dụng xe điện và các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Về tiêu chuẩn khí thải, các mức áp dụng được phân loại rõ ràng theo năm sản xuất của phương tiện, trong đó xe mô tô sản xuất trước năm 2008 sẽ áp dụng mức 1, xe sản xuất từ năm 2008 đến 2016 áp dụng mức 2, xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026 áp dụng mức 3 và từ sau ngày 1/7/2026 sẽ áp dụng mức 4.
Đối với xe gắn máy, các xe sản xuất trước năm 2016 áp dụng mức 1, từ năm 2017 đến 30/6/2027 áp dụng mức 2 và từ ngày 1/7/2027 trở đi áp dụng mức 4.
Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2032, tất cả xe mô tô và xe gắn máy lưu hành tại Hà Nội và TP HCM phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 2 trở lên, đồng thời các phương tiện lưu thông vào "vùng phát thải thấp" theo Luật Thủ đô cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn riêng do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.
Chưa có QCVN về khí thải xe mô tô, xe gắn máy
Cùng với việc xây dựng Dự thảo, Bộ NN-MT cũng có báo cáo đánh giá tác động chính sách khi thực hiện xây dựng Dự thảo này. Theo đó, mục tiêu nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và góp phần bảo vệ môi trường không khí.

Chưa có QCVN đối với khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Theo Báo cáo đánh giá tác động: Bộ Y tế đã có những khuyến cáo, việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần nhất là nhóm người nhạy cảm.
Trong thời gian qua, tại một số thành phố lớn của nước ta đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong cộng đồng. Ngành y tế đã liên tục có những cảnh báo, chỉ đạo các đơn vị chủ động hướng dẫn người dân phòng người, bảo vệ sức khỏe trước tình hình ô nhiễm không khí.
Mức độ ô nhiễm không khí cũng tỷ lệ thuận với việc gia tăng các phương tiện giao thông do hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải lớn các chất ô nhiễm không khí. Trong khi đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng xe máy và tỷ lệ sở hữu xe máy cao nhất trên thế giới, đặc biệt tại các đô thị lớn. Số lượng, mật độ xe tỉ lệ thuận với nguy cơ ùn tắc và tích tụ, mức độ ô nhiễm không khí.
Các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là xe cũ) có mức phát thải cao hơn nhiều so với các phương tiện mới và chưa có quy định bắt buộc nâng cấp hoặc loại bỏ.
Bên cạnh đó, chưa có QCVN đối với khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam nên chưa đủ căn cứ để thực hiện đầy đủ quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.... để sớm triển khai áp dụng lộ trình áp dụng quy định mức khí thải bắt buộc đối xe mô tô, xe gắn máy với lưu hành ở Việt Nam.

Việc kiểm định khí thải xe moto, xe gắn máy sẽ thực hiện theo lộ trình, theo từng địa phương. Ảnh: Hoàng Hiệp.
TCVN 6438:2018 là tiêu chuẩn quy định các mức giới hạn tối đa cho phép của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, nhưng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, TCVN chỉ mang tính khuyến nghị, tự nguyện áp dụng. Chỉ những QCVN do cơ quan nhà nước ban hành mới có tính bắt buộc về pháp lý.
Ngoài ra, sự chênh lệch giữa quy chuẩn khí thải của xe nhập khẩu, xe sản xuất, lắp mới và xe lưu hành tạo ra bất cập trong việc kiểm soát phát thải. Hiện nay mới chỉ có quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp (theo Quyết định số 19 ngày 15/11/2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành). Do đó, cần có sự đồng bộ trong công tác quản lý, kiểm soát khí thải đòi hỏi cần có quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam.
Mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam chủ yếu chỉ phải đáp ứng Mức 1, Mức 2 theo TCVN 6438:2018, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực và quốc tế. Thực tế cũng chỉ có quy định loại bỏ xe tự chế, niên hạn sử dụng đối với ô tô, chưa có cơ chế loại bỏ dần các xe mô tô, xe máy cũ nát, lạc hậu có mức phát thải cao, dẫn đến tình trạng xe cũ vẫn tiếp tục lưu hành, gây ô nhiễm nặng nề hơn.
Do đó, Dự thảo nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ theo quy định, đồng bộ để kiểm soát, phân loại và kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành, tiến tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng quản lý; đồng bộ hóa hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn giữa các nhóm phương tiện (xe mới, xe nhập khẩu, xe đang sử dụng).
Từng bước hạn chế, thải bỏ các xe mô tô, xe gắn máy đã cũ nát, lạc hậu, công nghệ không đáp ứng đạt quy định về khí thải; Cải thiện chất lượng không khí theo từng giai đoạn của lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy thông qua việc giảm thiểu hạn chế khí thải phát sinh...
Lộ trình kiểm định khí thải dự kiến đối với xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành
Giai đoạn từ 1/1/2027: thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể:
- Xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1; Xe mô tô sản xuất từ năm 2008 đến năm 2016, áp dụng Mức 2; Xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026, áp dụng Mức 3; Xe mô tô sản xuất sau ngày 1/7/2026, áp dụng Mức 4.
- Xe gắn máy sản xuất trước năm 2016, áp dụng Mức 1; Xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027, áp dụng Mức 2; Xe gắn máy sản xuất từ ngày 1/7/2027, áp dụng Mức 4.
Giai đoạn từ 1/1/2028: Áp dụng kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế tương tự như giai đoạn trước.
Giai đoạn từ 01/01/2030: Áp dụng kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên phạm vi toàn quốc.
Giai đoạn từ ngày 1/1/2032: Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng quy định về khí thải Mức 2 trở lên.