
Chiều 14/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Kendra Rinas, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam. Ảnh: Phương Linh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề di cư, đặc biệt là tại các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, gần 200.000 hộ dân ở Tây Nguyên đang di cư tự phát, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chiến lược, chương trình hành động, dự án cụ thể nhằm tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những định hướng quan trọng là phát triển hạ tầng, phòng, chống thiên tai có tính bền vững, dựa vào cộng đồng và hướng tới nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Đặc biệt là xây dựng và nâng cấp hệ thống nhà tránh trú bão đảm bảo an toàn, đầy đủ tiện nghi thiết yếu như nước sạch, nhà vệ sinh, chỗ nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn IOM hỗ trợ và phối hợp với Việt Nam trong việc phát triển các mô hình tránh trú an toàn và đạt chuẩn. Ảnh: Phương Linh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, di cư không chỉ là việc để người dân rời đi, mà còn là quá trình tái định cư giúp họ sống tập trung, giảm thiểu rủi ro thiên tai và nâng cao sinh kế. “Ví dụ ở đồng bằng sông Cửu Long, việc tổ chức lại khu dân cư ven sông sẽ giúp phòng tránh sạt lở và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu", ông Hiệp dẫn chứng.
Thứ trưởng Hiệp bày tỏ mong muốn IOM hỗ trợ và phối hợp với Việt Nam trong việc cải tạo, nâng cấp các cơ quan công sở hiện có thành những khu tránh trú bão an toàn và đa chức năng. “Tôi đề xuất triển khai thí điểm một vài mô hình, ví dụ như nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tại các trường học để vừa phục vụ việc giảng dạy, vừa đảm bảo là nơi tránh trú khi có thiên tai.
Nếu các mô hình này thành công, nhà nước sẽ sử dụng ngân sách để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả thực tế, tận dụng được hạ tầng sẵn có mà còn dễ nhận được sự quan tâm, đồng hành của các nhà tài trợ”, ông Hiệp cho biết.

Bà Kendra Rinas, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam, khẳng định về tiềm năng hợp tác và phát triển giữa IOM và Việt Nam trong cuộc họp ngày 14/4. Ảnh: Phương Linh.
Lắng nghe những chia sẻ từ Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, bà Kendra Rinas, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục phối hợp nâng cao tiêu chuẩn nhà tránh trú, với kế hoạch bổ sung thêm ba điểm nhà tránh trú mới trước tháng 6/2025 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Kendra Rinas nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác kỹ thuật với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như nghiên cứu dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm và thiết kế chính sách di dân thích ứng biến đổi khí hậu.
“IOM có khả năng huy động nguồn lực hiệu quả nhờ mạng lưới đối tác rộng khắp từ Hàn Quốc, Nhật Bản tới châu Âu. Chúng tôi hy vọng có thêm những hợp tác chính thức để cùng Việt Nam giảm nhẹ tác động từ biến đổi khí hậu và hỗ trợ người dân tốt hơn”, bà Kendra Rinas nói.

Mô hình nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức khởi công xây dựng nhà tránh trú cộng đồng tại bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vào ngày 9/4. Dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025, đảm bảo nơi trú tránh an toàn cho 150 người.
Nhà tránh trú cộng đồng là một phần trong khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Bắc bị thiệt hại nghiêm trọng bởi cơn bão Yagi và lũ lụt do IOM phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện, với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản.
Trước đó, với nguồn viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản, IOM đã cấp phát 1.100 thùng hàng (tương đương 1,7 tỷ đồng) cho gần 5.000 người tại 8 xã thuộc địa bàn tỉnh Cao Bằng nhằm khắc phục hậu quả bão Yagi.