Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều động thái đảo ngược nỗ lực phi carbon đất nước. Hồi đầu tháng 7, ông chủ Nhà Trắng và các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội đã bãi bỏ phần lớn các điều khoản trọng yếu của Đạo luật Giảm lạm phát, động thái được cho là sẽ tạo “bước lùi” cho nỗ lực phi carbon hóa của nước này.
Dù là một trong số những nước phát thải lớn, Mỹ chỉ đóng góp khoảng 13% lượng CO2 toàn cầu. Và may mắn thay, dù Mỹ đang có những thay đổi về chính sách chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, phần còn lại của thế giới vẫn đang trên đà phát triển năng lượng tái tạo.

Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu đang tăng lên. Ảnh: Bruegel.
Nổi bật nhất, tại Trung Quốc - quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, công xuất điện gió và mặt trời đã vượt qua công suất điện than và khí đốt trong quý đầu năm 2025, theo báo cáo Giám sát năng lượng toàn cầu - công bố đầu tháng 7. Dù Trung Quốc vẫn đang xây dựng và sử dụng một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch nhưng theo các nghiên cứu, lượng phát thải của Trung Quốc về sau sẽ giảm dần.
Trong khi đó, tại Liên minh châu Âu (EU), điện mặt trời đã trở thành nguồn cung năng lượng chính cho khu vực trong suốt tháng 6. Theo báo cáo mới của Ember, đây là lần đầu tiên năng lượng mặt trời dẫn đầu trong cả tháng tại EU, đóng góp 22% sản lượng điện của khu vực. Nhu cầu sử dụng than đá cho lưới điện cũng đã giảm xuống mức thấp nhất. Điều này phản ánh nỗ lực của châu Âu trong việc loại bỏ nhiên liệu phát thải cao.
Gần đây, Ireland đã đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng vào cuối tháng 6, trở thành quốc gia thứ 15 tại châu Âu dừng sử dụng than đá. Hai quốc gia khác là Italy và Tây Ban Nha dự kiến áp dụng động thái tương tự vào cuối mùa hè.
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Hiện nay, cứ mỗi 1 USD đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch thì có 2 USD được dành cho năng lượng sạch, hiệu quả năng lượng và hệ thống lưới điện. Đây là một bước tiến đáng kể và là lý do chính tại sao năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), hơn 90% công suất điện mới được bổ sung trên toàn cầu trong năm qua đến từ các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc 90% sản lượng điện toàn cầu hiện nay là từ năng lượng tái tạo.
Con số trên phản ánh xu hướng xây dựng nhà máy điện mới, chủ yếu là điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ... Trên thực tế, các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn đang vận hành rộng rãi và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện toàn cầu.
BloombergNEF dự đoán, tỷ lệ sử dụng xe điện (EV) dự kiến sẽ tăng thêm 25% trong năm nay, so với năm 2024. Bênh cạnh đó, hơn 1/4 số xe du lịch mới được bán ra trên toàn thế giới sẽ chạy bằng pin.