| Hotline: 0983.970.780

‘Hồi sinh’ các dự án treo

Thứ Sáu 25/04/2025 , 06:29 (GMT+7)

Những nghị quyết đặc thù về đất đai đang từng bước ‘hồi sinh’ các dự án bất động sản chậm triển khai.

“Liều thuốc” cho các dự án bất động sản

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, hai nghị quyết có tính chất đặc thù đã được thông qua. Đó là: Nghị quyết số 171/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết số 170/2024 của Quốc hội quy định cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Để triển khai cụ thể các cơ chế đặc thù này, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành 2 Nghị định hướng dẫn chi tiết, Nghị định 76/NĐ-CP quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 170/2024; và Nghị định số 75/NĐ-CP quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 171/2024. Đây được xem là “liều thuốc” đặc biệt dành cho các dự án bất động sản.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước đang có khoảng 1.500 dự án bất động sản chậm triển khai. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 171, TP. Hà Nội sẽ gỡ được nút thắt cho khoảng 281 dự án với tổng diện tích gần 2.200 ha. Với nghị quyết 170, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa có 1.313 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 200 dự án bị vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ. Các dự án này cũng có cơ hội được gỡ vướng.

Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ 148 Giảng Võ đang được tái khởi động trở lại. Ảnh: Thùy Linh.

Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ 148 Giảng Võ đang được tái khởi động trở lại. Ảnh: Thùy Linh.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, theo quy định trước đây, đất nhận chuyển nhượng phải có đất ở mới được làm nhà ở thương mại, nếu không phải đấu thầu, đấu giá. Với Nghị quyết 171, doanh nghiệp sẽ được thí điểm chuyển các loại đất này thành đất ở thương mại.

Cụ thể, trong thời gian thực hiện thí điểm, nhà đầu tư được phép thỏa thuận nhận quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở bao gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở thương mại, điều này sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng nghìn dự án nhà ở.

Thực hiện cơ chế thí điểm này, doanh nghiệp có đất, người dân được đền bù thỏa đáng và Nhà nước không phải thu hồi đất, giảm công việc phải làm nhưng vẫn thu được tiền đất, thuế, phí, lệ phí... Cơ chế dân sự dựa trên nền tảng bình đẳng về địa vị pháp lý, về quyền và nghĩa vụ, tự do thỏa thuận, đây được xem là lựa chọn tốt nhất và cần khuyến khích áp dụng.

Nghị quyết 170, 171 có giá trị lớn trong việc tháo gỡ những vướng mắc của các dự án trong nhiều năm nay. Kể cả các dự án thanh tra, liên quan đến vụ án hình sự… sẽ được nhìn nhận lại và có thể được gỡ vướng một cách nhẹ nhàng.

Tái khởi động các dự án đã bị “treo” nhiều năm

Thời điểm này, đi trên các tuyến đường TP Hà Nội, có thể thấy nhiều dự án bất động sản đã bắt đầu được tái khởi động.

Tại công trường dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn hóa 148 Giảng Võ – quận Ba Đình, dự án KĐT Cao Xà Lá (quận Thanh Xuân); dự án chung cư Sun Garden City (quận Cầu Giấy)… máy móc  đã được tập kết, mặt bằng đã được dọn dẹp, chuẩn bị ép cọc thi công. Trên tuyến đường Lê Văn Lương, dự án chung cư Handireco, Kepper Land, The Charm An Hưng (quận Hà Đông) đang rầm rộ mở bán sau khi được tháo gỡ về tiền sử dụng đất. Đây đều là những dự án tiêu biểu được TP Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Nhiều dự án sau khi được gỡ vướng về tiền sử dụng đất đã bắt đầu triển khai bán hàng. Ảnh: Thùy Linh.

Nhiều dự án sau khi được gỡ vướng về tiền sử dụng đất đã bắt đầu triển khai bán hàng. Ảnh: Thùy Linh.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư An Hưng cho biết, dự án chung cư The Charm An Hưng đã được cất nóc từ giữa năm 2024. Nhưng doanh nghiệp không thể bán hàng do dự án chưa được tính xong tiền sử dụng đất. Rất may, Luật Đất đai 2024 được thực thi sớm, cùng với đó các Nghị quyết 170,171 của Quốc hội, Nghị định 75, 76 của Chính phủ được ban hành đã góp phần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Đầu năm 2025, dự án đã được tính tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đã được mở bán dự án, thu hồi vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Chí Thành - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Vinaland chia sẻ, doanh nghiệp này đang có thửa đất 3,5 ha tại huyện Phúc Thọ. Nguồn gốc là đất nhà máy xí nghiệp. Trước đây, theo quy định cũ, thửa đất này không có chức năng đất ở nên không thể chuyển đổi để xây dựng nhà ở thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp phải dừng không triển. Mới đây, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết 171, doanh nghiệp đã mạnh dạn thực hiện các thủ tục xin chuyển đổi để làm dự án.

“Nghị quyết 171 đã mở đường cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện pháp lý để triển khai đầu tư. Hiện nay, TP.Hà Nội và TP.HCM đang có khoảng 400 dự án đang vướng mắc ở về thủ tục này. Sau khi được tháo gỡ, nguồn cung cho thị trường bất động sản sẽ được giải tỏa, giá bán nhà sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường”, ông Thành nhấn mạnh.

Dưới sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương, nhiều dự án treo, chậm tiến độ đã và đang được tháo gỡ. Nguồn lực đất đai được đưa vào sử dụng một các hiệu quả, nguồn vốn đang từng bước được khơi thông.  

Nghị quyết 170, 171 của Quốc hội đang tạo cơ chế đặc thù, đóng vai trò then chốt trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, khơi thông nguồn vốn cho thị trường. Nhờ đó, các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, giảm thiểu chi phí phát sinh do chậm trễ, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, ổn định giá cả và bảo vệ quyền lợi cho người dân. 

Theo ông Đào Trung Chính – Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trên tinh thần Nghị quyết 170-171, các địa phương chủ động đăng ký thí điểm các dự án đang có quyền sử dụng đất nhưng không có diện tích đất ở. Đồng thời, rà soát các dự án đất đai có sai phạm đã được kết tại bản án, kết thuận thanh tra, chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm để cùng tháo gỡ. Tinh thần chung địa phương tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; vấn đề không thuộc thẩm quyền thì kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ.

Xem thêm
Đầu tư dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang hơn 17.330 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có quy mô sử dụng đất hơn 226 ha thuộc xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, TP. Nha Trang.

Danko Riverside: Kỷ lục sống mới, niềm kiêu hãnh của Bắc Giang

Danko Riverside đang từng bước ghi dấu những 'kỷ lục' ấn tượng, góp phần nâng tầm vị thế Bắc Giang trên bản đồ bất động sản Việt Nam.

Thận trọng khi mua đất tại các 'đô thị vệ tinh'

Khi tìm mua đất tại các đô thị vệ tinh, nhà đầu tư cần cần trọng, kiểm tra kỹ thông tin, bởi quy hoạch các khu vực này đang được cập nhật.

Đề xuất hoạt động cho thuê căn hộ ngắn ngày tại TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản lấy ý kiến về đề xuất mô hình lưu trú ngắn ngày trong nhà chung cư.