
Dạy thêm, học thêm vẫn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay (Ảnh minh họa).
Không phải vì cháu học kém hay hai vợ chồng tôi không kèm được ở nhà mà bởi cứ để cháu vất vưởng theo mẹ đến trường rồi để cháu bơ vơ ngồi ở thư viện hay sân trường mà hai vợ chồng tôi không đành…
Từ lâu, dư luận đã nói nhiều, bàn nhiều về chuyện học thêm, dạy thêm ở các cấp học. Nhiều ý kiến trái chiều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho chúng ta có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng, rõ ràng việc cấm dạy thêm, học thêm là một việc làm khiên cưỡng trong một xã hội hiện đại và nhất là trong một xã hội còn nặng nề thi cử, coi trọng thành tích.
Câu hỏi: “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” vẫn là nỗi ám ảnh cho hàng triệu người thầy trong nhiều năm qua. Với hệ số lương hiện nay, nếu giáo viên không làm thêm một nghề tay trái thì rất khó tồn tại được với nghề, nhất là các giáo viên có tuổi nghề trên dưới 10 năm ở các thành phố.
Chúng ta cứ tưởng tượng một giáo viên có trình độ cao đẳng khi ra trường được hưởng 85% của hệ số 2.10, đại học 2.34 thì trừ các loại bảo hiểm đi thì mỗi giáo viên chỉ nhận khoảng trên 3 triệu đồng, đó là chưa kể có rất nhiều những khoản đóng góp khác nữa.
Trong khi phần lớn giáo viên những năm gần đây không xin được dạy ở trường gần nên khi công tác xa lại phát sinh tiền thuê nhà và các dịch vụ giá cao khác. Với số tiền như vậy thì nuôi bản thân cũng đang còn chật vật chứ nói gì đến con cái, gia đình và lo nhà cửa.
Người giáo viên không muốn “ca nghèo, kể khổ” và chắc chắn nhiều người cũng sẽ nói là ngành nghề khác cũng hệ số lương như vậy mà còn không có phụ cấp đứng lớp nhưng có bao giờ dư luận chịu hiểu rằng nghề khác không có phụ cấp đứng lớp thì lại có phụ cấp công vụ.
Nhưng với đặc thù của nghề giáo, nhất là trong giai đoạn hiện nay không còn chuyện cầm vài cục phấn, quyển giáo án lên lớp thao thao giảng dạy như hàng chục năm về trước mà phải đầu tư rất nhiều thứ để phục vụ cho giảng dạy.
Hơn nữa, nghề giáo ngoài đồng lương thì còn có loại tiền gì nữa đâu. Vì thế, việc dạy thêm là một trong những công việc phù hợp và có thể kiếm thêm một số tiền ít ỏi để trang trải cho cuộc sống gia đình của họ. Và, chỉ khi nào cuộc sống của người thầy đảm bảo tốt thì mới có thể lo tốt chuyện trường lớp được.
Nhiều người khi nói đến dạy thêm là thường đánh đồng tất cả giáo viên nhưng sự việc không phải hoàn toàn như vậy. Việc dạy thêm hiện nay ở cấp 1 chỉ có giáo viên chủ nhiệm và giáo viên Tiếng Anh, ở cấp THCS cũng chỉ có một số giáo viên ở thành phố hay những vùng có điều kiện dạy thêm được ở một số môn được xem là môn chính như Toán, Lí, Hóa, Tiếng Anh, Văn, ở cấp THPT thì chỉ là mấy môn trong tổ hợp thi Đại học.
Như vậy, phần nhiều những giáo viên dạy các môn xã hội hay một số môn được xem là môn phụ thì làm sao mà dạy thêm được? Vì thế, phần lớn giáo viên vẫn phải “căng-kéo” những đồng lương ít ỏi của mình để lo cho cuộc sống hàng ngày.
Việc dạy thêm của người thầy cũng giống như người công nhân làm thêm giờ, người thợ làm thêm ngày Chủ nhật, việc dạy thêm không chỉ là chủ ý của một số giáo viên mà nó còn là nhu cầu của nhiều phụ huynh học sinh. Như gia đình tôi vậy, nếu tôi không gửi con cho thầy dạy thêm thì biết để con ở đâu. Giữa rất nhiều xô bồ của xã hội thì việc gửi con cho thầy cô để cha mẹ yên tâm công tác vẫn là lựa chọn tốt của vợ chồng tôi cũng như biết bao nhiêu cặp vợ chồng công-viên chức khác.
Hơn nữa, nhiều phụ huynh muốn đầu tư cho con cái mình bởi còn yếu môn này, môn kia, hay muốn con mình có đủ khả năng để thi đỗ vào trường này trường khác trong các kì chuyển cấp hay thi tuyển đại học, cao đẳng. Vì vậy theo tôi nghĩ, cấm việc dạy thêm vô tình không chỉ đẩy một số giáo viên mà cả phụ huynh vào những tình huống khó xử.
Một thực tế hiện nay là nhiều gia đình khá giả họ không cho con học thêm ở trường, ở nhà thầy cô hay các trung tâm gia sư mà thuê hẳn một số giáo viên đến nhà kèm cặp con em mình. Bởi họ có điều kiện kinh tế và mục đích của họ là con em họ được đào tạo chuyên sâu để hướng tới một tương lai tốt nhất.
Thời kinh tế thị trường ở bất kì lĩnh vực nào cũng có người thế này, thế khác và ngành giáo cũng vậy. Song, chắc chắn một điều phần lớn các giáo viên vẫn giữ được những phẩm chất cao quí của người thầy, họ vẫn dạy học trò bằng lương tâm và trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ với học trò, với ngành giáo dục và ngay với cả bản thân họ.
Vì thế, chuyện dạy thêm là chuyện kèm cặp những học sinh yếu kém khá hơn và những em học khá giỏi có thể nâng cao và mở rộng kiến thức để đáp ứng với rất nhiều cuộc thi mà ngành giáo dục đang phát động hiện nay.
Chuyện dừng dạy thêm và học thêm chỉ có thể thực hiện được khi chương trình sách giáo khoa nhẹ nhàng hơn, khi mà các kì thi không còn gay gắt nữa, khi mà người thầy sống được bằng lương và khi mà cha mẹ học sinh ý thức được việc học của con em mình bằng cách chú ý kèm cặp, dạy dỗ và kết hợp với nhà trường thực hiện đúng các mục tiêu giáo dục.
Là người đang công tác trong ngành giáo dục, mặc dù tôi không dạy thêm nhưng đang phải gửi con học thêm nên tôi hiểu phần nào bức xúc của một bộ phận phụ huynh. Song, suy đến cùng đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lời và thông minh nhất. Đầu tư nhiều thì lãi nhiều mà đầu tư ít thì lãi ít… thế thôi.
Điều cốt lõi nhất là quản lý được giáo viên không mở lớp dạy thêm tràn lan, không để tình trạng đối xử, phân biệt của giáo viên đối với những em học thêm và những em không học thêm mà thôi.