Với gần 100% người Mông đen sinh sống, những bản làng ở xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa nằm “treo” trên sườn núi, diện tích đất canh tác ít, việc phát triển kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, năm 2023 bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân xã Mường Hoa đã cán đích nông thôn mới.
Điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa
Sa Pa, Lào Cai ngày càng trở thành điểm đến được đông đảo du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Trong khi trung tâm thị xã Sa Pa và nhiều khu vực lân cận đang phát triển mạnh theo hướng hiện đại hóa với hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao tầng, thì xã Mường Hoa lại chọn một hướng đi khác là phát triển du lịch bản làng với mô hình homestay gắn bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Mường Hoa trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng của thị xã Sa Pa được du khách yêu quý. Ảnh: Bích Hợp.
Ông Giàng A Sở, Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa cho biết: “So với nhiều xã, phường khác trong thị xã Sa Pa đã có lịch sử phát triển du lịch lâu năm thì Mường Hoa là địa phương đi sau. Chính vì vậy, chúng tôi đã thận trọng lựa chọn hướng đi riêng, phát huy tối đa lợi thế sẵn có của địa phương để tạo sự khác biệt. Từ đó, xã xác định phát triển dịch vụ, du lịch gắn với bản làng và mô hình homestay truyền thống phù hợp với định hướng phát triển du lịch cộng đồng của thị xã và tỉnh Lào Cai.”
Tiêu biểu trong mô hình này là thôn Hòa Sử Pán 1, nơi được ví như “viên ngọc” du lịch homestay ở Mường Hoa. Các homestay trong thôn được xây dựng theo triền núi, phần lớn là nhà gỗ hoặc nhà xếp bằng đá theo lối kiến trúc truyền thống của người Mông. Người dân thường trang trí tường bao quanh bằng các loài hoa đặc trưng của Sa Pa như hoa hồng, hoa bất tử, trúc… Đặc biệt là cổng vào homestay được tạo hình như cây khèn, cây sáo… nhạc cụ truyền thống của người Mông. Du khách đến đây nghỉ ngơi, du lịch sẽ được trải nghiệm những bản sắc văn hoá riêng mà không nơi nào có.

Mô hình kinh doanh homestay của gia định chị Sùng Thị Mú tại Mường Hoa, thị xã Sa Pa. Ảnh: Bích Hợp.
Một trong những homestay nổi bật ở Mường Hoa là nhà của chị Sùng Thị Mú, với cách làm du lịch cộng đồng gần gũi, thân thiện, homestay của chị luôn thu hút đông đảo khách tham quan và lưu trú. Chị Mú chia sẻ: “Ban đầu chỉ có bạn bè giới thiệu khách đến ở nhờ nhưng sau thấy có tiềm năng, chị Mú quyết định đầu tư, nâng cấp mở rộng. Nhờ du lịch, gia đình chị Mú có thu nhập ổn định từng bước thoát nghèo”.
Hiện, xã Mường Hoa đã có hơn 80 cơ sở lưu trú homestay với khoảng 700 phòng. Nhiều điểm check-in, ngắm cảnh, “săn” mây được hình thành phục vụ nhu cầu du khách. Xã cũng đã hỗ trợ thành lập "Hợp tác xã du lịch" tại thôn Hầu Chư Ngài với sự tham gia của 17 hộ dân. Mỗi năm, Mường Hoa đón hơn 100.000 lượt khách tới tham quan, du lịch. Trong đó khách lưu trú là khoảng 50.000 lượt người, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động địa phương.

Du khách check in tại home stay ở Mường Hoa. Ảnh: Bích Hợp.
Với cách làm bài bản, giữ vững bản sắc văn hóa và phát triển bền vững, xã Mường Hoa đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng của thị xã Sa Pa.
Chuyển đổi cây trồng – Khơi thông kinh tế vùng cao
Người dân Mường Hoa trước đây chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô và lúa trên ruộng bậc thang. Nhưng địa hình bị chia cắt mạnh và khí hậu lạnh sâu về mùa đông nên bà con chỉ canh tác được một vụ trong năm dẫn đến lương thực chỉ đủ sinh sống.
Nhận thấy khí hậu mát mẻ quanh năm cũng một lợi thế tự nhiên phù hợp với nhiều loại cây trồng mới. Không cam chịu đói, nghèo cán bộ chính quyền và bà con nhân dân xã Mường Hoa đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Theo đó, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng thôn bản, nhóm hộ để triển khai chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng rau, màu và các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Mường hoa, Sa Pa mùa lúa chín đẹp như một bức tranh. Ảnh: Bích Hợp.
Trong số các loại cây trồng mới thì địa lan đã trở thành cây kinh tế chủ lực của Mường Hoa. Địa lan là loại cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu mát mẻ, sương mù và không đòi hỏi nhiều diện tích đất bằng phẳng. Nhờ điều kiện thuận lợi đó, ngày càng có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư vào mô hình trồng địa lan.
Hiện toàn xã Mường Hoa có hơn 40 hộ trồng địa lan với tổng số trên 2.000 chậu. Điển hình như hộ gia đình ông Lý A Quả, Giàng A Ly, Giàng A Sùng (thôn Hầu Chư Ngài); ông Sùng A Pháng, Sùng A Dỉnh, Thào A Cấu (thôn Thào Hồng Dến) và nhiều hộ khác ở thôn Hang Đá, Hòa Sử Pán nhờ trồng địa lan mà 1 có thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh địa lan, người dân Mường Hoa còn trồng các loại cây ăn quả ôn đới như: đào, lê, mận, với tổng diện tích hơn 10 ha, tất cả đều đã cho thu hoạch. Đặc biệt, giống đào trâu đặc sản của Mường Hoa nhờ hương vị thơm ngon đã xây dựng được thương hiệu và được du khách ưa chuộng.
Với địa hình và thổ nhưỡng phù hợp, xã Mường Hoa hiện cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa hồng, hoa ly. Những dự án này không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp bà con thay đổi tư duy làm kinh tế.

Những chậu địa lan của Mường Hoa được bày bán tại chợ hoa ngày Tết ở Lào Cai. Ảnh: Bích Hợp.
Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoa Giàng A Sở khẳng định: “Với định hướng đúng đắn, cùng sự thay đổi trong tư duy làm kinh tế của người dân, đời sống của bà con Mường Hoa đã có nhiều khởi sắc".
Việc biến thách thức thành cơ hội, tận dụng hiệu quả tiềm năng và lợi thế địa phương để phát triển kinh tế đã đưa Mường Hoa từ một trong những xã nghèo nhất của Sa Pa vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Năm 2023, xã Mường Hoa đã đạt 19/19 tiêu chí và chính thức cán đích nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt 42,16 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%; không còn nhà tạm, nhà dột nát và trở thành một trong những xã nông thôn mới điển hình của toàn thị xã Sa Pa.