Theo Cơ quan quản lý sông Litani, lượng nước chảy vào hồ Qaraoun trong mùa mưa năm nay đạt 45 triệu m³, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trung bình hàng năm là 350 triệu m³ và 230 triệu m³ của năm ngoái.

Hạn hán tồi tệ nhất lịch sử làm cạn kiệt hồ chứa lớn ở Lebanon. Ảnh: Energy News.
Không chỉ sụt giảm nghiêm trọng, lượng nước hiện có, khoảng 61 triệu m³, cũng không thể sử dụng do ô nhiễm nặng. Ông Sami Alawieh - người đứng đầu Cơ quan quản lý sông Litani - cho biết: "Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trên toàn bộ các vùng lãnh thổ và lưu vực sông”.
Tình trạng hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, sản xuất điện và nguồn nước sinh hoạt. Các nhà máy thủy điện tại lưu vực sông Litani đã buộc phải dừng hoạt động, làm gia tăng thiệt hại tài chính và khiến việc phân phối điện của Công ty điện lực quốc gia Electricite du Liban thêm khó khăn. Công ty này đã phải cắt giảm nguồn nước sinh hoạt tại một số khu vực từ 20 giờ xuống còn 10 giờ mỗi ngày.
Nghiên cứu của Cơ quan quản lý sông Litani chỉ ra rằng biến đổi khí hậu, lượng mưa suy giảm và nhiệt độ tăng cao đang góp phần khiến các mùa khô xuất hiện thường xuyên hơn, giảm khả năng bổ sung nước cho các hồ chứa và tầng ngầm.
Tại Thung lũng Bekaa, nông dân cho biết họ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Bà Safa Issa, người dân nơi đây chia sẻ: “Tôi chưa từng thấy hạn hán nghiêm trọng như năm nay. Trước đây, tuyết có lúc phủ dày đến một mét, nhưng đã 10 năm rồi chúng tôi không còn thấy tuyết rơi nữa”. Trong khi đó, nguồn điện không ổn định làm gián đoạn tưới tiêu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác nông nghiệp.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước, từ ngày 15/7, Bộ Năng lượng và Nước Lebanon sẽ triển khai chiến dịch tuyên truyền toàn quốc trong 10 ngày nhằm kêu gọi người dân tiết kiệm và sử dụng nước hợp lý. “Điều quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát lượng nước tiêu thụ”, bà Suzy Hoayek, cố vấn của Bộ này nhấn mạnh.