| Hotline: 0983.970.780

Brazil kêu gọi cắt giảm nhiên liệu hóa thạch trước thềm COP30

Thứ Năm 17/07/2025 , 15:45 (GMT+7)

Brazil kêu gọi các nước phát triển tiên phong cắt giảm sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh nước này chuẩn bị đăng cai COP30.

Khi Brazil đẩy mạnh khai thác dầu ngoài khơi tại cửa sông Amazon, bà Ana Toni – Giám đốc điều hành COP30 và Thư ký quốc gia về biến đổi khí hậu – đã kêu gọi các quốc gia phát triển cần tiên phong trong việc cắt giảm cả sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu tại Hội nghị Báo chí Điều tra vừa qua tại Brazil, bà Toni thừa nhận Brazil cũng có những mâu thuẫn trong việc vừa theo đuổi các dự án dầu khí mới, vừa cam kết chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh gánh nặng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nên được chia sẻ công bằng hơn, đặc biệt là với những nước tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Pháp.

Bà Ana Toni - Giám đốc điều hành COP30 và Thư ký quốc gia về biến đổi khí hậu tại phiên họp với báo chí tại Brazil. Ảnh: Mongabay.

Bà Ana Toni - Giám đốc điều hành COP30 và Thư ký quốc gia về biến đổi khí hậu tại phiên họp với báo chí tại Brazil. Ảnh: Mongabay.

Lời kêu gọi của bà Toni được đưa ra trong bối cảnh Brazil đang mở rộng các dự án hạ tầng và khai thác nhiên liệu hóa thạch, chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc COP30 vào tháng 11/2025 tại thành phố Belém. Các dự án mới về khai thác dầu tại khu vực cửa sông Amazon, nơi có một phần chồng lấn lên rạn san hô Amazon rộng 9.500 km² và mở đấu giá một lô dầu gần cộng đồng bản địa ở vùng duyên hải phía Bắc.

"Chúng tôi ở Brazil có những mâu thuẫn; điều đó không phải là cái cớ và chúng tôi phải đối mặt. Nhưng nếu cả thế giới đang chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, thì ai nên bắt đầu trước? Là Brazil, Guinea-Bissau và Nigeria? Hay là Canada, Hoa Kỳ và Na Uy?", bà đặt vấn đề.

Theo tổ chức Oil Change International, chỉ bốn quốc gia Mỹ, Canada, Úc và Na Uy đang chiếm tới 70% tổng mức nhiên liệu hóa thạch mở rộng sản xuất và tiêu thụ trong thập kỷ tới. Tuy Brazil có thể chỉ đứng thứ sáu hoặc bảy, theo bà Toni, "Brazil vẫn cần nhìn nhận vấn đề này trong tổng thể bức tranh toàn cầu".

Bà chỉ ra rằng gánh nặng đang dồn vào các nước sản xuất dầu, trong khi các quốc gia tiêu thụ, dù không khai thác lại có vai trò lớn. Chẳng hạn, Đức không sản xuất dầu nhưng 75% năng lượng năm 2023 vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch. "Liệu chỉ có các nước sản xuất mới cần quan tâm, hay các nước tiêu dùng cũng nên tham gia vào cam kết chung?", bà nói.

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva lại lên tiếng bảo vệ việc tiếp tục khai thác dầu, khẳng định không thể từ bỏ tiềm năng phát triển quốc gia một cách đơn phương. Tháng 6 vừa qua, Cơ quan Quản lý dầu khí quốc gia Brazil (ANP) đã đấu giá 34 lô dầu, chủ yếu cho các tập đoàn đa quốc gia như Chevron, ExxonMobil và CNPC Trung Quốc, với hơn một nửa nằm ở khu vực châu thổ Amazon.

(Tổng hợp từ Mongabay)

Xem thêm
Google ký thỏa thuận thủy điện 3 tỷ USD lớn nhất lịch sử

Google ký thỏa thuận mua 3 gigawatt thủy điện tại Mỹ, thúc đẩy nguồn điện sạch cho trung tâm dữ liệu AI, góp phần giảm phát thải và bảo vệ khí hậu.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất