Người dân Hà Nội những ngày này đang chứng kiến cảnh con sông Hồng bao đời cuộn đỏ phù sa giờ cạn trơ đáy, trẻ nhỏ tung tăng đi bộ giữa 2 bờ. Với nhiều nông dân Thủ đô thì đây là năm đại hạn họ chưa từng chứng kiến trong đời.
Ở ngay sát mép bờ sông Hồng nhưng những ngày này, người dân bãi Trung Hà (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm) lại đang phải căng sức ra chống hạn. Ông Bùi Chí Thành, khu bãi giữa đang hì hục vác máy nổ ra cạnh bờ sông Hồng bơm nước cho ruộng ngô nếp đang còi cọc sắp chết ngao ngán nói: “Cả đời tôi ra khu bãi Trung Hà này trồng hoa màu ít thấy năm nào lại khổ vì nước nôi như năm nay. Hơn 1hecta ngô nếp dự tính bán lấy tiền tiêu Tết năm nay xem như mất toi.
Gần 2 tháng nay không có mưa, mà nước sông thì đã cạn khô, chỉ còn mỗi lạch nhỏ mạn bờ sông phường Ngọc Thụy là tàu bè có thể trườn qua được. Thôi thì còn nước còn tát, điện không có nên ngày nào tôi cũng phải xách máy nổ ra bơm nước cứu ngô hết bảy tám mươi nghìn tiền dầu mà không biết có vớt vát được gì không”. Cùng cảnh ngộ như ông Thành, là hàng chục hộ dân trồng hoa màu như cà chua, ngô, cải...ở khu vực bãi Trung Hà năm nay gần như mất trắng vì tình trạng khô hạn kéo dài.
Những hộ như dân bãi Trung Hà kể vẫn còn may vì còn có nước để bơm, chứ như nhiều khu vực dọc theo bờ sông Hồng ngược lên phía Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì...(Hà Nội) thì năm nay vụ đông gần như trắng tay. Trạm bơm Đan Hoài lấy nước chủ yếu từ sông Hồng tại đê Liên Hà (Đan Phượng) cung cấp cho hơn 6.000 hecta đất nông nghiệp của hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức thời điểm này đã trơ miệng cống.
Vào vụ đông các năm trước, mỗi tháng 5 máy bơm tại đây với công suất hơn 8.000m3/h xả nước đầy ắp vào kênh Đan Hoài nhưng gần 1 tháng nay tê liệt hoàn toàn. Trên cánh đồng xã Liên Hà (huyện Đan Phượng), bà Nguyễn Thị Bảng, thôn Liên Hà đang cố gắng vét những thùng nước hiếm hoi ở kênh Đan Hoài lên chống hạn cho ruộng đậu Et-xăng buồn bã cho biết, vụ đông này phần vì hiệu quả kinh tế không cao, nhưng quan trọng nhất là gần 2 tháng nay không có đợt mưa nào, trong khi kênh Đan Hoài không có nước dẫn vào ruộng nên bà con trong xã bỏ hẳn vụ đông. Nhiều hộ liều xuống giống đậu tương và bí xanh hiện không có nước tưới đành bỏ bê cho cỏ mọc, còn bí đậu thì đang chết héo dần.
Ông Nguyễn Đình Sơn, PGĐ Xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài cho biết mực nước sông Hồng trong tháng 12/2009 đo tại miệng cống Đan Hoài có thời điểm xuống dưới 1,9m nên trạm bơm chỉ còn một máy hoạt động. Ông Sơn cho biết theo kế hoạch thì từ ngày 15/1 đến ngày 28/2/2010 sẽ là thời điểm phải bơm liên tục để phục vụ cày ải và gieo màu vụ xuân năm 2010. Nếu mực nước sông Hồng tiếp tục xuống thấp hơn 2,1 m thì trạm bơm Đan Hoài sẽ không có khả năng lấy nước.
Tại cống Liên Mạc lấy nước cho hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ qua các huyện Từ Liêm, Hà Đông... hiện cũng đang cạn trơ đáy. Các tổ máy hút bùn và cát tại cống Liên Mạc hơn 1 tháng nay liên tục phải hoạt động hết công suất mới có thể khơi thông dòng chảy để lấy nước vào miệng hút trạm bơm.
600 tàu mắc cạn Chiều qua, sau một ngày các NM thủy điện thượng nguồn sông Hồng xả nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã dâng cao thêm được 40 – 50cm. Các chủ tàu chở vật liệu xây dựng hoạt động dọc theo tuyến trên sông Hồng từ khu vực cầu Việt Trì (Phú Thọ) về Hưng Yên đang bị mắc kẹt tại khu vực Trung Hà (huyện Đan Phượng) thở phào và tranh thủ cho tàu xuôi dòng. Ông Đào Đình Luyên, chủ tàu VP – 0807 của Vĩnh Phúc cho biết từ nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 vừa qua nhiều tàu có mớn nước lớn đã phải nằm bờ vì nước sông Hồng xuống quá thấp. Hiện khu vực sông Lô, sông Hồng qua đoạn Bạch Lưu, Cao Đại, Vân Cốc, Bãi Chàng...(Phú Thọ và Vĩnh Phúc) còn khoảng hơn 600 tàu đang bị mắc cạn. Nhiều tàu phải tranh thủ lúc thủy điện xả nước để xuôi dòng khiến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đường thủy trên sông Hồng rất nguy hiểm, nhất là đoạn “thắt cổ chai” từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) có đoạn nước chỉ còn hơn 80cm.