
Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam trao Nghị quyết số 226/2025/QH15 cho lãnh đạo TP Hải Phòng. Ảnh: Phan Tuấn.
Chiều tối 15/7, ngay sau Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hải Phòng – Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”, TP Hải Phòng đã tổ chức họp báo công bố kết và thông tin về định hướng triển khai các cam kết đã ký. Quyết tâm biến tầm nhìn thành hành động cụ thể, lấy quy hoạch làm nền tảng, hạ tầng làm động lực, nhân lực là then chốt và an sinh xã hội là mục tiêu xuyên suốt.
Theo đó, hội nghị đã thu hút hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước, bao gồm các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia, và đại sứ từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong đó có 250 khách mời quốc tế đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, tổ chức tài chính và các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nhấn chiến lược nhất của Nghị quyết chính là việc cho phép Hải Phòng thí điểm thành lập Khu Thương mại Tự do (FTZ) đầu tiên tại Việt Nam tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và Khu kinh tế phía Nam. Đây là sự ghi nhận của Trung ương đối với vị thế và tiềm năng của Hải Phòng, đồng thời là một thử nghiệm quan trọng cho mô hình phát triển kinh tế của cả nước.
Các chính sách ưu đãi vượt trội được quy định trong Nghị quyết, đặc biệt dành cho FTZ, đã tạo ra một lực hút cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể có thể kể đến như: Miễn thị thực và cấp thẻ cư trú dài hạn cho chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài; Mức thuế TNDN chỉ 10% trong 30 năm, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo cho các dự án công nghệ cao, R&D, logistics; Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thuê đối với các dự án ưu tiên; Sẽ tạo một môi trường hành chính thông thoáng, thuận lợi bậc nhất.

Tại hội nghị, 32 dự án được trao Giấy chứng nhận và 7 Biên bản ghi nhớ với tổng vốn 15,6 tỷ USD tập trung vào đúng các lĩnh vực mà Hải Phòng đang ưu tiên. Ảnh: Phan Tuấn.
Một điểm đáng chú ý khác, tại hội nghị, 32 dự án được trao Giấy chứng nhận và 7 Biên bản ghi nhớ với tổng vốn 15,6 tỷ USD tập trung vào đúng các lĩnh vực mà TP Hải Phòng đang ưu tiên. Trong đó, về hạ tầng KCN thế hệ mới có gần 10 tỷ USD tập trung vào KCN mới như: Tân Trào, Ngũ Phúc, Trấn Dương - Hòa Bình, Kim Thành 2..., tạo mặt bằng sạch sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp.
Về cảng biển – Logistics, gần 1 tỷ USD đầu tư vào các bến cảng số 9, 10, 11, 12 tại Lạch Huyện, tiếp tục khẳng định vị thế cảng cửa ngõ quốc tế. Về công nghệ cao, có sự hiện diện của các "đại bàng" công nghệ như Shin-Etsu (Nhật Bản), cùng các dự án trong lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, công nghệ số và năng lượng tái tạo. Về đô thị và Giao thông, gần 5 tỷ USD cho các dự án hạ tầng giao thông và đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng sống và tạo động lực phát triển.
Theo ông Lê Ngọc Châu – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, hội nghị diễn ra vào một thời điểm có ý nghĩa đặc biệt là thành phố vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu 'Thành phố Anh hùng' nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng... Đặc biệt, dấu mốc hợp nhất lịch sử giữa Hải Dương và Hải Phòng đã đưa thành phố vươn lên vị trí thứ ba toàn quốc về quy mô kinh tế, trở thành một siêu đô thị năng động, giàu tiềm năng, có không gian phát triển rộng lớn.
Với quy mô hơn 1.000 đại biểu, trong đó có khoảng 250 khách mời quốc tế là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu từ 21 nền kinh tế APEC, đại diện các tập đoàn đa quốc gia và sự hiện diện của các Đại sứ từ những cường quốc kinh tế, hội nghị đã thực sự là nơi hội tụ của niềm tin, nơi các cam kết được đưa ra ở cấp quốc gia và nơi những cơ hội hợp tác mang tầm chiến lược được định hình.

Ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã đưa ra 5 cam kết để đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu. Ảnh: Phan Tuấn.
Hải Phòng là địa phương duy nhất có tốc độ tăng trưởng 2 con số trong 10 năm liên tiếp... là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực với trên 1.900 dự án FDI, đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 48 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn FDI lũy kế toàn quốc.
Cùng với đó, sự đóng góp của các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sun Group, Hòa Phát... với số vốn chấp thuận đầu tư chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt trên 200 ngàn tỷ đồng, phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng phát triển của thành phố.
Ông Lê Ngọc Châu đã đưa ra 5 cam kết mạnh mẽ trên tinh thần của chính quyền kiến tạo, phục vụ. Đó là: Xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động vì doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Chú trọng quy hoạch với tầm nhìn dài hạn; Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược; Luôn đồng hành, sát cánh tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Chủ tịch Lê Ngọc Châu nhấn mạnh tầm nhìn đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu, đầu mối giao thương chiến lược, đô thị cảng biển lớn, đi đầu trong công nghiệp hóa, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với mục tiêu xuyên suốt là "không ai bị bỏ lại phía sau" và “Thành phố xác định, doanh nghiệp thành công thì địa phương mới phát triển".
Ông Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá cao việc TP Hải Phòng là nơi đầu tiên trong cả nước đứng ra tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ngay sau quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phát huy các nguồn lực, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hải Phòng phát triển bền vững và triển khai mạnh mẽ 4 trọng tâm chính sách.