| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Tăng mức phạt vi phạm môi trường, cần tăng cả cơ chế thực thi

Thứ Ba 13/05/2025 , 17:57 (GMT+7)

Hà Nội Đưa ra mức phạt cao cho hành vi xả rác, song nếu không cải cách về cơ chế thực thi thì sẽ rơi vào tình trạng 'có luật nhưng không có người xử phạt'.

Mức xử phạt sẽ cao gấp đôi

Luật Thủ đô đã và đang được kỳ vọng tạo ra bước chuyển mới trong công tác quản lý đô thị, đặc biệt là lĩnh vực môi trường, vốn là vấn đề ngày càng cấp thiết đối với Hà Nội. Trong đó, điểm đáng chú ý là tại khoản 1, Điều 33 Luật Thủ đô quy định: "Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố".

Thực hiện Khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô 2024, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã thông qua và ban hành Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được áp dụng cao hơn so với mức phạt tương ứng quy định trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, mức phạt này không được vượt quá giới hạn quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm k, khoản 10, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020. Mức phạt nêu trong Khoản 1 của Điều này là mức áp dụng đối với cá nhân; nếu tổ chức vi phạm cùng hành vi, mức phạt sẽ gấp đôi so với cá nhân.

Động thái này không chỉ thể hiện sự nghiêm khắc của chính quyền Thành phố, mà còn nhằm mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống.

Bãi rác lộ thiên nằm giữa khu dân cư đông người nhưng không ai bị phát hiện hay xử phạt vì vứt rác tại đây. Ảnh: Hoàng Hiền.

Bãi rác lộ thiên nằm giữa khu dân cư đông người nhưng không ai bị phát hiện hay xử phạt vì vứt rác tại đây. Ảnh: Hoàng Hiền.

Thực tế, nhiều khu dân cư tại Hà Nội đã thành lập các tổ tự quản, nhóm cộng đồng xanh nhằm nâng cao ý thức người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, vai trò của các nhóm này mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Khi phát hiện vi phạm, họ không thể xử lý hành chính vì không có thẩm quyền pháp lý. Tình trạng này khiến cho nhiều nỗ lực ở cấp cơ sở trở nên vô hiệu. Nhiều người dân dù bức xúc nhưng đành bất lực, bởi không có kênh phản ánh hiệu quả hay đơn vị nào thực sự “nhận trách nhiệm” xử lý đến nơi đến chốn.

Cô Nguyễn Thị Muôn Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 11 phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), chia sẻ: “Tôi từng nhiều lần chứng kiến người dân vứt rác tại nơi có biển cấm, nhưng không thể xử lý vì không có thẩm quyền. Cùng lắm là nhắc nhở, chứ không thể lập biên bản hay ra quyết định xử phạt. Chính vì vậy nên hành vi này tái diễn liên tục”.

Điều này cho thấy một thực tế rằng, dù cộng đồng có ý thức giám sát và phản ánh, nhưng nếu không trao quyền cho lực lượng cơ sở như tổ dân phố, hội phụ nữ, công an phường, cán bộ môi trường địa phương… thì sẽ rất khó để các quy định mới có thể đi vào cuộc sống.

Cần mô hình xử phạt đơn giản, hiệu quả

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, đánh giá việc Hà Nội chủ động ban hành quy định xử phạt cao hơn Nghị định 45/2022/NĐ-CP là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, theo ông, nếu không có cải cách về cơ chế thực thi thì sẽ rơi vào tình trạng “có luật nhưng không có người xử phạt”.

“Chúng ta có thể học hỏi từ Singapore - nơi người dân bị xử phạt ngay tại chỗ nếu xả rác bừa bãi. Điều này giúp họ thay đổi hành vi rất nhanh. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta cần cả một quy trình lớn để giải quyết một hành vi nhỏ. Để xử lý một hành vi xả rác, cán bộ phải lập biên bản, gửi lên cấp trên, chờ phê duyệt rồi mới ra quyết định xử phạt. Với quy trình như vậy thì rõ ràng là không khả thi, nhất là với các hành vi nhỏ lẻ nhưng diễn ra hàng ngày”, TS. Tùng nhận định.

Ông cũng nhấn mạnh: “Chính quyền cần phân quyền cụ thể cho từng cấp, từ quận, phường, tổ dân phố đến lực lượng chuyên trách như cảnh sát môi trường, thanh tra xây dựng… để có thể xử phạt tại chỗ, nhanh chóng và minh bạch. Đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng về quy trình sử dụng bằng chứng từ camera, phản ánh của người dân, để làm cơ sở xử lý”.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam. Ảnh: Q.Ly.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam. Ảnh: Q.Ly.

Theo các chuyên gia, ngoài nâng mức phạt, Hà Nội cần một hệ sinh thái quản lý môi trường linh hoạt, ứng dụng công nghệ và lấy cộng đồng làm trung tâm. Trong đó, công nghệ có thể đóng vai trò giám sát, cảnh báo sớm; còn cộng đồng giữ vai trò giám sát xã hội, phối hợp với lực lượng chức năng.

Ví dụ, hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng về rác thải có thể tự động ghi lại hành vi vi phạm và chuyển thông tin cho đơn vị có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ đơn vị nào sẽ tiếp nhận và ra quyết định xử lý sau khi hành vi được ghi nhận. Sự thiếu rõ ràng này khiến hệ thống giám sát chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, thiếu tính răn đe.

Do đó, các nhà làm luật cần đi xa hơn việc quy định mức phạt, phải thiết kế cả hệ thống thực thi kèm theo. Điều này bao gồm: xác định rõ các lực lượng được phép xử phạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng nền tảng số để tiếp nhận phản ánh, xử lý nhanh và có cơ chế minh bạch về xử lý vi phạm.

Luật Thủ đô đang đặt ra một kỳ vọng lớn về việc cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Việc tăng mức phạt là cần thiết, nhưng nếu thiếu công cụ thực thi, quy trình xử lý không đổi mới, thì quy định vẫn chỉ nằm trên giấy. Cần một cơ chế xử phạt gọn nhẹ, rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của công nghệ và cộng đồng. Chỉ khi đó, các quy định về môi trường mới thật sự đi vào đời sống, góp phần thay đổi hành vi và gìn giữ bộ mặt Thủ đô một cách bền vững.

Xem thêm
BYD Việt Nam ra mắt mẫu xe SUV hybrid vượt trội Sealion 6

Với mẫu xe mới Sealion 6, BYD Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu công nghệ DM-i Super Hybrid tiên tiến đến người tiêu dùng trong nước.

Nghệ An: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.

Nhà khoa học Việt phát triển công nghệ định vị vệ tinh

Hệ thống RTK-VIỆT, một ứng dụng được phát minh bởi các nhà khoa học Việt Nam, đang mở ra cơ hội làm chủ công nghệ định vị vệ tinh cho người dùng Việt Nam.