Biển gánh lượng lớn rác thải nhựa
Theo ông Trần Văn Vinh, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Bình Định, rác thải xả ra đại dương là điều lâu nay ít được ngư dân quan tâm. Bởi, khi tàu xuất bến đi đánh bắt, ngư dân thường dùng nước uống đóng chai, lon nước ngọt, lon bia, túi đựng thịt, đựng rau... Sau khi sử dụng xong, ngư dân có thói quen xả thẳng xuống biến, lâu dần khiến đại dương ngập rác.
Theo thống kê của ngành chức năng, lượng rác thải nhựa của một tàu cá trong một chuyến đi biển kéo dài từ 20-30 ngày là từ 13,5-15 kg. Với hơn 18.000 chuyến biển của hơn 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ mỗi năm tại Bình Định, đại dương đã “nuốt” 234.000-270.000kg rác thải nhựa. Con số này tăng gấp nhiều lần khi tính toán một cách cơ học với gần 87.000 tàu cá tại Việt Nam.

Ngư dân Bình Định thu gom rác thải trong những chuyến biển mang về Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: A.T.
Theo ngư dân Phan Thanh Long, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ mang số hiệu BĐ-91333 TS, từ trước đến nay, tất cả rác thải sinh hoạt của các thuyền viên trên tàu cá đều thải trực tiếp xuống biển. Trước đây, trên các tàu cá ngư dân thường trang bị thùng nước uống loại 20 lít/thùng. Tuy nhiên, do phải đổi trả rất bất tiện nên hiện nay các tàu cá đều sử dụng nước uống đóng chai.
“Mỗi một chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày, 1 tàu cá trung bình có 12 thuyền viên sử dụng 40 lốc nước đóng chai (loại chai 1,5 lít), mỗi lốc có 6 chai. Như vậy, mỗi tàu cá sử dụng trung bình 240 chai trong 1 chuyến biển, các chai nhựa này sau khi dùng xong đều được ngư dân vứt thẳng xuống biển”, anh Long bộc bạch.
Cũng theo ông Trần Văn Vinh, đáng quan ngại là rác thải nhựa sau khi được ngư dân thải ra biển sẽ rất khó phân hủy, chúng lênh đênh trên biển từ năm này sang năm khác, tạo áp lực lớn cho môi trường biển. Nhất là những vỏ chai nhựa, khi chúng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, lâu ngày sẽ bị ánh sáng mặt trời làm nóng, chai nhựa sẽ bị vỡ ra nhưng không phân hủy mà biến thành những mảnh nhựa nhỏ, trôi lẫn trong sóng biển. Các loài cá biển ăn phải nhựa bị chết, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.

Hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của như dân Bình Định đã tuân thủ việc trang bị túi đựng rác để thu gom rác thải trong những chuyến biển. Ảnh: V.Đ.T.
Còn theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, lượng rác thải nhựa của tàu cá thải ra biển sau khi phân hủy sẽ biến thành những hạt vi nhựa hòa vào chuỗi thức ăn của các loại cá. Cá được ngư dân đánh bắt, tiêu thụ trên thị trường, khi người tiêu dùng ăn những con cá ấy sẽ “lãnh trọn” tác hại của vi nhựa, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy, giải quyết ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp thiết để bảo vệ môi trường biển và chính sức khỏe con người.
Hướng tới 100% tàu cá thu gom rác thải
Bà Hà Thị Thanh Hương cho biết: Giai đoạn 2022-2024, hưởng lợi từ dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Bình Định đã triển khai mô hình thí điểm thu gom rác thải trên 200 tàu cá đánh bắt xa bờ.

Nhà thu gom rác thải nhựa do các tàu cá mang về tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, bình quân trong một tháng có 300 tàu cá cập bến tại cảng cá Quy Nhơn, ngoài số rác thải nhựa đã thải ra đại dương, khi cập bờ, số tàu cá nói trên còn thải ra vùng nước trong cảng cá khoảng 1,75 tấn rác thải, gồm các loại bao bì nhựa dùng để đựng sản phẩm hải sản của các tàu cá. Đó là chưa kể các loại bao bì, thùng xốp thải ra từ các xe vận chuyển hải sản đến cảng ; các loại bao bì lót đá, bao đá của các xe chở đá cung cấp cho tàu cá; rác thải từ các hộ dân sống liền kề với cảng cá và rác thải từ các sông, đầm đổ ra biển.
“Khi tàu cá Bình Định thực hiện được việc thu gom rác thải nhựa thì tàu cá các địa phương khác cũng sẽ làm theo. Lượng rác thải trong sinh hoạt của tàu cá trong những chuyến biển được thu gom, mang về cảng cá Quy Nhơn phân loại, bán cho cơ sở phế liệu với giá trung bình 8.000đ/kg, thu về được trên 33 triệu đồng. Với lợi ích như vậy, việc thu gom rác thải nhựa góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân”, ông Thiện chia sẻ.

Hội thảo khởi động Chương trình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá vào bờ. Ảnh: V.Đ.T.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Nông thôn trước đây, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường, đã ban hành quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương của tàu cá trong những chuyến đi biển.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% ngư dân Bình Định đều được tuyên truyền, tập huấn về quản lý, hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa, bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá; 100% các cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa phát sinh từ tàu cá chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý; hoàn thiện và đồng bộ cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tàu cá.