Mở hướng đi cho 64 dự án tồn đọng
Theo Nghị quyết 170 /2024/QH15 của Quốc hội, lần đầu tiên Việt Nam có một cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai và đầu tư.
Cơ chế này dành riêng để giải quyết các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Để hiện thực hóa cơ chế này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Nghị quyết số 170.
Ba địa phương đầu tiên được áp dụng là TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa có tổng cộng 64 dự án: 49 dự án tại Đà Nẵng (chiếm 77%), 11 dự án tại Khánh Hòa (17%) và 4 dự án tại TP.HCM (6%).
Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương làm căn cứ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, kinh doanh để các dự án tiếp tục được triển khai, đưa vào khai thác vận hành; vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà nước, nhà đầu tư và các bên liên quan, vừa khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai, vừa đảm bảo thu ngân sách nhà nước, hạn chế thất thoát.

Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết nghị cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc. Ảnh Ban Mai.
Đồng thời, việc tái khởi động các dự án này không chỉ giúp giải quyết hàng loạt khó khăn pháp lý, mà còn góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, tạo việc làm, tăng thu ngân sách và cải thiện môi trường đầu tư.
Tại Đà Nẵng, chính quyền đã nhanh chóng rà soát và lập kế hoạch tái khởi động 49 dự án tồn đọng, trong đó nhiều dự án có vị trí đắc địa đang thu hút nhà đầu tư trở lại. Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án xử lý chi tiết cho từng trường hợp.
Khánh Hòa đã hoàn tất danh mục 11 dự án thuộc diện xử lý theo Nghị quyết 170, đồng thời triển khai hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết để khởi động lại.
TP.HCM triển khai gỡ khó các dự án đầu tiên
Tại TP.HCM, mặc dù số lượng dự án ít hơn, nhưng giá trị kinh tế lại rất lớn do vị trí và quy mô các dự án nên TP đã nhanh chóng khởi động.
TP.HCM là địa phương đầu tiên ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định 76/NĐ-CP nhằm sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho 4 dự án đã vướng từ lâu.
Đối với dự án tại số 39 - 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4 (TP.HCM), đã ban hành quy trình thực hiện cấp sổ hồng như sau: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Sau đó, cơ quan đăng ký đất đai (thuộc Sở TN&MT) chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết thủ tục cấp sổ hồng.

Dự án khu phức hợp cao 33 tầng tại 39 - 39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM đang được tháo gỡ. Ảnh: Ban Mai.
Đối với các dự án 1.330 căn hộ thuộc khu đất 38,4ha, khu đất 30,2ha thuộc phường Bình Khánh, TP Thủ Đức và khu đất 30,1ha thuộc khu Nam Rạch Chiếc, TP Thủ Đức sẽ thực hiện việc xác định giá đất theo Điều 8 Nghị định 76/2025. Thời gian dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nếu không có Nghị quyết 170, thành phố không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận cho người mua. Trường hợp sau khi áp dụng cho các dự án thành công, nếu được mở rộng đối tượng, thành phố sẽ giải quyết rất nhiều dự án đã tồn tại lâu nay, tháo gỡ được việc cấp giấy chứng nhận cho bên thứ ba là người mua nhà.
Khu đất thực hiện dự án 39-39B Bến Vân Đồn có nguồn thuộc sở hữu Nhà nước. Theo kết luận thanh tra, khu đất này có sai phạm trong việc giao đất. Chính vì thế, các căn hộ thuộc dự án đã được bàn giao 6 năm song người dân chưa được cấp sổ đỏ.
Kiến nghị mở rộng cơ chế
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.533 dự án gặp vướng mắc tương tự, vượt xa phạm vi 64 dự án nêu trên. Tại cuộc họp vào cuối tháng 3 của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm phải tháo gỡ dứt điểm vướng mắc 1.533 dự án tồn đọng, kéo dài không tạo tiền lệ sai phạm tiếp theo.
Thủ tướng cho rằng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, thì đề xuất Quốc hội cho phép địa phương, bộ, ngành, cơ quan vận dụng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 170, Nghị quyết 171, áp dụng với các dự án có tính chất tương tự.
Với các dự án có sai phạm trong quá trình thực hiện nhưng đã được triển khai thực hiện cơ bản, khó thu hồi dự án, cần đề xuất giải pháp tháo gỡ, cho thời hạn khắc phục khó khăn, vướng mắc và hậu quả (nếu có). Tinh thần là hiệu quả, nhân văn, phù hợp, ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, sau đó mới áp dụng các biện pháp khác.
Còn các dự án khó khăn, vướng mắc nhưng chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh và không áp dụng được cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành, Thủ tướng yêu cầu, nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Mới đây, tại phiên toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình triển khai năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, thực tế rà soát tại các địa phương cho thấy còn nhiều dự án có khó khăn, vướng mắc tương tự như các dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách đặc thù tại Nghị quyết 170/2024/QH15. Trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép áp dụng tương tự, sẽ giải quyết được rất lớn các dự án tồn tại khó khăn, vướng mắc hiện nay trên cả nước.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư này, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết nghị cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc; giao Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và quyết định việc áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo Nghị quyết 170/2024/QH15.