Nhu cầu điện tăng dần khi chuyển sang hè
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 1 tháng qua, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã xuất hiện nắng nóng cục bộ, riêng các tỉnh miền Đông Nam Bộ xảy ra 2 đợt nắng nóng diện rộng với mức nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi cao hơn.
Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn dự kiến tăng mạnh trong mùa nắng nóng năm 2025. Đặc biệt, vào tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ thường xuyên đạt 37-40°C cả ngày lẫn đêm, khiến các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt điện và tủ lạnh hoạt động hết công suất.

Tiêu thụ điện ở TP. Hồ Chí Minh dự báo đạt đỉnh vào tháng 4 và tháng 5. Ảnh: EVNHCMC.
EVNHCMC dự báo sản lượng điện tiêu thụ bình quân sẽ chạm mức cao nhất 100,8 triệu kWh/ngày vào tháng 4 (tăng 34,83% so với tháng 2), trước khi duy trì ở mức cao trong tháng 5. Nguyên nhân không chỉ đến từ thời tiết mà còn từ sự phục hồi kinh tế, người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát gia đình và doanh nghiệp tăng 10-15% điện năng cho hệ thống làm mát công nghiệp.
Số liệu từ Cục Điện lực (Bộ Công Thương), quý I/2025, tổng sản lượng điện toàn quốc đạt 72,2 tỷ kWh. Dự báo năm 2025, sản lượng điện thương phẩm cả nước sẽ tăng 12,5%, vượt 340 tỷ kWh. Trong khi đó, tiến độ bổ sung nguồn điện mới chỉ đạt hơn nửa lộ trình đề ra, làm gia tăng nguy cơ mất cân đối cung – cầu điện năng.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm bắt buộc phải tiết kiệm điện. Ảnh: Trung Nguyên.
Để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Cụ thể, huy động tối ưu các nguồn điện trong hệ thống điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc. Các hồ thuỷ điện điều tiết giữ mực nước hợp lý đến cuối mùa khô năm để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.
Tại Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Cục trưởng Cục Điện lực cho biết: Luật Điện lực sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, cùng với Dự thảo Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được Bộ Công Thương hoàn thiện. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu bước chuyển từ cơ chế khuyến khích sang bắt buộc phải tiết kiệm điện – đặc biệt với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Chính sách và giải pháp phải được triển khai thực chất, có kiểm chứng và gắn với trách nhiệm cụ thể.
Kết nối giải pháp cho doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025”, một trong những trọng tâm là kết nối, tạo nền tảng cho những mô hình hợp tác góp phần ổn định hệ thống điện quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng. Giải pháp điển hình là chương trình điều chỉnh phụ tải. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phòng Thị trường điện và Hệ thống điện (Cục Điện lực) chia sẻ: Người dùng có thể chủ động chuyển đổi sang các nguồn điện dự phòng hoặc thay đổi thời gian sử dụng điện khi có yêu cầu của đơn vị vận hành hệ thống điện, đơn vị cung cấp điện.
Lấy ví dụ, cơ sở sản xuất sẽ chuyển một phần dây chuyền sang làm vào ban đêm, giờ thấp điểm hoặc thứ 7, Chủ nhật. Công nhân sẽ được nghỉ bù ngày trong tuần. Nhờ đó việc sản xuất tránh giờ cao điểm khi giá điện cao, tiết kiệm chi phí tiền điện mỗi năm. Hệ thống điện quốc gia, vùng/miền hoặc tại các khu vực cũng giảm áp lực và tránh lưới điện bị quá tải, nghẽn mạch cục bộ.

Ông Bùi Quốc Hoan – Phó Tổng Giám đốc EVNSPC cam kết đồng hành để tư vấn, hỗ trợ các giải pháp cho khách hàng. Ảnh: Trung Nguyên.
Ông Bùi Quốc Hoan – Phó Tổng Giám đốc EVNSPC nhấn mạnh, là đơn vị quản lý, vận hành và cung cấp điện cho hơn 9 triệu khách hàng tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam, EVNSPC cam kết không chỉ đảm bảo điện ổn định, an toàn mà sẽ cùng đồng hành với khách hàng để tư vấn, hỗ trợ các giải pháp tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng điện và năng lực cạnh tranh.
Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã giới thiệu trang web Kiểm toán năng lượng nhanh – công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá hiệu quả sử dụng điện. Doanh nghiệp có thể xác định các khu vực lãng phí điện, đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống sản xuất, tòa nhà, hoặc thiết bị cụ thể. Hệ thống cũng sẽ đề xuất kế hoạch tiết kiệm năng lượng chi tiết, khuyến nghị kỹ thuật dựa trên tình trạng thực tế và yêu cầu của khách hàng; giúp các khách hàng lớn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng.

Các đại biểu tìm hiểu công nghệ tiết kiệm điện. Ảnh: Trung Nguyên.
Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) cũng đã trao tặng gói thí điểm tư vấn và triển khai giải pháp tiết kiệm điện ứng dụng AI phát hiện bất thường trong sử dụng điện cho doanh nghiệp, mở đầu chuỗi hỗ trợ của mạng lưới trong thời gian tới.