Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, trong tuần tới, Gia Lai sẽ thành lập nhiều đoàn công tác do những cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh làm trưởng đoàn, dành ra 1 tuần đi thăm tất cả 135 xã trên địa bàn tỉnh để nghe lãnh đạo các địa phương phản ánh trong quá trình sáp nhập và trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp có gì vướng mắc, khó khăn, những điều làm được và chưa làm được, để lãnh đạo tỉnh rút ra bài học trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Những trưởng đoàn công tác sẽ được giao đầy đủ thẩm quyền để giải quyết tại chỗ các vướng mắc của các xã, phường trong thẩm quyền.
“Ngày 20/7 tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp lại để nghe hết các phản ánh của các đoàn công tác và tập trung giải quyết tất cả các vướng mắc của các địa phương”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, thời điểm này, Gia Lai đã hoàn thiện hình thành bộ máy mới, các ban xây dựng Đảng, các cơ quan tham mưu giúp việc cho Đảng, các đoàn thể, mặt trận, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua chương trình công tác, phân công phân nhiệm rõ ràng…

Cảng Quy Nhơn (Gia Lai) là một trong những cảng lớn, mỗi năm, sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 13-14 triệu tấn. Ảnh: V.Đ.T.
Tỉnh Gia Lai mới có diện tích lớn thứ hai cả nước với 21.576km2, có vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng trù phú, nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là có 134km bờ biển, hội đủ các điều kiện để phát triển, là cực tăng trưởng của cả nước.
Tỉnh Gia Lai mới cũng có hệ thống giao thông rất đồng bộ, có cả đường sắt và đường bộ lẫn đường hàng không; đó là chưa kể tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku đã được Quốc hội thông qua, có đường sắt cao tốc ngang qua tỉnh, Gia Lai là 1 trong 3 tỉnh có 2 ga đường sắt cao tốc. Địa phương này có 2 sân bay, sân bay Pleiku đã được nâng cấp, sân bay Phù Cát thì Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho khởi công xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2, thời gian tới đây, sân bay Phù Cát sẽ được nâng cấp thành sân bay quốc tế.
Ngoài ra, Gia Lai còn có hệ thống cảng biển thuộc tóp đầu của miền Trung; trong đó, Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng lớn, mỗi năm, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt khoảng 13-14 triệu tấn, xuất khẩu sang thị trường 85 nước trên thế giới. Thời gian tới đây, Gia Lai tiếp tục đầu tư tiếp một cảng nước sâu quốc tế tại Phù Mỹ, cảng này có độ sâu thiết kế đến 22m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải 200.000 tấn, đây là cảng trung chuyển hàng đầu của miền Trung.

Một trong những lợi thế phát triển của tỉnh Gia Lai là có 134 km bờ biển. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Dũng khẳng định Gia Lai có đầy đủ nguồn lực, vấn đề còn lại là phải làm gì để phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành tỉnh phát triển mọi mặt, trong đó có phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và hình thành các đô thị văn minh, đô thị sinh thái gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
“Sắp tới đây, những chủ trương này sẽ được Thường vụ Tỉnh ủy bàn bạc kỹ lưỡng, thực hiện với ý chí quyết tâm, đầy khát vọng, để biến những tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai thành hiện thực nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Chúng tôi biểu dương tinh thần sẵn sàng của các địa phương trong tỉnh bước vào hành trình phát triển mới. Thế nhưng có một thực tế, tiềm năng, lợi thế của Gia Lai càng lớn thì thách thức càng nhiều. Vì vậy, cả hệ thống chính trị các cấp phải đoàn kết, vào cuộc đồng bộ, thống nhất ý chí để mở ra không gian phát triển mới”, ông Hồ Quốc Dũng nói.