Giảm thiểu nguy cơ lây bệnh giữa động vật và người
Ngày 23/5, thông tin tại Lễ khởi động Dự án “Giảm thiểu rủi ro tác động giữa con người - động vật thông qua sáng kiến kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi lợn” và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ, chăn nuôi lợn hiện trở thành ngành hàng chủ lực quan trọng, tạo ra sinh kế cho khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi trên cả nước và đảm bảo nguồn cung thịt cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định, chăn nuôi lợn hiện trở thành ngành hàng chủ lực quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế chung toàn ngành nông nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.
Bên cạnh đó, thịt lợn hiện chiếm tới hơn 70% trong tổng lượng tiêu thụ thịt của người dân Việt Nam, cho thấy vai trò không thể thay thế của ngành hàng trong đời sống hàng ngày.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành trên đàn lợn như: Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng… không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sản xuất, làm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Việc triển khai dự án do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện sẽ góp phần nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học tiên tiến vào chăn nuôi lợn, từng bước giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa vật nuôi và con người”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Nicholas Anthony Lyons, chuyên gia FAO mong muốn sự hỗ trợ của FAO sẽ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ lây bệnh giữa động vật và người. Ảnh: Thanh Nga.
Đồng quan điểm, ông Pawin Padungtod, Điều phối viên Cấp cao, FAO Việt Nam cho rằng, đây là sáng kiến có tính đột phá, thiết thực và cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống giám sát, phòng chống dịch bệnh hiện đại, đồng bộ, giúp phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả các mối đe dọa dịch bệnh, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, vận hành chuỗi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cơ sở chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi, là công cụ quan trọng để quản lý chất lượng, minh bạch thông tin, từ đó tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.
Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là bước tiến kỹ thuật mà còn là nền tảng để phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh và thức đẩy phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.
Với tổng nguồn lực hỗ trợ 140.000 USD, dự án sẽ triển khai tại Hà Tĩnh và Bà Rịa Vũng Tàu, thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2026.

Toàn cảnh lễ khởi động Dự án "Giảm thiểu rủi ro tác động giữa con người, động vật thông qua sáng kiến kiểm soát dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn" tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Cầm tay chỉ việc
Trong khuôn khổ dự án, các cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ sẽ được các chuyên gia tập huấn về lý thuyết, “cầm tay chỉ việc” trực tiếp tại trang trại, can thiệp quy trình chăn nuôi, chăm sóc, quản lý an toàn dịch bệnh theo hướng an toàn sinh học.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh thông tin, sau khi rà soát, đơn vị lựa chọn hỗ trợ chuỗi trang trại chăn nuôi lợn gia công của Công ty Mitraco để nâng cao năng lực cho các hộ dân.
“Mặc dù bà con đã thay đổi nhận thức rất nhiều trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô. Song quá trình sản xuất đâu đó còn một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng, chưa đủ về quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Việc chỉ ra các tồn tại, hạn chế tại từng trang trại của chuyên gia sẽ giúp bà con cải tiến điều kiện chăn nuôi, giảm thiểu phát sinh bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe con người”, ông Hùng nhấn mạnh.

Dự án sẽ giúp bà con cải tiến điều kiện chăn nuôi theo hướng có kiểm soát. Ảnh: Thanh Nga.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, bên cạnh sự đồng hành của FAO, Bộ ngành Trung ương, việc dành sự quan tâm tương xứng về mặt chính sách của tỉnh cho lĩnh vực chăn nuôi, thú y cũng đóng vai trò cực kỳ cần thiết, quan trọng.
Trong những năm qua, Bà Rịa Vũng Tàu đã ban hành nhiều chính sách “trợ lực” hiệu quả cho người chăn nuôi như: Nghị quyết của HĐND tỉnh về mức hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi thuộc vùng không được phép chăn nuôi thực hiện chấm dứt, di dời cơ sở.
Nghị quyết về chính sách hỗ trợ tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Các quyết định của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng…, góp phần phát triển tổng đàn lợn đạt hơn 414.000 con.