Giai đoạn 2023-2025 chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về sản lượng lúa mì giữa các vùng tại châu Âu. Trong đó, vành đai lúa mì miền Nam châu Âu, bao gồm Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đang trở thành tâm điểm rủi ro khí hậu.
Từ năm 1989, khi nhiệt độ trung bình liên tục tăng và thời tiết khô hạn đã làm suy giảm hơn 10% năng suất trồng lúa mì tại các khu vực này. Theo kịch bản RCP 8.5 (kịch bản phát thải khí nhà kính mức cao) sản lượng lúa mì tại khu vực này có thể giảm 28% vào năm 2030.

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi ngành sản xuất lúa mì ở châu Âu. Ảnh: AInvest.
Anh và Ireland bị ảnh hưởng ít hơn do vẫn có mưa nhưng cũng phải chịu áp lực năng suất do nhiệt độ tăng. Trong khi đó tại Pháp, năng suất sản xuất lúa mì giảm 30-40% trong năm 2024 vì mưa lớn kéo dài. Điều này cho thấy ngay cả những vùng ổn định truyền thống cũng không còn miễn nhiễm trước tác động của biến đổi khí hậu.
Đối với nhà đầu tư, sự phân hóa này báo hiệu nhu cầu cấp thiết phải tái cân bằng danh mục. Hợp đồng tương lai lúa mì ở Nam Âu, từng được coi là tài sản an toàn, nay chứa đựng rủi ro cực đoan cao.
Mặt khác, các vùng phía Bắc châu Âu, như Ba Lan, Đức và các nước vùng Baltic, nay đang nổi lên như “vùng trú ẩn an toàn tương đối”. Trong đó, năng suất lúa mì tại đây đang duy trì tương đối ổn định nhờ khí hậu ấm lên vừa phải và hệ thống tưới tiêu thích ứng tốt.
Trước xu hướng thay đổi này, EU đã đưa ra 2 hướng giải quyết.
Đầu tiên, can thiệp chính sách và đổi mới công nghệ. Các khoản trợ cấp nông nghiệp hiện nay phải gắn với các biện pháp thích ứng khí hậu, bao gồm tài trợ cho nông nghiệp tái tạo và khuyến khích sử dụng hệ thống tưới chính xác. Việc giám sát cây trồng bằng vệ tinh, hiện đã được tích hợp vào hệ thống xác minh trợ cấp EU, giúp cải thiện dự báo năng suất và chi trả bảo hiểm, từ đó giảm bớt rủi ro tài chính cho nông dân.
Thứ hai, tái phân bổ các khoản đầu tư chiến lược. Trong đó, tăng cường phân bổ vốn vào các nước sản xuất lúa mì phía Bắc EU. Trong đó, nửa đầu năm 2025, năng suất lúa mì tại Ba Lan tăng trưởng 8,2%, trong khi Pháp dự báo giảm 5%.
Ngoài ra, EU cũng tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển công nghệ nông nghiệp chính xác, đặc biệt là những công ty có quan hệ đối tác với chính phủ EU. Sáng kiến Farm21 của EU năm 2025, với gói đầu tư 4,3 tỷ euro cho trí tuệ nhân tạo và truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, sẽ là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp dẫn đầu.
Đồng thời, EU có thể áp dụng các sản phẩm bảo hiểm thời tiết để phòng ngừa rủi ro khu vực. Thị trường bảo hiểm cây trồng EU đang mở rộng với các hợp đồng thiết kế riêng cho rủi ro hạn hán và lũ lụt, giúp giảm thiểu rủi ro danh mục khỏi các cú sốc thời tiết bất thường.
Với vai trò là nhà xuất khẩu lúa mì toàn cầu, bất kỳ biến động nào tại EU đều có ảnh hưởng lan tỏa tới vấn đề an ninh lương thực của khu vực và nhiều nơi khác. Việc sản lượng lúa gì giảm 5% có thể khiến giá lúa mì toàn cầu tăng 12-15%, đặc biệt tác động mạnh đến các khu vực phụ thuộc nhập khẩu như Bắc Phi và Trung Đông. Do đó, nhà đầu tư cần tích hợp yếu tố này vào các mô hình quản lý rủi ro.