
TS. Girma Amente - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia - chia sẻ hành trình tự chủ sản xuất lương thực - thực phẩm quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.
Sáng 17/4, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị P4G, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”.
Lộ trình tự chủ sản xuất lương thực
Trong vai trò đồng chủ trì phiên thảo luận, TS. Girma Amente - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia, đã chia sẻ kinh nghiệm vượt đói nghèo, từ quốc gia có nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nhà sản xuất lúa mì lớn nhất châu Phi.
“Hội nghị P4G tạo ra không gian phi thường để thế giới chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và cùng nhau xây dựng tương lai bền vững. Có mặt ở đây, chúng ta cần có trách nhiệm nhân rộng công nghệ, kỹ thuật; chia sẻ các hoạt động đổi mới cũng như bài học kinh nghiệm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững”, Bộ trưởng Amente nói.
Ngày nay, hàng triệu người vẫn đang phải chịu cảnh thiếu lương thực và dinh dưỡng, phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ. Nhưng, chúng ta có quyền hy vọng. Sự đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm với tốc độ và quy mô theo nhu cầu của từng quốc gia.
Liên quan vấn đề này, Ethiopia đã thiết kế một lộ trình chuyển đổi hệ thống lương thực và dinh dưỡng toàn diện, với 24 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức mà Ethiopia phải đối mặt.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường hệ thống lương thực thực phẩm, Chính phủ Ethiopia đã tiếp nhận nguồn lực để mở rộng sản xuất và năng suất lúa mì ở các vùng đất trũng. Ethiopia còn phát triển hệ thống thủy lợi giúp vùng núi, vùng cao chủ động nước tưới tiêu trong mùa mưa và mùa khô.
Nhờ đó, 5 năm qua, Ethiopia đã đảm bảo đủ lượng lúa mì dự trữ và trở thành nhà sản xuất lúa mì lớn nhất châu Phi.

Tự chủ sản xuất sẽ giúp Ethiopia đảm bảo an ninh dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: WUR.
Đối với thực phẩm, Ethiopia mới đây đã khởi động sáng kiến ‘Bounty of the Basket’ (tạm dịch: rủng rỉnh trong rổ) tập trung vào các loại protein có nguồn gốc từ động vật, tập trung vào sữa, gia cầm, cá, mật ong và các sản phẩm thịt. Mục tiêu chính hướng tới tự cung - tự cấp lương thực và đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho quốc gia.
Cụ thể, tăng cường sản xuất trong nước sẽ vừa thúc đẩy ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu, vừa giảm lượng nhập khẩu sản phẩm thịt nước ngoài.
“Sự đột phá trong sáng kiến là giải pháp biogas để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi. Nhờ đó, chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy sản lượng”, Bộ trưởng Ethiopia nhấn mạnh.
Ethiopia cũng mở rộng các dịch vụ nông nghiệp. Sáng kiến “Chương trình Nông hộ nhỏ” cung cấp các đặc quyền miễn thuế cho máy móc nông nghiệp và hoạt động khuyến nông. Một số lĩnh vực mà Ethiopia đang mở rộng hợp tác công - tư là thành lập các trung tâm lắp ráp, dịch vụ cơ giới hóa, nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Với lộ trình này, trong năm nay, Ethiopia đã thành công gắn kết các mục tiêu chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm với các hành động khí hậu, cam kết Công ước khung thay đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC).
Mục tiêu trồng 50 tỷ cây xanh trong tầm tay
Các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Ethiopia tập trung vào giảm phát thải, bảo tồn trữ lượng carbon rừng và thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu, nhấn mạnh khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Sáng kiến Di sản Xanh đặt mục tiêu trồng 50 tỷ cây giống ở Ethiopia. Ảnh: Mongabay.
Về vấn đề này, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã khởi xướng và dẫn dắt Sáng kiến Di sản Xanh từ năm 2019, với quyết tâm và sự cống hiến to lớn để biến đất nước thành một quốc gia thịnh vượng. Trải qua 6 năm, nước này đã trồng 40 tỷ cây giống với mục tiêu đạt 50 tỷ trong hai năm tới.
Sáng kiến Di sản Xanh là một trong những chương trình trồng rừng lớn nhất thế giới. Việc trồng cây trở thành động lực cho các hoạt động phát triển toàn diện của đất nước, giải quyết thách thức về môi trường, kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu để hướng đến sự thịnh vượng của đất nước chúng ta.
Nhìn toàn cảnh, hành trình của Ethiopia hướng tới tương lai bền vững và hướng đến cộng đồng nông dân - những người dễ bị tổn thương bởi khí hậu cực đoan. Bộ trưởng Ethiopia kêu gọi các quốc gia cùng đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực, thúc đẩy quan hệ đối tác trong không gian Hội nghị thượng đỉnh P4G.