| Hotline: 0983.970.780

Mỹ ghi nhận 15 thảm họa khí hậu chỉ trong nửa năm

Thứ Sáu 18/07/2025 , 11:15 (GMT+7)

Nửa đầu 2025, Mỹ ghi nhận 15 thảm họa khí hậu trên 1 tỷ USD, chủ yếu do cháy rừng, dông lốc, nắng nóng, phản ánh xu thế cực đoan toàn cầu.

Mỹ tiếp tục là điểm nóng của các thảm họa thời tiết cực đoan khi chỉ trong sáu tháng đầu năm 2025, quốc gia này đã ghi nhận tới 15 sự kiện thời tiết gây thiệt hại từ 1 tỷ USD trở lên, theo báo cáo mới nhất từ công ty môi giới bảo hiểm Gallagher Re công bố ngày 16/7. Con số này tương đương mức trung bình 10 năm qua nhưng vẫn cho thấy tình trạng cực đoan khí hậu ngày càng gia tăng, khi năm 2024 đã lập kỷ lục với 23 thảm họa tỷ đô chỉ trong nửa năm đầu.

Một trực thăng chữa cháy thả nước khi đám cháy Sunset lan rộng tại khu đồi Hollywood, Los Angeles, California, khi lệnh sơ tán được ban hành vào ngày 8 tháng 1 năm 2025 tại Los Angeles, California. Ảnh: Mario Tama.

Một trực thăng chữa cháy thả nước khi đám cháy Sunset lan rộng tại khu đồi Hollywood, Los Angeles, California, khi lệnh sơ tán được ban hành vào ngày 8 tháng 1 năm 2025 tại Los Angeles, California. Ảnh: Mario Tama.

Các thảm họa này bao gồm cháy rừng, bão, mưa đá, lốc xoáy, gió mạnh và lũ quét do dông bão trên khắp nước Mỹ. Đặc biệt, hai vụ cháy rừng lớn ở Los Angeles vào tháng 1 đã gây thiệt hại kinh tế lần lượt 37 tỷ và 28 tỷ USD. Tổng cộng, chỉ riêng các vụ cháy rừng ở California năm 2025 đã khiến nền kinh tế Mỹ mất 65 tỷ USD, trở thành sự kiện thiên tai đứng thứ 8 về chi phí lớn nhất lịch sử thế giới.

Ngoài ra, Mỹ còn chịu 12 thảm họa thời tiết cực đoan khác liên quan đến dông bão, lốc xoáy, mưa đá, với tổng thiệt hại chưa từng có trong lịch sử, chỉ xếp sau các năm 2024, 2023 và 2011. Một đợt dông lốc lớn diễn ra từ 13-16/3 đã khiến Mỹ thiệt hại 9,5 tỷ USD. Chỉ tính riêng các thảm họa dông bão, kinh tế Mỹ năm 2025 đã ghi nhận mức tổn thất cao thứ tư từ trước tới nay. Ngoài ra, hạn hán cũng gây tổn thất trên 1 tỷ USD tại Mỹ trong nửa đầu năm.

Ngoài Mỹ, thế giới chỉ có 4 thảm họa thời tiết tỷ đô trong nửa đầu năm, nâng tổng số toàn cầu lên 19 sự kiện và tổng thiệt hại ước tính 134 tỷ USD, với 60% số này được các hãng bảo hiểm chi trả, là mức bảo hiểm cao nhất lịch sử ghi nhận cho cùng kỳ. Mỹ chiếm tới 92% tổng thiệt hại được bảo hiểm, chủ yếu do tác động từ các vụ cháy rừng lớn.

Thảm họa gây chết người nhiều nhất năm 2025 lại diễn ra tại châu Âu, với đợt nắng nóng đầu hè từ 23/6-2/7 khiến ít nhất 2.305 người tử vong chỉ tính riêng tại 12 thành phố lớn (tổng dân số 30 triệu người), theo nghiên cứu của Viện Grantham (Anh). Tỷ lệ tử vong thực tế còn cao hơn nhiều nếu tính toàn bộ châu Âu (745 triệu dân). Khoảng 65% số ca tử vong này được cho là do biến đổi khí hậu do con người gây ra, khiến mức nhiệt tăng thêm từ 1-4°C. Đợt nắng nóng này đã trở thành thảm họa nắng nóng chết chóc thứ 12 trong lịch sử toàn cầu.

Các đợt nắng nóng gây trên 1.000 ca tử vong, giai đoạn 1900-2024. Lịch sử ghi nhận 21 đợt nắng nóng với ít nhất 1.000 người tử vong trên toàn cầu; riêng bốn đợt đã xảy ra chỉ trong năm vừa qua (được đánh dấu màu vàng). Ảnh: EM-DAT và Gallagher Re.

Các đợt nắng nóng gây trên 1.000 ca tử vong, giai đoạn 1900-2024. Lịch sử ghi nhận 21 đợt nắng nóng với ít nhất 1.000 người tử vong trên toàn cầu; riêng bốn đợt đã xảy ra chỉ trong năm vừa qua (được đánh dấu màu vàng). Ảnh: EM-DAT và Gallagher Re.

Những con số trên được Gallagher Re tổng hợp dựa trên cơ sở dữ liệu kéo dài từ 1990, thay thế vai trò theo dõi các thảm họa thời tiết lớn từng do NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ) đảm nhiệm trước khi bị dừng hoạt động năm nay.

Bức tranh khí hậu toàn cầu nửa đầu 2025 cho thấy, các thảm họa thiên nhiên không chỉ ngày càng khốc liệt mà còn gây tổn thất kinh tế, nhân mạng chưa từng có, nhất là tại những quốc gia phát triển với tài sản, cơ sở hạ tầng và dân số lớn. Chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiệt hại về kinh tế và con người sẽ còn tiếp tục leo thang trong tương lai gần.

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất