| Hotline: 0983.970.780

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Kỷ nguyên năng lượng tái tạo đang đến

Thứ Tư 23/07/2025 , 10:52 (GMT+7)

Tối 22/7 (giờ Việt Nam), Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có bài phát biểu đặc biệt về tương lai của năng lượng tái tạo toàn cầu.

Bài phát biểu mang tên  “Thời khắc của cơ hội: Thúc đẩy kỷ nguyên năng lượng sạch” được đưa ra sau khi Liên hợp quốc công bố báo cáo kỹ thuật mới mang tên “Nắm bắt thời khắc của cơ hội: Thúc đẩy kỷ nguyên năng lượng mới dựa trên năng lượng tái tạo, hiệu quả và điện khí hóa”.

“Báo cáo cho thấy chúng ta đã tiến xa thế nào kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua (2016), mở đường cho cuộc cách mạng năng lượng sạch. Xu hướng này làm nổi bật những lợi ích to lớn và các hành động cần thực hiện để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng toàn cầu”, ông Guterres nhận dịnh.

Chuyển dịch năng lượng là xu hướng không thể đảo ngược

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết trong năm 2024, thế giới đã đầu tư 2.000 tỷ USD vào năng lượng sạch, nhiều hơn 800 tỷ USD so với nhiên liệu hóa thạch, và tăng gần 70% trong vòng 10 năm qua.

Theo dữ liệu mới được công bố từ Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), năng lượng mặt trời, từng có giá cao gấp 4 lần nhiên liệu hóa thạch, nay đã rẻ hơn tới 41%. Trong khi đó, giá điện gió ngoài khơi giảm 53%. Đặc biệt, hơn 90% các dự án năng lượng tái tạo mới trên toàn cầu đã tạo ra điện với chi phí thấp hơn cả phương án nhiên liệu hóa thạch rẻ nhất.

“Đây không chỉ là cuộc chuyển đổi về năng lượng mà còn là sự chuyển mình về năng lực”, ông Guterres nói.

Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại New York sáng 22/7 (20h tối 22/7 theo giờ Việt Nam), khẳng định năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược. Ảnh: UN News. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu tại New York sáng 22/7 (20h tối 22/7 theo giờ Việt Nam), khẳng định năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược. Ảnh: UN News. 

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, sản lượng năng lượng tái tạo hiện nay đã gần tương đương với nhiên liệu hóa thạch về tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Trong đó, “90% công suất điện mới trong năm qua” đều đến từ các nguồn năng lượng sạch.  Không dừng lại ở đó, mọi châu lục trên trái đất cũng đang  bổ sung lượng điện tái tạo nhiều hơn so với điện từ nhiên liệu hóa thạch vào hệ thống của mình. 

“Đó mới chỉ là khởi đầu. Tương lai năng lượng sạch không chỉ là lời hứa, mà đã trở thành hiện thực. Không chính phủ nào, không ngành công nghiệp nào, không lợi ích đặc biệt nào có thể ngăn cản được sự phát triển này”, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định.

Đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định năng lượng tái tạo là nền tảng của an ninh và chủ quyền năng lượng.

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, ánh sáng mặt trời không bao giờ tăng giá và  gió thì không thể bị áp lệnh cấm vận. Đây chính là những yếu tố khiến năng lượng tái tạo trở nên lý tưởng hơn trong bối cảnh an ninh năng lượng toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.

“Năng lượng tái tạo trao quyền, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vào tay người dân và các chính phủ. Bởi hầu hết mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực từ mặt trời, gió hoặc nước để có thể tự chủ về năng lượng”, ông giải thích thêm.

Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời và gió có thể được triển khai nhanh hơn, rẻ hơn và linh hoạt hơn rất nhiều so với bất kỳ nguồn nhiên liệu hóa thạch nào từng có thể. Và dù năng lượng hạt nhân sẽ vẫn là một phần trong bức tranh năng lượng toàn cầu, thì hạt nhân không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống về khả năng phổ cập rộng rãi như năng lượng tái tạo.

6 lĩnh vực cơ hội cho sự chuyển dịch năng lượng

Kết lại bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Guterres đã đưa ra 6 lĩnh vực cơ hội mà thế giới cần nắm bắt để tiếp tục thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng công bằng và hiệu quả.

Đầu tiên, các quốc gia cần lên kế hoạch khí hậu quốc gia mới để thúc đẩy toàn diện quá trình chuyển dịch năng lượng. Trong đó cần có các hành động rõ ràng và chắc chắn cho lộ trình hành động khí hậu toàn cầu.

Trong đó, Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của các quốc gia cần bao quát toàn bộ lượng phát thải trong nền kinh tế, Phù hợp với mục tiêu giới hạn nhiệt độ ở mức 1,5 độ C, tích hợp các ưu tiên về năng lượng, khí hậu và phát triển bền vững trong một tầm nhìn thống nhất, và thực hiện đúng các cam kết toàn cầu về nhân đôi hiệu quả năng lượng, gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, đồng thời đẩy nhanh quá trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Thứ hai, xây dựng hệ thống năng lượng của thế kỷ 21. Công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng. Chỉ trong vòng 15 năm qua, chi phí lưu trữ pin và xây dựng lưới điện đã giảm hơn 90%. Nhưng vấn đề đặt ra là đầu tư vào cơ sở hạ tầng phù hợp vẫn chưa theo kịp đà phát triển công nghệ.

Hiện nay, cứ mỗi 1 USD được đầu tư vào điện tái tạo, chỉ có 60 xu được dành cho lưới điện và lưu trữ năng lượng, trong khi tỷ lệ hợp lý lẽ ra phải là 1:1. Dù các quốc ia trên thế giới đang đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ sở năng lượng tái tạo nhưng tốc độ kết nối điện sạch vào lưới điện chung lại không đủ nhanh. Sản lượng điện tái tạo đang đợi đấu nối vào lưới điện đã cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trong tổng cung năng lượng toàn cầu.

“Chúng ta phải hành động ngay và đầu tư vào nền tảng của một tương lai năng lượng sạch - đó là các hệ thống lưới điện hiện đại, linh hoạt và số hóa, bao gồm cả kết nối khu vực; là việc mở rộng quy mô lưu trữ năng lượng một cách mạnh mẽ; và là xây dựng mạng lưới trạm sạc để thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện”, ông kêu gọi.

Thứ ba, các quốc gia cần đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu một cách bền vững. Trong đó, Chính phủ các nước phải đặt mục tiêu đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện mới bằng năng lượng tái tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể nâng cao hiệu quả, đổi mới và khả năng phục hồi của hệ thống năng lượng và chúng ta cần tận dụng điều đó.

Thứ tư, để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, chính phủ phải đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển dịch công bằng, thông qua việc cung cấp hỗ trợ, giáo dục và đào tạo nghề cho người lao động trong ngành than đá, thanh niên, phụ nữ, các cộng đồng bản địa và nhiều nhóm yếu thế khác để thích nghi và phát triển trong nền kinh tế năng lượng mới. Cần có các chính sách an sinh xã hội mạnh mẽ hơn để không ai bị bỏ lại phía sau, cùng với sự hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp vốn đang phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch và gặp khó khăn trong việc chuyển đổi.

Thứ năm, cần tận dụng thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch năng lượng, trong đó, chính sách thương mại cần phải hỗ trợ cho chính sách khí hậu. Các quốc gia cam kết với kỷ nguyên năng lượng mới phải hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng thương mại và đầu tư sẽ trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch, thông qua: Xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng, an toàn và có khả năng chống chịu cao; Cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa năng lượng sạch; Thúc đẩy đầu tư và thương mại, bao gồm cả hợp tác Nam-Nam; Và hiện đại hóa các hiệp định đầu tư lỗi thời, khởi đầu bằng cải cách các điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Cuối cùng, các quốc gia phải huy động toàn bộ sức mạnh của tài chính, thúc đẩy đầu tư vào những thị trường có tiềm năng to lớn. Mặc dù nhu cầu đang tăng vọt và tiềm năng năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển là rất lớn, những nước này lại đang bị gạt ra ngoài lề của quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

“Thời đại nhiên liệu hóa thạch đang dần qua đi. Chúng ta đang bước vào bình minh của một kỷ nguyên năng lượng mới, nơi năng lượng sạch, rẻ và dồi dào sẽ thắp sáng một thế giới với những cơ hội kinh tế mới, nơi các quốc gia được bảo đảm chủ quyền năng lượng, và quyền tiếp cận điện năng trở thành món quà chung cho toàn nhân loại”, ông Guterres khẳng định.

Theo UN News

Xem thêm
Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất