Nam Cực chứa gần 90% lượng băng và 70% nước ngọt trên hành tinh. Nam Đại Dương - vùng biển bao quanh Nam Cực, là động lực thúc đẩy các dòng hải lưu toàn cầu, nuôi dưỡng chuỗi thức ăn phong phú, từ sinh vật phù du tới cá voi khổng lồ.
Thế nhưng, khu vực này lại thuộc nhóm dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu: băng ở biển tan nhanh, các thềm băng nứt vỡ, nhiệt độ đại dương tăng cao và nước biển ngày càng ngọt hóa. Năm qua, Nam Cực ghi nhận diện tích băng biển thấp kỷ lục - dấu hiệu báo động về những biến đổi không còn xa vời, mà đang hiện hữu từng ngày.

Chim cánh cụt xuất hiện trên tảng băng trôi khi các nhà khoa học khảo sát tác động của biến đổi khí hậu lên các quần thể chim cánh cụt ở phía bắc bán đảo Nam Cực. Ảnh: Sputnik.
Khủng hoảng sinh thái không chỉ đến từ khí hậu mà còn do áp lực khai thác quá mức, đặc biệt là loài nhuyễn thể Nam Cực (krill) - sinh vật giống tôm nhỏ, đóng vai trò nền tảng của chuỗi thức ăn nơi đây. Cá voi, chim cánh cụt, hải cẩu và các loài chim biển đều phụ thuộc vào nguồn thức ăn này để sinh tồn.
Tuy nhiên, ngành khai thác nhuyễn thể phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng omega-3 và nuôi thủy sản đang tập trung ở đúng những vùng sinh sống chủ đạo của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là quanh bán đảo Nam Cực.
Dù số lượng nhuyễn thể rất lớn, việc đánh bắt tập trung theo mùa và không kiểm soát có nguy cơ làm cạn kiệt cục bộ nguồn thức ăn, đe dọa các loài săn mồi vốn vừa hồi phục sau nhiều thập kỷ bị săn bắt thương mại. Cá voi lưng gù và cá voi vây, từng suýt tuyệt chủng do nạn săn bắt, nay quay về bãi ăn truyền thống nhưng phải cạnh tranh trực tiếp với đội tàu công nghiệp.
Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi quy định tạm thời nhằm phân bố đều hoạt động khai thác hết hiệu lực từ năm ngoái mà chưa có quy định thay thế, tạo điều kiện cho khai thác tăng mạnh tại các điểm nóng sinh thái.
Giải pháp bảo tồn dựa trên khoa học đã được đề xuất nhiều năm: Thiết lập Khu Bảo vệ Biển (MPA) ở bán đảo Nam Cực. MPA không cấm hoàn toàn khai thác, mà sẽ áp dụng quản lý không gian và thời vụ nhằm đảm bảo hoạt động đánh bắt nhuyễn thể không phá vỡ cân bằng hệ sinh thái mong manh nơi đây. Đồng thời, khu bảo vệ sẽ là "lá chắn" giúp các loài vốn đã bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu tiếp tục sinh tồn, bảo vệ một trong những vùng ấm lên nhanh nhất thế giới.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo: Nếu cộng đồng toàn cầu tiếp tục thờ ơ, khủng hoảng sinh thái ở Nam Cực sẽ còn lan rộng, kéo theo hậu quả về mực nước biển, thời tiết cực đoan và mất đa dạng sinh học ở nhiều nơi xa xôi trên trái đất.