| Hotline: 0983.970.780

EU chỉ trích thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh

Thứ Bảy 17/05/2025 , 09:03 (GMT+7)

Các bộ trưởng thương mại EU đã chỉ trích sự nhượng bộ của Anh trước Mỹ, cảnh báo rằng khối có thể xem xét các biện pháp trả đũa đối với Washington.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty.

Phản ứng dữ dội giữa các nước EU bùng lên sau một thỏa thuận được ký kết vào tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer, trong đó giữ mức thuế cơ bản 10% đối với hàng xuất khẩu của Anh đồng thời nới lỏng thuế hơn nữa đối với thép và ô tô của nước này.

Ông Trump đã đưa ra hàng loạt thuế quan mới nhắm vào các nhà sản xuất ô tô và kim loại của châu Âu. Vào ngày 2/4, ông tuyên bố tăng mạnh tất cả các mặt hàng nhập khẩu của EU nhưng sau đó đã giảm xuống 10% trong 90 ngày để có thời gian đàm phán.

Phát biểu với các phóng viên hôm 16/5 trước cuộc họp của các bộ trưởng thương mại EU ở Brussels, Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa nói: "Nếu thỏa thuận Anh - Mỹ là những gì châu Âu nhận được, thì Mỹ có thể chờ đợi các biện pháp đáp trả từ phía chúng tôi".

Ông nói thêm rằng ông "khó có thể gọi đó là một thỏa thuận thương mại", đồng thời lưu ý rằng "mức thuế cơ bản 10% vẫn còn đó".

Mối quan tâm của ông Dousa cũng nhận được sự ủng hộ của người đồng cấp Phần Lan, Ville Tavio, người cho rằng đây "không phải là một thỏa thuận tối ưu cho Vương quốc Anh trên bất cứ khía cạnh nào".

Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin kêu gọi thận trọng, nói rằng khối nên "cảnh giác" và không nên cho rằng "dừng ở mức thuế đối ứng 10% sẽ là một tin tốt".

Tổng thống Ba Lan Michal Baranowski cho biết EU sẽ không "hài lòng" với một thỏa thuận tương tự Anh. "Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn là tiếp tục phải chịu mức thuế khá cao", ông lập luận.

Ủy ban châu Âu tuần trước đã trình bày một danh sách các biện pháp đối phó có thể nhắm mục tiêu vào hàng hóa Mỹ trị giá 95 tỷ euro (106 tỷ USD), nếu các cuộc đàm phán với Washington không có tiến triển.

Cố vấn thương mại của ông Trump, Peter Navarro, đã cảnh báo EU rằng họ sẽ "mắc một sai lầm nghiêm trọng" nếu họ tiếp tục kế hoạch của mình, gọi các biện pháp này phản tác dụng.

Khối trước đó đã tạm dừng trả đũa sau khi Washington tạm thời hoãn tăng thuế trong 3 tháng. Tuần này, Ủy viên Thương mại châu Âu Maros Sefcovic cho biết ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick và đồng ý tăng cường các cuộc đàm phán.

Nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào đầu tháng 7, thuế quan có thể tăng lên 20%, trong bối cảnh ông Trump đang tìm cách thu hẹp thâm hụt thương mại xuyên Đại Tây Dương, điều mà ông đổ lỗi cho EU.

Ngoài thỏa thuận với Anh, Washington cũng đã đàm phán về việc rút lại một phần thuế quan với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng chỉ trích thỏa thuận Anh-Mỹ trong tuần này, cáo buộc London bị gây áp lực phải chấp nhận thỏa thuận với Washington. Họ lập luận rằng thỏa thuận này vi phạm "nguyên tắc cơ bản" rằng các thỏa thuận quốc tế không nên nhắm vào các bên thứ ba.

Xem thêm
Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.