| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp chạy đua xuất hàng sang Mỹ

Thứ Sáu 09/05/2025 , 23:01 (GMT+7)

TP.HCM Tranh thủ 'khoảng trống thuế quan' trước thời điểm 9/7/2025, các doanh nghiệp nông sản, thủy sản đồng loạt tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh giao hàng sang thị trường Mỹ.

Gấp rút xuất hàng

Tại các nhà máy của Tập đoàn Long Sơn - một doanh nghiệp xuất khẩu điều, công nhân đang tăng ca ngày đêm để kịp hoàn tất các đơn hàng cuối cùng trước khi mức thuế đối ứng 46% của Mỹ chính thức có hiệu lực. 

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn, cho biết kể từ khi Mỹ thông báo tạm dừng ưu đãi thuế, số lượng đơn hàng sang thị trường này đã giảm mạnh. “Một số đối tác yêu cầu chúng tôi chia sẻ 5% trong tổng mức thuế 10%, nhưng do biên lợi nhuận ngành điều thấp, Long Sơn chỉ có thể chấp nhận mức 3%”, ông Sơn nói.

Từ nay đến hết tháng 6/2025, Long Sơn dự kiến chỉ còn khoảng 20 container điều được xuất sang Mỹ. Sau thời điểm này, hoạt động giao hàng sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán chính sách giữa hai chính phủ. 

Nhà máy điều Long Sơn tăng công suất để kịp tiến độ giao hàng trước ngày 9/7/2025. Ảnh: Hà Duyên

Nhà máy điều Long Sơn tăng công suất để kịp tiến độ giao hàng trước ngày 9/7/2025. Ảnh: Hà Duyên

Tình hình tương tự diễn ra tại Tập đoàn Intimex - một doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sang Mỹ khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết, các đối tác nhập khẩu đang liên tục thúc giục giao hàng sớm. “Chúng tôi đang chạy hết công suất cho các đơn hàng đến hết tháng 6/2025. Hiện chưa có đơn hàng mới phát sinh vì cả hai bên đều đang nghe ngóng tình hình”, ông Nam nhấn mạnh.

Với tốc độ như hiện nay, khả năng doanh thu từ thị trường Mỹ năm nay chỉ đạt khoảng 50% so với năm trước. Intimex đang khẩn trương mở rộng sang các thị trường thay thế như châu Âu, Trung Đông và các nước đã ký FTA thế hệ mới với Việt Nam.

Với ngành thủy sản, cuộc đua giao hàng sang Mỹ đang diễn ra trong áp lực chưa từng có. Ông Nguyễn Văn Kịch – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex cho biết, ngay sau khi Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày, công ty lập tức họp khẩn, tăng tốc thu mua nguyên liệu và sản xuất không nghỉ để đạt được mục tiêu là giao hàng xong trước thời điểm áp mức thuế đối ứng mới.

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, Mỹ vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong năm 2025. Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực như cá tra và tôm sẽ chịu tác động lớn khi thuế đối ứng có hiệu lực. “Chúng tôi dự báo trong hai tháng tới, đặc biệt là tháng 5 và 6, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ tăng 10 - 15% so với tháng 4 nhờ các hợp đồng bổ sung”, bà Hằng chia sẻ.

Kỳ vọng vào kết quả đàm phán

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang đặt kỳ vọng lớn vào việc tháo gỡ các rào cản thuế, từ đó mở ra “cửa sáng” cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Kịch cho biết, từ trước đến nay, thị trường Mỹ luôn là “cửa ải” khó khăn với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam như tôm, cá tra... do phải cạnh tranh với các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, đồng thời chịu thêm áp lực từ các biện pháp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, ông Kịch cho rằng cộng đồng doanh nghiệp đang dần lạc quan hơn khi Chính phủ hai nước đã có những tính toán chiến lược rõ ràng trong các cuộc đàm phán sắp tới. “Nỗi lo của doanh nghiệp đang giảm dần, và chúng tôi tin chắc sẽ có kết quả tích cực. Chênh lệch cán cân thương mại là một yếu tố khiến Mỹ tăng thuế, nhưng tôi tin các ngành chức năng đã nắm rõ biên độ và sẽ thương lượng được mức thuế hợp lý hơn”, ông Kịch nhấn mạnh.

Ở góc độ thực tiễn, ông Kịch cho biết mặc dù hàng hóa của doanh nghiệp vẫn được xuất đi bình thường, và các phương án ứng phó đã được tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, sau đàm phán, bức tranh thị trường có thể thay đổi, vì vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị trước cho kịch bản đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc.

Tương tự, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cũng cho biết ngành rau quả đang kỳ vọng lớn vào những cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ, nhất là khi Mỹ đã trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng nhập khẩu rau quả Việt Nam lên đến 65% trong quý I/2025. Dù vậy, ông Nguyên lưu ý rằng các đơn hàng từ Mỹ sau tháng 7 vẫn còn nhiều dè dặt do phía đối tác chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan.

"Các doanh nghiệp mong muốn phía Mỹ sẽ xem xét lại mức thuế đối với những mặt hàng không trực tiếp cạnh tranh như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng… những sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Nếu đạt được kết quả thuận lợi, đây sẽ là cú hích quan trọng không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào mùa cao điểm cuối năm, mà còn thúc đẩy đầu tư vào chế biến sâu, góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước theo hướng bền vững và công bằng hơn", ông Nguyên bày tỏ.

Xem thêm
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 1] Thế trận toàn cầu

Năm 2024, nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục xuất khẩu với 62,5 tỷ USD, tăng trưởng toàn diện ở nhiều thị trường, mở rộng cơ hội và khẳng định vị thế toàn cầu.

Lao động, thực tập sinh nước ngoài về nước cơ hội việc làm luôn rộng mở

GIA LAI Rất nhiều việc làm hấp dẫn dành cho người lao động không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đi nước ngoài làm việc một cách chính thống.

Dự án Đại Hùng giai đoạn 3 đón dòng dầu thương mại đầu tiên

Dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 (phase 3) chính thức đưa vào khai thác dòng dầu đầu tiên, với lưu lượng 6.000 thùng/ngày, sớm 20 ngày so với kế hoạch.

Thúc đẩy tín dụng xanh ‘mở đường’ chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp

Thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành, nhân rộng các khu công nghiệp xanh, góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.