Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ đình trệ do cuộc chiến thuế quan đang nóng lên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Apollo Global Management, một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu của Mỹ, vừa đưa ra cảnh báo: cuộc đối đầu thuế quan do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng và đang tiếp tục được theo đuổi có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái ngay trong mùa hè năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng của Apollo, ông Torsten Slok, đã dự báo là một “kịch bản khủng hoảng” cho nền kinh tế Mỹ bắt đầu từ tháng 4 và cao trào vào tháng 6 tới.

Những kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ Ảnh: VCG.
Lộ trình mà Apollo đưa ra bắt đầu từ ngày 2/4, khi chính quyền Trump công bố loạt thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay lập tức, số lượng tàu container rời các cảng Trung Quốc đi Mỹ giảm mạnh. Theo tính toán của ông Slok, chỉ trong vòng vài tuần tới, các tàu hàng từ Trung Quốc sẽ dần biến mất khỏi hệ thống cảng biển Hoa Kỳ, kéo theo sự đình trệ của cả chuỗi cung ứng.
Dự báo giữa tháng 5, nhu cầu vận tải nội địa sẽ sụt giảm đột ngột, các siêu thị bắt đầu thiếu hàng hóa, doanh thu bán lẻ lao dốc. Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, làn sóng sa thải đầu tiên bắt đầu từ ngành vận tải, lan sang bán lẻ. Và đến mùa hè, một cuộc suy thoái có thể chính thức khởi phát.
“Tình trạng khan hiếm sẽ giống như thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, nhưng lần này là vì hàng hóa không được phép vào Mỹ, chứ không phải vì người dân không thể ra khỏi nhà,” ông Slok viết trong một ghi chú gửi khách hàng.
Trung Quốc không phải là nhà cung cấp duy nhất của Mỹ, nhưng là mắt xích không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với hơn 438 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu trong năm 2024, Trung Quốc chỉ đứng sau Mexico về quy mô thương mại với Mỹ, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Điều đáng nói là mức thuế hiện nay với hàng hóa Trung Quốc đã bị đẩy lên tới 145%. Trong khi đó, một phần thuế quan công bố hồi đầu tháng 4 tạm thời bị trì hoãn, tạo ra trạng thái bất định. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 5/5 đã phải thừa nhận trên CNBC rằng tình thế hiện tại là “không thể kéo dài”.
Thị trường đã bắt đầu phản ứng. Theo dữ liệu Apollo công bố, đơn đặt hàng mới, triển vọng lợi nhuận và kế hoạch đầu tư vốn của các doanh nghiệp Mỹ đều đã sụt giảm trong vài tuần gần đây. Phố Wall đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng suy thoái năm 2025 là khó tránh khỏi, dù Chính phủ Mỹ vẫn gọi đây là “giai đoạn giải độc” do đàm phán thương mại kéo dài.

Nhà máy Whirlpool ở Ohio dự kiến chi phí sẽ tăng 2,4% trong năm nay do thuế quan đối với các linh kiện nhập khẩu. Ảnh: Nick Hagen.
Trong khi đó, một số nhà sản xuất vừa và nhỏ của Hoa Kỳ đang chứng kiến sự gia tăng đơn đặt hàng từ các công ty muốn tránh trả mức thuế mới, làm dấy lên hy vọng rằng mức thuế quan của ông Trump có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ trong dài hạn.
Ông Jack Schron, chủ tịch của Jergens Inc., công ty sản xuất tua vít công nghiệp, kẹp và tời, cho biết: “Chúng tôi đang quá tải. Chúng tôi hoạt động 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần tại cả Chicago và Cleveland".
Ông Schron khẳng định, các nhà máy của ông ở Ohio và Illinois đang hoạt động cực kỳ hiệu quả, một phần là do các đơn đặt hàng mới từ khách hàng muốn tránh trả thuế nhập khẩu, và một phần là do nhu cầu tăng cao trong 18 tháng qua từ ngành công nghiệp quốc phòng .
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ cũng ủng hộ thuế quan, kỳ vọng rằng mức thuế này sẽ thổi luồng sinh khí mới vào ngành sản xuất của Hoa Kỳ.
Không phải ai cũng tin rằng kệ hàng sẽ trống trơn ngay lập tức. Một số chuyên gia, như nhà phân tích Aneesha Sherman, cho rằng lượng hàng nhập khẩu đã được “gom trước” từ đầu năm. Đây là động thái dự phòng quen thuộc của các nhà bán lẻ mỗi khi chiến tranh thương mại manh nha. “Tồn kho từ đầu năm đến nay vẫn còn dồi dào, trong khi sức mua đã chững lại. Chúng ta chưa cần lo sớm,” bà viết.