| Hotline: 0983.970.780

Đồng bằng sông Cửu Long nồng nàn những tâm tư trẻ

Chủ Nhật 27/04/2025 , 13:37 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long sau 50 năm thống nhất đất nước, được thế hệ trẻ phản ánh trong văn chương bằng những nét chấm phá sinh động và quyến rũ.

Các cây bút trẻ Võ Đăng Khoa, Huỳnh Trọng Khang, Vĩnh Thông.

Các cây bút trẻ Võ Đăng Khoa, Huỳnh Trọng Khang, Vĩnh Thông.

Đồng bằng sông Cửu Long luôn có những tác giả, tác phẩm rất đặc biệt khiến công chúng ngóng đợi rất nhiều. 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, xã hội và kinh tế của vùng đất màu mỡ phù sa này phát triển không ngừng, văn chương cũng từ đó sản sinh ra những thế hệ viết sau cột mốc 1975 dồi dào số lượng và đậm đà chất lượng.

Có một thế hệ viết sinh ra sau những ngày đất nước thống nhất mà văn đàn luôn nhắc nhớ, dẫu bây giờ họ có người còn bám trụ với nghiệp văn chương, hoặc đã tạm ẩn mình trong hối hả cuộc đời. Nhắc đến thế hệ 7X ấy, có lẽ phải nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư. Cây bút nữ đặc sắc này khẳng định sự bỉ bền với văn chương bằng việc ra mắt tác phẩm liên tục, hằng năm. Mới nhất có thể kể đến tập tản văn “Tiếng gọi chân trời” vừa phát hành tháng 3 năm nay. Nguyễn Ngọc Tư dù chọn cho mình lối sống ẩn, không dùng mạng xã hội, cực kỳ hạn chế những cuộc tụ bạ cùng văn giới. Chị chọn cho mình một cách lẳng lặng sống nhưng tác phẩm của chị lại bần bật nổi trội trên văn đàn bởi sự đau đời qua ngòi bút của chị như tạo một vết dấu sâu hoắm vào lòng đọc giả. Nỗi đau thân phận, quê xứ, nhân loại lẫn tạo hóa được chị viết không cần dụng ngôn, nhưng đủ sức khiến độc giả chìm sâu dưới lớp băng chữ của mình.

Cũng ở mảnh đất tận cùng Tổ quốc này, Cà Mau đang có một thế hệ viết vàng với những cái tên như Nguyễn Thị Việt Hà, Lê Minh Nhựt, Huỳnh Thúy Kiều. Mỗi người mang một giọng điệu, một sắc thái rất riêng biệt. Lê Minh Nhựt cũng đau với thân phận và quê xứ, nhưng cái đau của anh là nỗi đau rắn rỏi, uất nghẹn và thậm chí có những tác phẩm khi đọc đến kết, độc giả vẫn cảm thấy ẩn ức như phù sa lắng sâu vào thân phận, không một biện giải. Riêng với Nguyễn Thị Việt Hà là nỗi buồn rất đỗi đàn bà. Cái buồn mang màu chiêm nghiệm của phận số sau những dâu bể cuộc người trên miên man sóng nước. Có lần tôi đã từng nói cùng chị, cái buồn của chị thể như trời cho giọng điệu đó, phải như thế mới là Nguyễn Thị Việt Hà khiến người ta rấm rứt mãi không thôi.

Huỳnh Thùy Kiều có lẽ là giọng thơ hiếm hoi của Cà Mau mang màu sắc tươi tắn. Thơ chị khởi phát từ nỗi lòng của đứa con tận cùng châu thổ này, nhưng lại mở ra những niềm chung của linh đinh sóng nước. Người, cảnh, câu chuyện luôn nồng đượm xứ sở. Quyện vào đó chính là những tính từ rất đặc biệt để từ đó tạo một màu sắc cá tính cho chị. Thơ Huỳnh Thúy Kiều có cái hay là đằng sau nỗi buồn luôn sáng tươi một niềm hy vọng vào cuộc đời. Tựa thể chị luôn mang đến cho người đọc một niềm tin qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thới lai.

Cũng là cây bút thơ nữ thuộc thế hệ 7X, Vũ Thiên Kiều của Kiên Giang lại cho thấy một giọng thơ trữ tình rất mượt mà. Thơ chị dung hòa giữa sự đẫm đà của người đàn bà và niềm thao thiết của một người yêu mảnh đất Cửu Long đầy hào sảng nghĩa nhân này. Hay như nhà thơ Nguyễn Thanh Hải của Tiền Giang, thơ anh bằng một sự thuần mộc nhất, nhưng đong đầy cảm xúc đã xác tín một thanh âm da diết khác biệt trong văn giới Cửu Long. Khoảng độ 3 năm trở lại đây, Nguyễn Thanh Hải liên tục có những giải thưởng quan trọng, có những bài thơ đi vào lòng công chúng.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà ở Cà Mau.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà ở Cà Mau.

Một thế hệ thơ nữa của vùng đất này sớm gây chú ý văn đàn là cây bút Nguyễn Đức Phú Thọ sinh năm 1989. Thơ của cây bút An Giang này kỳ thực sớm nảy nở những điều mới lạ, bằng ngôn ngữ chân phương, nhưng ý tứ thanh thoát, ẩn nghĩa của thơ phải nhìn bằng góc nhìn tĩnh tại để từ đó mới thấu hiểu những mênh mang mà anh đã gieo vào thơ.

Cũng cùng là những cây bút thế hệ 8X, Trần Đức Tín những năm gần đây vụt sáng lên như một sự vượt thoát của thi ca vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ Cà Mau, chàng trai trẻ này lên TP.HCM lập nghiệp, cũng từ đó, thơ Tín mới tạo dấu ấn hơn lúc còn ở quê. Tuy vậy, dễ dàng thấy căn cước xứ nước hiện hữu trong thơ Tín như một tiếng nói của thế hệ trẻ gióng vào thời đại những thanh âm rốt ráo của lịch sử, văn hóa và những va đập xã hội nơi chính nhánh sông này.

Lứa viết thơ 8X của đồng bằng sông Cửu Long còn có cây bút Trương Trọng Nghĩa của Tiền Giang. Thơ của Nghĩa luôn chất phác, thiệt thà với cảm xúc, đôi khi giản đơn câu chữ mà thấm thía một tấc dạ của những ai trót mang trong mình gốc tích Cửu Long. Bẵng đi thời gian, Nghĩa ít làm thơ, nhưng văn đàn vẫn luôn nhắc nhớ cây bút hiền lành này.

An Giang vẫn là vùng đất văn học mạnh, với sự ấn tượng của văn đàn dành cho cây bút Võ Diệu Thanh. Có thể nói với những ám ảnh từ cuộc chiến biên giới Tây Nam, nữ nhà văn đã khiến độc giả không thể nào quên cái tên mình. Ngoài ra, cô giáo mỹ thuật này cũng thành danh với các tác phẩm thiếu nhi ghi đậm những bản sắc văn hóa Nam Bộ. Từ tình yêu của Võ Diệu Thanh, văn chương An Giang nảy nở ra những thảo thơm nhờ công vun xới của chị.

Một cây bút gây chú ý trên văn đàn Việt những năm gần đây là Lê Quang Trạng. Cây bút 9X này là người kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam khá sớm, năm 2021, khi mới 25 tuổi. Với bút lực dồi dào, cùng một nền bản sắc văn hóa tốt, Lê Quang Trạng đã đưa miền đồng bằng sông Cửu Long trù phú sự thiện lương này đến gần với độc giả thông qua rất nhiều tác phẩm. Năm 2023, với tác phẩm “Cá linh đi học”, Lê Quang Trạng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - một sự thành công khi tuổi đời của cây bút này còn rất trẻ.

Nhà văn Lê Quang Trạng ở An Giang.

Nhà văn Lê Quang Trạng ở An Giang.

Một thế hệ GenZ bắt đầu nảy nở tạo nên làn gió mới cho văn chương Cửu Long. Có thể nói, lứa trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đang phát triển, tiếp cận nhiều tiện ích lẫn tri thức mới nên con đường xác lập tên mình trên văn đàn cũng đã khác xa. Võ Đăng Khoa thuộc lứa viết này. Mới 18 tuổi, Khoa - cây bút xuất xứ An Giang đã đoạt giải thưởng từ cuộc thi viết do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP. HCM tổ chức. Nhưng để tạo dấu ấn thì phải đến khi truyện ngắn “Lạc đà bay” đoạt giải Nhất của Cuộc thi Truyện ngắn trẻ do Diễn đàn văn chương Quán Chiêu Văn tổ chức, cái tên Võ Đăng Khoa mới bắt đầu lan ra trên bình diện rộng cả nước. Từ đó, cây bút này âm thầm viết, sau những ngày nhọc nhằn với công việc trong ngành công an. 

Tuy vậy, không phải vùng đất nào của miền châu thổ chín nhánh sông này cũng có nhiều cây bút thuộc thế hệ GenZ trụ vững với văn chương giữa thời đại số này. Bởi cuộc mưu sinh cũng khiến niềm đam mê viết lách được tính toán cho những bước đi vững vàng, cân bằng giữa sống và viết. Ngay tại mảnh đất thủ phủ Cần Thơ, cây bút Phát Dương vẫn phải lấy nghề vẽ minh họa làm “cần câu cơm” sau nghề viết. Dù đoạt nhiều giải thưởng văn chương, có truyện đăng nhiều báo và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi mới 29 tuổi, nhưng cây bút sinh năm 1995 này vẫn luôn trăn trở với hành trình viết của mình. Thuận tay cả văn xuôi và thơ, nhưng Phát Dương gần như là cây bút hiếm hoi của vùng đất này được độc giả cả nước biết đến.

Nếu làm một lượt điểm danh sơ qua các gương mặt trẻ thuộc thế hệ GenZ của vùng đất này, dễ thấy trải dài 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không có quá nhiều người bền bỉ đam mê. Sóc Trăng hiện tại còn mỗi cây bút Hồ Thị Linh Xuân với tặng thưởng truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2022; Trà Vinh có Bùi Bá Đông khi cố gắng vật lộn giữa nhọc nhằn mưu sinh và văn chương để cho ra mắt 2 tập thơ cá nhân; Kiên Giang có Nguyễn Chí Ngoan với giải thưởng Dế mèn 2020; Bạc Liêu có Nguyễn Kim Nghỉ với giải thưởng truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long năm 2023; Bến Tre có cây bút Trương Tuấn với giải thưởng từ cuộc thi Sống đẹp của báo Thanh niên… Riêng một số tỉnh loay hoay vẫn chưa tìm ra được gương mặt GenZ đắm đuối với văn chương như Tiền Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp…

Nửa thế kỉ, văn chương trên mảnh phù sa màu mỡ này vẫn đang trở mình như đất nước đang mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên mới. Sau lứa viết sinh trong những năm tháng vừa hòa bình, thì vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần một cuộc thay đổi mới từ lớp trẻ khi nước nhà đang trên đà phát triển. Một lứa viết biết tận dụng chất liệu của thời thế này, một quãng sống trong thời đại số, trong thế giới phẳng, sẽ là chất xúc tác để hy vọng văn chương Cửu Long tạo nên một dòng chảy thật mạnh, thật xiết, thật cuộn trào như bao lớp sóng văn chương của các bậc tiền bối đi trước.

Xem thêm
Real Madrid lỡ hẹn ngôi vô địch Cúp Nhà vua

Real Madrid lỡ hẹn ngôi vô địch Cúp Nhà vua mùa bóng 20214/2025 sau trận thua 2-3 trước Barcelona tại trận chung kết vào rạng sáng 27/4.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Khai mạc du lịch biển đảo 'Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời'

Tối 26/4, tại huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Du lịch biển đảo Cô Tô năm 2025 với chủ đề “Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời”.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.