Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Xuân Trường - Thứ Bảy, 08/03/2025 , 11:18 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tập trung sự quan sát vào những con người bị thôi thúc phải cất bước đi, luôn ngóng về phía chân trời. Họ văng mình vào những cuộc đi, bị giằng kéo bởi quê nhà và nơi xa, đi vì những mối ràng buộc hoặc để cởi bỏ những ràng buộc. Đó là những người trẻ ở các làng quê ngày càng thưa dần bóng dáng thanh niên, đó là những đứa con xa rời mái nhà thơ ấu, vì tự do, vì tương lai.

Chằng hạn, “những thanh niên trong xóm Cầu Nâu kéo nhau ngược miền Đông từ vài năm trước. Hồi đầu thì lác đác, nghe tin đứa nhỏ nào bêm xóm đó quảy túi bỏ đi, ông già không mảy may nghĩ chuyện đó liên quan tới mình. Nhưng bữa cúng đình, thấy thanh niên thưa thớt, mấy ông già ngồi kiểm đếm coi con cháu nhà nào đang đi - ở, ra một con số không nhỏ. Nếu như con số có mùi vị, thì nó hẳn mang mùi mất mát”

Với niềm chia sẻ “luôn tồn tại những tiếng gọi đâu đó, và người ta buông bỏ mọi thứ để đi theo”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận định: Ở chiều ngược lại, đó là những người đã rời đi, bị cái mùi rau ở quê hương níu về, hoặc đã biến đất lạ thành nhà. Hay xót xa hơn, có khi chỉ được về với hình hài cát bụi. Cảm xúc đồng cảm ấy, được tác giả miêu tả: “Khi đi vô chợ, giữa mùi rau sực nức, chừng như chúng được cắt khi đang ngậm sương và đến đây chưa hoàn toàn khô nhựa. Húng lủi, húng cây mùi mạnh nên ập vào thằng nhỏ trước tiên, nhưng chúng cũng không lấn át hết mùi của những thứ hành lá, rau ngổ, cần nước, cải tùa xại. Ngay đầu chợ là những cần xé rau cải thải loại giập úng chờ xe rác mang đi, tất cả chúng phảng phất mùi mưa tháng Sáu ở vườn sau nhà. Chữ “nhà” không bao gồm phòng trọ chật cứng mà thằng nhỏ mướn từ năm trước. Nhà là ở phía quê. Tự dưng nó muốn về”

Qua trang văn Nguyễn Ngọc Tư, đi và về đã là điều tất yếu vì cuộc sống không ngừng xô đẩy và vì con người không thể thôi ngóng về nơi xa, mong tìm được một mảnh trời thuộc về mình hoặc một nơi nương náu. Có lẽ đó là bản chất của con người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng vẫn cất bước vì biết đâu còn vệt sáng đâu đó phía chân trời.

Nhịp hiện đại, giá trị vật chất lên ngôi, con người cứ phải bôn ba, chạy theo những nhu cầu hưởng thụ. Xã hội nhộn nhạo với quá nhiều thay đổi và biến động, khiến lòng người cũng chập chùng. Vì bươn chải và kiệt quệ trong bươn chải, những chuẩn mực sống bị lung lay, những giá trị từng quan trọng cũng lơi lỏng. Điều ấy khiến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đau đáu và khắc khoải về cái mất còn của những giá trị thiết thân, cái ấm lạnh của mối quan hệ con người “trong gương kia, kẻ đơm nụ cười lên môi không dứt, ánh mắt ngọt ngào giả tạo, tuôn lên rượu thịt những lời thớ lợ êm tai, chị luôn tự hỏi phải mình không. Là mình đó sao, hay chỉ là một hình nhân nào đó được sao y? Và một khi đã thuần thục, thì đâu là bản chính?”

Họ trở nên xa lạ với chính mình, xa lạ với người thân khi bị cuốn theo dòng người xô đẩy, kèn cựa nhau trên đường đời: “Mợ nói đọc những bình luận của cậu trên đó mà rởn gáy, không biết cái người chung giường với mình đến ngáy còn hắt hiu mà độc lực ở đâu ra khiến câu nào chữ nào cũng nghiệt. Như tỉnh cơn mê thấy người nằm cạnh mình là người lạ. Như nhận ra con người nhiều bóng tối cỡ nào, làm gì có tận cùng đâu.”

Mối quan hệ giữa con người trở nên lạnh dần, trơ dần, khi lợi ích chen vào giữa họ, khi chắn giữa họ là những màn hình điện tử vô tri. Người trong gia đình lao vào nhau. Những người lạ ngày ngày “mở phiên kết án” qua màn hình, “nhào vô cào cấu” nhau bằng bàn phím: “Mắt điện tử vô tri hiển nhiên rồi, mắt thịt cũng thản nhiên không kém. Vượt qua những lằn ranh đỏ, đôi khi chỉ vài ba chữ. Đầu ngón tay, thoắt cái đã trở thành dao”.

"Tiếng gọi chân trời" với những suy tư của một phụ nữ cầm bút.

Trong “Tiếng gọi chân trời”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt lưu tâm đến thân phận người phụ nữ. Đó là những người đã từ bỏ “đôi cánh”, vùng vẫy trong mái nhà và cơ thể của mình. Họ bị ràng buộc bởi bổn phận và trách nhiệm làm vợ làm mẹ, chính những điều đó định nghĩa và đóng khung con người họ, khiến họ dường như không còn là ai cả bên ngoài bổn phận và trách nhiệm.

Người phụ nữ làm mẫu ảnh đã quen nghe các nhiếp ảnh gia nói rằng chị đẹp bởi mồ hôi, nên “cứ sợ không mồ hôi thì không ai nhận ra mình”. Người mẹ đã luôn mang dáng vẻ làm mẹ, làm bà, nên không ai biết chị ra sao nếu là “dáng vẻ của một người thanh thỏa riêng mình”, không vì ai khác. Ở miền sông nước, người ta gọi hành kinh là “mắc kẹt”, một từ như nói lên phần số của người phụ nữ, một lời nguyền.

Câu chuyện người phụ nữ không còn mới, góc nhìn của Nguyễn Ngọc Tư cũng không còn xa lạ, nhưng những dòng chữ của chị vẫn khiến lòng người run lên: “Nhiều lần lặng lẽ nhìn má, hoặc thiêm thiếp trên giường bệnh, hoặc cà nhắc bước xuống thềm, hoặc ngồi bên võng canh giấc cho thằng nhỏ cháu cố, chị bỗng nghĩ, đáng vẻ không làm mẹ làm bà của má, không biết trông ra sao. Dáng vẻ của một người thanh thỏa riêng mình, chỉ mình, tập trung vào mình, mà không mang vác trách nhiệm nào, vai trò nào, vì ai khác”.

Là nhà văn gắn liền với miền Tây sông nước, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không thôi hướng về miền Tây. Trong “Tiếng gọi chân trời”, câu chữ của Nguyễn Ngọc Tư viết về miền Tây nặng trĩu âu lo, vì những vấn đề cấp bách mà ăn sâu, khó lòng giải quyết. Đó là vấn đề của môi trường và khí hậu, khi hạn mặn, thiếu nước ngày càng đe dọa con người nghiêm trọng hơn. Đó là vấn đề của những vùng quê ngày càng thiếu người trẻ, nhiều những người già nhìn lũ trẻ trôi dạt về phương xa. Đó là cơn mê đất đai của những người dân quê, mê đến ám ảnh, đến phải giành giật.

Giữa trùng trùng chật vật và gian khó, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn không từ bỏ. Đâu đó, người ta vẫn thương nhau, vẫn chia sẻ cho nhau. Đâu đó, vẫn còn hy vọng: “Bởi đâu phải cá mương nào cũng bằng nhau, lúa nào cũng tốt gạo, bộ cột nào kích cỡ y chang nhau nhưng lòng người ta thì đều chằn chặn nghĩa tình. Chung xóm không giúp nhau lúc thắt ngặt, thì đợi lúc nào”.

Xuân Trường
Tin khác
Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.