Quân dân ý chí quật cường
- Anh có sống được đến ngày mai không?
- Tôi không chắc.
Cuộc đối thoại diễn ra vào lúc 6 giờ tối của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Quang - Thiều Huynh (SN 1951) - với người đồng đội tuy ngắn gọn nhưng đã cho thấy được mức độ ác liệt của chiến tranh tại mảnh đất Điện Quang trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bia tưởng niệm cuộc thảm sát Phi Phú ở xã Điện Quang tưởng nhớ những người dân đã ngã xuống trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: L.K.
Xã Điện Quang nằm ở vùng Gò Nổi - chiếc nôi của cách mạng Khu V, là mục tiêu tận diệt của giặc Mỹ, được nhiều người biết đến qua 6 chữ “nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Sinh ra, lớn lên rồi tham gia chiến đấu, ông Thiều Huynh nhớ rõ như in từng thời kỳ đã trải qua, những mất mát, hy sinh cũng như quá trình vực dậy từ đống hoang tàn ở mảnh đất này.
“Nơi đây được giặc xem là địa điểm chiến lược, làm bàn đạp để tấn công TP Đà Nẵng nên đã xảy ra những trận chiến rất ác liệt. Suốt từ những năm 1966 đến ngày giải phóng, địch mở nhiều cuộc ném bom càn quét, rải chất độc màu da cam rồi thảm sát đồng bào. Biết bao nhiêu con người đã ngã xuống nhưng vẫn không hề làm nhụt chí người dân cũng như chiến sĩ cách mạng”, ông Huynh nhớ lại.
Kè thù muốn biến nơi đây thành “vùng trắng” nhưng mọi âm mưu, kế hoạch đều không thành, người dân Điện Quang vẫn quyết bám đất, giữ làng, chở che, nuôi nấng cán bộ, phát triển phong trào với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”. Trải qua những gian khó, đau thương, tình thần bất khuất, ý chí kiên cường của quân và dân lại được tôi luyện, thêm vững vàng, sắt đá.

Ông Thiều Huynh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Quang, kể về quá khứ hào hùng cùng sự phát triển theo từng thời kỳ của vùng đất quê hương. Ảnh: L.K.
Trong những năm tháng chiến tranh, cùng với 2 xã Gò Nổi khác, Điện Quang là "vùng trắng", đất đai canh tác bị hoang hóa, loang lổ hố bom. Có những thời điểm, cả xã không còn một nóc nhà, một bóng cây. Vậy mà cây cỏ ở đây cũng kiên cường như chính con người vậy, sau một thời gian ngắn vẫn “rẽ” đất, mọc lên xanh tốt, um tùm.
Mỗi lần, kể về lịch sử, quá khứ anh hùng của vùng đất Điện Quang, trong đôi mắt của người cựu chiến bình đã bước qua tuổi thất thập lại sáng bừng lên một niềm tự hào. May mắn bước qua khói lửa chiến tranh, vui mừng chứng kiến quê hương ngày một thay da đổi thịt nhưng trong cuộc trò chuyện, phút chốc, ông lại nghẹn lòng xúc động khi nghĩ về những đồng đội đã cùng nhau chiến đấu rồi mãi mãi nằm lại nơi đây.
“Thời điểm đó, toàn xã chỉ có 5.000 khẩu nhưng tại nghĩa trang xã hiện có đến gần 600 ngôi mộ liệt sĩ là con em địa phương. Điều đó cho thấy mức độ tàn khốc, đau thương, mất mát mà nơi đây phải gánh chịu lớn đến nhường nào. Nhưng, về ý chí không khuất phục thì dân Điện Quang luôn có sẵn, ngay cả trong thời chiến lẫn trong thời bình. Nhờ đó, từ vùng đất chết, vượt lên mọi khó khăn, người dân đã đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng, to đẹp”, ông Huynh tâm sự.
Đoàn kết, đồng lòng tạo nên sức mạnh
30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cán bộ, nhân dân Điện Quang bước vào sự nghiệp xây dựng quê hương từ hai bàn tay trắng và những ngổn ngang, đổ nát. Một bộ phận lớn nhân dân từ các khu vực nông thôn, thành thị về lại quê hương khi cái đói bủa vây, cái mặc thiếu thốn, cái ở đơn sơ tạm bợ.

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, xã Điện Quang nay đã khoác lên mình một chiếc áo mới khang trang, giàu đẹp. Ảnh: L.K.
Đảng bộ xã đã vận động nhân dân tập trung khai hoang, tháo gỡ hàng triệu quả bom mìn, san lấp nửa triệu hố bom. Trong cuộc chiến này, trên 100 đồng bào, đồng chí đã ngã xuống hoặc bị thương.
Thời điểm đó, trên cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, cùng với công cuộc khai hoang, ông Thiều Huynh đã có một tầm nhìn và đưa ra quyết định mà đến nay trở thành một dấu ấn lớn: Quy hoạch đường sá, nhà ở theo ô bàn cờ, ai cũng có đất, đất đều như nhau. Rồi cứ thế, từng ngôi nhà mọc lên đều tăm tắp.
“Rồi qua từng giai đoạn, người dân đồng thuận hiến thêm đất, mở rộng đường, giao thông ngày càng thông thoáng, chắc chỉ có riêng ở Điện Quang nhà nào cũng đều nằm ở mặt tiền như vậy. Ổn định cuộc sống, nơi ở, bà con bắt tay vào hoạt động phát triển kinh tế, đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Diện tích đất sản xuất được mở ra, màu xanh trên từng cánh đồng ngày càng được trải rộng, đời sống nhân dân từng bước được ổn định”, ông Huynh nói.

Hệ thống đường sá, giao thông cùng cảnh quan nông thôn được đầu tư bài bản. Ảnh: L.K.
Trở lại Điện Quang trong những ngày tháng 4 lịch sử, 50 năm là khoảng thời gian không dài trong sự biến thiên của một vùng đất, nhưng cũng đủ để biến những khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và các tầng lớp nhân dân nơi đây thành quả ngọt.
Miền đất anh dũng, kiên cường với vô vàn những vết thương chiến tranh bây giờ đã khoác lên một tấm áo mới. Những ngôi nhà khang trang lần lượt mọc lên, các mô hình kinh tế nông nghiệp hình thành và phát triễn mạnh mẽ. Những cánh đồng vàng ươm màu lúa chín thể hiện cho sự no ấm, đủ đầy.
Nhắc về quá trình phát triển của địa phương, ông Hà Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Điện Quang, tự hào cho biết, kể cả trong thời chiến lẫn thời bình, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân trong xã vẫn luôn thể hiện rõ nét. Nhờ đó, Điện Quang luôn là lá cờ đầu của tỉnh Quảng Nam trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Điện Quang đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, được nhiều địa phương đến tham quan, học hỏi.
Theo ông Minh, kinh tế của xã Điện Quang chủ yếu tập trung vào phát triển nông nghiệp nhờ lợi thế nằm sát bên con sông Thu Bồn, hằng năm luôn được phù sa bồi đắp... Cùng với đó, những năm qua, hạ tầng phát triển nông nghiệp, giao thông nội đồng cũng được chính quyền xã, huyện quan tâm đầu tư. Nhờ đó, đất sản xuất của người dân được canh tác quanh năm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình, mỗi ha đất, hàng năm người dân thu nhập từ 120-130 triệu đồng, có nơi lên đến 150 triệu đồng.

Kinh tế nông nghiệp ở Điện Quang phát triển mạnh, thu nhập người dân tăng cao, cuộc sống ngày càng no ấm. Ảnh: L.K.
Trồng trọt cũng là cơ sở để Điện Quang phát triển mạnh chăn nuôi. Những phụ phẩm nông nghiệp đã được người dân trong xã tận dụng để đầu tư nuôi bò thương phẩm theo hướng bán công nghiệp. Hiện nay, tổng đàn bò trong xã hằng năm đều trên 4.500 con. Kinh tế mang lại từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng lên đến 50% trong ngành nông nghiệp của xã. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, giàu có.
“Một vùng quê Gò Nổi, xuất phát nghèo khó, đến nay đời sống kinh tế, xã hội của người dân được phát triển mạnh mẽ và khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 67,25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống 0,21%, cơ sở vật chất, nhà cửa của nhân dân được đầu tư kiên cố, đến nay không còn nhà tạm, từ chỗ chỉ ước mơ ăn no, mặc ấm. Đó chính là khát vọng làm giàu chính đáng của nhân dân Điện Quang đã thành hiện thực”, ông Minh chia sẻ.
Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện thực tiếp tục làm đẹp cho đời. Từ trong gian khó, Điện Quang đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những người dân chân chất, bình dị nhưng mang trong mình ý chí quật cường, đã, đang và sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện xây dựng quê hương ngày càng giàu, mạnh.