| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng vùng biên: [Bài 3] Điểm nóng ma túy về đích nông thôn mới

Thứ Hai 05/05/2025 , 10:32 (GMT+7)

Chiềng Căm, Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), từng có thời kỳ chìm trong khói trắng ma túy, nghèo đói và lạc hậu nay đã về đích nông thôn mới.

Tôi đã đi giữa một giấc mơ vùng biên – nơi người lính biên phòng gieo mùa xanh lên đất cằn xưa cũ từng chìm trong đói nghèo lạc hậu, không điện đường, trường trạm chỉ có những ngôi nhà xiêu vẹo, cây thuốc phiện và ma túy từng ngày bào mòn bản làng Chiềng Căm trong đớn đau lẫn nước mắt.

“Nghĩ về đồng bào mà nước mắt cứ rơi”

Tôi đến Chiềng Căm vào một chiều muộn cuối xuân, khi mặt trời khuất sau rặng núi vùng đất phên dậu Tổ quốc, cũng là lúc bản làng bừng sáng trong ánh đèn năng lượng mặt trời – thứ ánh sáng tưởng chừng đơn giản nhưng chưa từng có ở nơi từng là “vùng tối” của xã Hiền Kiệt.

Tôi nhìn thấy cả một hành trình lặng lẽ mà kiên cường – để làm nên “điều thần kỳ” chỉ trong 4 tháng thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”. Ngồi sau xe, Thiếu tá Vũ Văn Liêm – một người lính biên phòng có ánh mắt hiền như suối Khiết của bản, đưa tôi lên Chiềng Căm trên con đường giờ đã được đổ bê tông, nơi mà xe máy không còn nhảy chồm chồm qua bùn đất đá như những năm trước đây.

Nhiều năm 'loay hoay' xây dựng, chỉ sau 4 tháng thực hiện mô hình điểm Bản sáng vùng biên, Chiềng Căm đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Thanh Tâm

Nhiều năm "loay hoay" xây dựng, chỉ sau 4 tháng thực hiện mô hình điểm Bản sáng vùng biên, Chiềng Căm đã về đích nông thôn mới. Ảnh: Thanh Tâm

Thiếu tá Liêm kể rằng: “Bản này từng là điểm nóng của ma túy, nhiều năm nằm trong danh sách ‘trọng điểm khó khăn’. Mỗi lần những người lính chúng tôi lên bản chứng kiến cảnh người dân sống trong đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc, trong lòng đau lắm.

Có đêm không ngủ được, hình ảnh đồng bào nghèo khổ cứ ám ảnh mình mãi, là những khuôn mặt trẻ thơ lấm lem, cơ cực rồi nước mắt cứ không ngừng rơi, bởi các cháu nhỏ cũng giống như con mình nhưng khổ quá”, Thiếu tá Liêm chia sẻ.

Làn gió mới ở vùng biên từ lưng chừng núi lùa qua tai, tôi không dám hình dung nơi từng gắn với cây thuốc phiện, với những ánh mắt lấm lét và những cuộc đời hụt hẫng… hôm nay đã “thay áo mới”.

Khi đang suy nghĩ về vùng đất nghèo Chiềng Căm cách đây gần chục năm trước, thì Thiếu tá Liêm ngắt ngang nói: “Chúng tôi chọn làm mô hình điểm, bởi Chiềng Căm là “trọng điểm khó khăn”, nhưng nếu đổi thay được từ nghèo khó đến về đích nông thôn mới, thì những bản khác ở vùng biên này cũng sẽ làm được”.

Bí thư bản và nỗi niềm với “vàng xanh”

Chúng tôi tới bản, những ánh đèn năng lượng mặt trời bật sáng khắp lối nhỏ, ông Vi Văn Thị (75 tuổi), người từng là trưởng công an xã đón chúng tôi bằng ánh mắt sáng rỡ và khoe giờ cán bộ đỡ vất vả hơn, đồng bào có của ăn của để thay vì nghèo đói trong ma túy và thuốc phiện.

Ông Thị chỉ về phía rừng luồng sau lưng ngôi nhà sàn khang trang nói: “Những thập kỷ trước dân trồng thuốc phiện rồi được cán bộ vận động, dân quyết tâm xóa bỏ, lúc đầu không nghĩ đồng bào mình làm được. Sau đó, chính quyền địa phương, các chiến sĩ biên phòng chỉ cho cách trồng cây sắn, nhưng mà cũng không đủ ăn, nhưng giờ thì khác vì trồng được cây luồng và cây luồng đã nuôi sống dân bản.

Trong ánh đèn đêm, ông Thị kể về những ngày còn làm trưởng công an xã Hiền Kiệt, đi theo những người lính biên phòng, công an truy bắt tội phạm ma túy giữa rừng. Ông Thị đã vượt qua cửa tử nhiều lần, để chiến đấu với tội phạm ma túy. Ở rừng, ăn sương nằm gió là cảnh quá quen thuộc với ông Thị trong những lần truy quét tội phạm. Ông luôn nghĩ, có đẩy lùi được tệ nạn ma túy, bản làng mới bình yên, dân mới bớt khổ.

Khi về hưu, ông Thị tiếp tục làm Trưởng bản, Bí thư 2 nhiệm kỳ, trở thành người có uy tín ở địa phương. Với vai trò là người đứng đầu bản, ông Thị luôn canh cánh sinh kế lâu dài cho người dân thay vì chờ đợi.

Khi chính quyền định hướng trồng luồng, dù bụng nghĩ không biết vụ tới vợ con sẽ ăn bằng gì khi không còn sắn, ngô nhưng ông vẫn liều quyết tâm làm với suy nghĩ: “Mình không làm bà con chắc chắn sẽ không trồng luồng”.

Người dân từ chỗ trồng luồng manh mún, nhỏ lẻ thì giờ đây bản làng Chiềng Căm đã thay đổi hẳn, khi dân biết trồng luồng, cấy lúa nương, chăn nuôi…

Thiếu tá Liêm và bố Thị đã có gần 20 năm gắn bó với Chiềng Căm, chứng kiến Chiềng Căm đổi thay từng ngày. Ảnh: Thanh Tâm

Thiếu tá Liêm và bố Thị đã có gần 20 năm gắn bó với Chiềng Căm, chứng kiến Chiềng Căm đổi thay từng ngày. Ảnh: Thanh Tâm

Tôi hỏi ông: “Ông học ai mà giỏi quản lý rừng luồng, lại còn hướng dẫn cho người dân làm kinh tế vậy?”. Ông Thị cười, gõ gõ vào ngực áo kaki đã bạc màu của anh Liêm. “Học mấy chú biên phòng. Các chú nói ít làm nhiều. Giờ cả bản ai cũng yêu các chú bộ đội”, ông Thị chia sẻ.

Nhắc lại ký ức Chiềng Căm, ông Thị nói trong tiếc nuối nếu như dân mình dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi sớm: “Nghĩ lại cái thời cơm độn sắn, củ mài, măng rừng vẫn không đủ lấp đầy chiếc bụng đói mỗi đêm, nếu như biết thay đổi sớm cuộc sống người dân còn khấm khá hơn nữa”.

Theo Thiếu tá Liêm, khi có chủ trương xây dựng “Bản sáng vùng biên”, đồn đã huy động sức dân sau 2 ngày đã hoàn thành đổ bê tông sân nhà văn hóa, để kịp tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” vào dịp Tết Nguyên Đán vừa qua.

Ông Thị và Thiếu tá Liêm đã nắm tay nhau để chứng kiến Chiềng Căm đổi thay từng ngày. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Thị và Thiếu tá Liêm đã nắm tay nhau để chứng kiến Chiềng Căm đổi thay từng ngày. Ảnh: Thanh Tâm

Từ “bản tối” thành “Bản sáng vùng biên”

Đang ngồi kể chuyện, ông Vi Văn Thuyên người đàn ông trong bản đến nhà ông Thị chơi và mượn máy bơm nước về tưới rau. Ông Thuyên nắm tay chào Thiếu tá Liêm, nhấp chén trà tán ma thơm nồng kể rằng: “Nhiều năm gia đình tôi đói nghèo đeo bám, cảnh giật gấu vá vai mỗi mùa giáp hạt rồi lại nghĩ trồng con gì, nuôi con gì tiền đâu mua giống khiến vợ chồng tôi mất ngủ nhiều đêm”.

Nhưng kể từ khi được chính quyền địa phương và bộ đội hướng dẫn trồng luồng, đến nay gia đình đã có 10 ha, qua đó cũng bớt đói hơn nhiều thay vì cái bụng cồn cào mỗi đêm.

Đồn biên phòng Hiền Kiệt trao tặng lợn giống cho 02 hộ gia đình ở Chiềng Căm. Ảnh: Thanh Tâm

Đồn biên phòng Hiền Kiệt trao tặng lợn giống cho 02 hộ gia đình ở Chiềng Căm. Ảnh: Thanh Tâm

Tiếp đến tháng 9-2024 gia đình được hỗ trợ 2 con lợn, 20 con vịt giống theo chương trình “Bản sáng vùng biên” mà theo ông Thuyên những con giống được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt hỗ trợ chính là nối dài cánh tay, giúp gia đình ông vươn lên thoát nghèo.

Không dừng lại, thời điểm cán bộ biên phòng đi vận động bà con trồng rau xanh, nhưng khi đó nhiều hộ ý kiến: “Trồng làm gì cho tốn công cán bộ, muốn có ăn rau chứ gì, lên đồi chặt cây luồng bán lấy tiền, xuống chợ mua thế là có rau ăn thôi”.

Gia đình ông Vi Văn Thuyên (ngoài cùng bên trái)  có vườn rau cạnh nhà sau nhiều năm để đất hoang. Ảnh: Thanh Tâm

Gia đình ông Vi Văn Thuyên (ngoài cùng bên trái)  có vườn rau cạnh nhà sau nhiều năm để đất hoang. Ảnh: Thanh Tâm

“Cái cách mà bộ đội vận động dân lúc đó thật lạ, không lý thuyết suông, không áp đặt mà bộ đội gieo hạt bằng tay, nhưng cũng gieo niềm tin bằng chính hành động ấy. Từ 7 hộ đầu tiên làm thử và rau lên xanh tốt. Lúc đó, bà con mới bảo: “À thế là đất không khô cằn, cán bộ làm được, sao ta không làm” đến nay 118 hộ đều có vườn rau tại nhà. Những việc làm nhỏ, mang lại niềm tin cho đồng bào rồi đi đến thay đổi tư duy” ông Thuyên chia sẻ.

Còn ông Thị bảo, Chiềng Căm có 118 hộ, 100% đồng bào Thái, cuộc sống người dân gắn bó với nương rẫy, đói nghèo, ma túy cây thuốc phiện. Quá trình đổi thay của Chiềng Căm khi được Đồn Biên phòng Hiền Kiệt chọn là mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”.

Được bộ đội hướng dẫn, các hộ gia đình trong bản đã chủ động cải tạo đất, trồng rau phục vụ nhu cầu gia đình. Ảnh: Thanh Tâm

Được bộ đội hướng dẫn, các hộ gia đình trong bản đã chủ động cải tạo đất, trồng rau phục vụ nhu cầu gia đình. Ảnh: Thanh Tâm

Đó là minh chứng cho hiệu quả của việc thực mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” khi tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thì đó không chỉ là nghị quyết mà được chứng minh bằng thực tế, thực tiễn.

Chiềng Căm hôm nay đã 'thay áo mới'. Ảnh: Thanh Tâm

Chiềng Căm hôm nay đã "thay áo mới". Ảnh: Thanh Tâm

Từ chỗ còn đường đất lầy lội, nhà văn không tủ sách, không bàn ghế, không cổng chào, không điện chiếu sáng… thì 4 tháng thực hiện, nhiều cái không đã được xóa và Chiềng Căm đã về đích NTM tháng 12/2024 với 98 hộ thoát nghèo.

Thiếu tá Cao Đình Xuân – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hiền Kiệt chia sẻ: “Khi được chọn là mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt xác định được Chiềng Căm thiếu gì, cần gì và làm như thế nào. Vượt qua những rào cản, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt luôn tâm niệm “Đồn là nhà, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” trong cuộc vận động người dân. Và một khi họ tin, thì cái gì cũng có thể làm được. 

Tôi rời Chiềng Căm khi mặt trời còn chưa lên, bản làng như còn nằm trong giấc mơ, nhưng tôi biết giấc mơ thoát đói nghèo ấy đã thành sự thật khi được dệt bởi những Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và đôi bàn tay của những người lính, trái tim kiên cường của đồng bào nơi phên dậu Tổ quốc.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 1] Homestay giữa đồi chè hấp dẫn khách Tây

THÁI NGUYÊN Homestay Mây Sườn Đông nằm giữa những đồi chè xanh ngát, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là điểm đến yêu thích của những đoàn du khách nước ngoài.

Sản phẩm tinh dầu của Yên Bái được đề xuất đạt OCOP 5 sao

YÊN BÁI Ba sản phẩm tinh dầu của tỉnh Yên Bái đang được đề xuất xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.