Những năm qua, tại lòng hồ thủy điện Bình Điền (thuộc xã Bình Điền, TP Huế) xuất hiện hàng trăm con trâu thả rông, không chăn dắt, tự do di chuyển và phá hoại rừng trồng phòng hộ.
Nhiều diện tích rừng đã bị trâu giẫm nát, cây trồng không phát triển được, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân.

Trâu thả rông trong khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền, thường xuyên phá hoại rừng trồng phòng hộ. Ảnh: V.D.
Không chỉ phá hoại rừng, tình trạng thả rông trâu còn làm hư hỏng các con đường lâm sinh, hạ tầng xung quanh, tác động đến hệ sinh thái khu vực cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Một số hộ chăn nuôi cho hay, dù đã cố gắng kiểm soát nhưng bất lực với đàn trâu của mình. Trong khi đó, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền và cơ quan chức năng liên quan đề nghị có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Nhiều con trâu thả rông xung quanh lòng hồ thủy điện Bình Điền đã được bắt giữ. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm phải cần thời gian và công sức của người dân, lực lượng chức năng. Ảnh: V.D.
Liên quan đến sự việc, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương (Ban) xác nhận, tình trạng trâu thả rông là có và đã tồn tại suốt thời gian dài. Người dân thả rông trâu để đỡ công chăm sóc, chi phí thức ăn, làm chuồng trại…
Qua thống kê, riêng tại khu vực lâm phần của Ban ở lòng hồ thủy điện Bình Điền hiện có 26 hộ dân nuôi hơn 400 con trâu thả rông, khiến hàng chục hecta rừng trồng phòng hộ đã bị tàn phá.

Lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với người dân địa phương làm chuồng để bắt giữ trâu. Ảnh: V.D.
Ông Ngô Nam Thắng - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương cho biết, việc thả rông trâu mang nhiều hệ lụy, ngoài phá hoại rừng thì còn nguy cơ tấn công con người, xuất hiện dịch bệnh… Với việc không muốn tình trạng kể trên kéo dài lâu hơn nữa, vừa qua, Ban đã phối hợp UBND xã Bình Điền, Công an xã, Hạt Kiểm lâm khu vực Bắc Sông Hương tổ chức họp trực tiếp với các hộ dân có chăn thả trâu; tuyên truyền, vận động không chăn dắt trong khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền.
Các cuộc họp nhằm phổ biến, làm rõ cho người dân hiểu các quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi chăn thả gia súc làm hư hại rừng trồng, hoa màu; ngoài ra, bàn phương án và thống nhất với người dân về kế hoạch xử lý dứt điểm không để trâu tiếp tục phá hoại rừng.

Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức họp trực tiếp với các hộ dân có trâu thả rông; tuyên truyền, vận động không chăn dắt trong khu vực lòng hồ thủy điện Bình Điền. Ảnh: V.D.
“Sau khi họp, người dân đã hiểu rõ trách nhiệm của mình, nhiều hộ dân đăng ký và nhờ chúng tôi hỗ trợ để đưa trâu ra khỏi rừng càng sớm càng tốt. Hiện tại, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Bình Điền vừa hoàn thành chuồng trâu ở khu vưc chân đập, có sức chứa hơn 50 con, sẵn sàng để cùng người dân đưa trâu ra khỏi rừng. Công việc vây ráp, đẩy đuổi, bắt giữ toàn bộ các đàn trâu ở lòng hồ Bình Điền dự kiến thực hiện từ nay đến trước 30/9. Thông qua đây, chúng tôi cũng mong bà con tăng cường nhận thức trong việc chăn thả gia súc”, ông Thắng chia sẻ.

Lực lượng bảo vệ rừng phối hợp với người dân địa phương làm chuồng. Công việc vây ráp, đẩy đuổi, bắt giữ toàn bộ các đàn trâu ở lòng hồ Bình Điền dự kiến thực hiện từ nay đến trước 30/9. Ảnh: V.D.
Được biết, mới đây, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hồng Tiến (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương) đã sử dụng các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ ông Nguyễn Văn Cao và Nguyễn Văn Hát (xã Bình Tiến) khống chế được đàn trâu thả hoang 33 con của các hộ này. Đến nay, lực lượng chức năng và người dân đã bắt được 15 con, dự kiến đến ngày 20/7 sẽ bắt nhốt toàn bộ đàn trâu.
“Những năm qua, riêng đàn trâu của ông Cao, ông Hát thực sự là “hung thần” đối với việc sản xuất rừng, hoa màu của người dân trong vùng. Từ chỗ bất lực, nay sau khi khống chế được, hai hộ này dự tính sẽ bán đi khoảng 30 con, chỉ giữ lại vài con trâu mẹ để nuôi có chăn dắt”, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Hương thông tin thêm.