Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế) cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, Thành phố ghi nhận 33 ca dương tính với Streptococcus suis (liên cầu lợn), trong đó có 1 ca tử vong vào ngày 2/7. Riêng từ tháng 6 đến nay có 27 ca nhiễm, tăng 4,5 lần so với 5 tháng trước đó.

Lực lượng y tế TP Huế xử lý môi trường để phòng chống bệnh viêm cầu lợn. Ảnh: V.D.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, đơn vị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn lợn tại các địa phương có bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn. Qua kiểm tra, nhà của tất cả các bệnh nhân và các hộ lân cận không nuôi lợn, khu vực xung quanh nhà các bệnh nhân không có tình trạng lợn bệnh, chết. Kiểm tra tại khu vực có ca bệnh tử vong (đường Tôn Thất Tùng, phường Thuận Hóa, địa bàn phường Phường Đúc cũ) không có hộ nào chăn nuôi lợn.
Hiện TP Huế có 4 trại lợn quy mô lớn, 6 trại quy mô vừa, hơn 42 hộ dân và 2 hợp tác xã chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Tổng đàn lợn ở TP Huế ước đạt hơn 155.000 con.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra lâm sàng, kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ tập trung, kiên quyết xử lý các trường hợp lợn bệnh, nghi mắc bệnh, chết do vận chuyển.
Sở cũng yêu cầu UBND các xã, phường chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp với trạm chăn nuôi và thú y khu vực tổ chức rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn để tiến hành tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh. Triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn lợn để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường. Báo cáo nhanh, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/tổ dân phố đến cấp xã và Thành phố theo đúng quy định hiện hành.

Các bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: V.D.
“Sở cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với trạm y tế, nhân viên thú y các xã, phường tổ chức điều tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc dịch tễ liên quan đến các trường hợp nhiễm liên cầu lợn trên địa bàn các xã, phường phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật. Chấn chỉnh ngay và xử lý nghiêm việc giết mổ lợn bệnh, lợn chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định”, ông Lê Văn Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế nhấn mạnh.
Theo Sở Y tế TP Huế, người dân mắc liên cầu lợn không chỉ ở một khu vực mà xuất hiện ở diện rộng, ở rất nhiều phường như Thuận Hóa, Kim Long, Phú Xuân, Hương An, An Cựu, Thuận An, Thủy Xuân, Dương Nỗ… Hầu hết các trường hợp mắc liên cầu lợn đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhiều người đã ra viện, tuy nhiên nhiều ca không rõ ràng yếu tố dịch tễ.
Ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch trên động vật và trên người. Giám sát thường xuyên, kết hợp với giám sát tích cực ca bệnh liên cầu lợn để phát hiện kịp thời bệnh dịch ở đàn lợn và trên người, làm cơ sở cho việc chủ động phòng chống dịch tại địa phương.
Tại các địa phương có ca bệnh, cán bộ trạm y tế phường khẩn trương xử lý môi trường, phun tẩy uế bằng dung dịch Cloramin B 25% tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận. Song song đó tiến hành truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người dân cách nhận biết dấu hiệu bệnh, cách xử lý và phòng chống lây nhiễm.
Trước tình hình số người mắc liên cầu lợn trên địa bàn tăng cao bất thường, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế cho biết Thành phố đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vào cuộc, đặc biệt yêu cầu Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng như các địa phương tập trung khống chế chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ lây lan, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, không được chủ quan, lơ là…