Dù ông đã tạm khép lại nghiệp điện ảnh hơn 10 năm nay, nhưng khi gặp lại, những người bạn cũ vẫn dành cho ông tình cảm quý trọng như khi còn là đạo diễn những phim họ tham gia. Từ Trần Quang, Mộng Vân, Diễm Hương, Hương Giang… đến những người chụp hình cho đoàn phim, hay những diễn viên đảm nhận vai phụ.
Ngày 18/11 vừa qua, ông vừa tổ chức sinh nhật tròn 74 tuồi và công bố dự án làm phim Con ma nhà họ Hứa trở lại. Gặp lại Lê Hoàng Hoa, vào buổi sáng chủ nhật, ông vẫn vui vẻ, nhanh nhẹn như thuở còn là “ông vua” phim kinh dị cách đây nhiều năm.
- Chuẩn bị sang tuổi 75, trông ông vẫn trẻ trung quá. Ông có bí quyết gì vậy?
- Hình như tuổi tác không quyết định nhiều lắm đến cuộc sống và tình yêu của tôi.
- Nổi tiếng không chỉ bởi từng ghi dấu ấn riêng biệt trong nền điện ảnh VN trước và sau 1975 với hàng trăm phim truyện nhựa nổi tiếng, cái tên Lê Hoàng Hoa còn được nhắc đến như một người đàn ông đào hoa, có đến… ba vợ và rất nhiều mối tình. Người ta đồn rằng ông có 101 người tình. Vậy chính xác thì ông có bao nhiêu mối tình?
- Tình yêu không phải thành tích để khoe. Tôi chưa bao giờ thống kê xem có bao nhiêu người tình. Nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả những mối tình đều rất tuyệt vời. Tôi trân trọng tất cả những người phụ nữ đã đi qua đời tôi. Tình yêu thuộc về cảm xúc nên không tính “số lượng”. Nó nằm ở “chất lượng”!
- Và “bào chữa” cho sự tham lam của mình, ông giải thích mình có số “Hồng Loan diêu y”. Vì sao vậy?
- Không phải bào chữa, số tôi nó như vậy thật. Cuộc đời tôi đã chứng minh điều đó.
- Nhiều mối tình như thế, vị trí của vợ ông như thế nào trong cuộc sống và trái tim của ông?
- Tôi kính trọng những người phụ nữ, trong đó có vợ tôi, họ luôn săn sóc ân cần với tôi như một đứa trẻ. Từ nhỏ, tôi đã xa mẹ, luôn thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ. Có lẽ vì vậy, tôi luôn khao khát sự chăm sóc dịu dàng của người phụ nữ. Người ta nói tôi sống lãng tử, vì có nhiều mối tình. Chỉ có tôi mới biết rằng tôi luôn nhõng nhẽo với vợ như một đứa trẻ.
Vợ tôi, người đã đưa tay dìu tôi ra khỏi sự tuyệt vọng khi tôi thành tay trắng: Không sự nghiệp, không gia đình. Vị trí của cô ấy trong tôi là như thế.
- Xin lỗi đã gợi lại chuyện cũ, nhưng có thời gian ông làm phim như người “điên”. Biến cố nào khiến ông suy sụp đến thế?
- Đó là sau năm 1975, khi vợ và hai con trai tôi (ca sĩ Phương Hồng Loan và hai con Khôi, Nguyên) đã mất trên một con tàu vượt biển, đó là tin dữ nhất ập xuống đời tôi. Tôi trở thành tay trắng: Mất gia đình, sự nghiệp, mất phương hướng. Nằm trong trại giam, tôi nghĩ đến những tháng ngày làm phim, tưởng điện ảnh đã khép lại.
Sau đúng 9 tháng 10 ngày, tôi như được tái sinh. Được trả tự do với lời mời thực hiện bộ phim Ván bài lật ngửa. 5 năm, không kể ngày đêm, tôi hoàn thành 8 tập phim - được đánh giá là bộ phim cách mạng xuất sắc sau khi đất nước thống nhất nhưng cũng là thời gian tôi đau khổ, hụt hẫng nhất trong cuộc đời - Không gia đình. Và cũng trong thời gian đó, tôi gặp Trúc Quỳnh (người vợ hiện tại). Mặc dù ít hơn tôi 30 tuổi, nhưng cô ấy chính là người đã vực tôi khỏi bi cảnh cuộc đời mình. Không chỉ đánh dấu sự trở lại của Lê Hoàng Hoa mà còn nâng bước cho nhiều diễn viên: Thương Tín, Chánh Tín, Thanh Lan, Lê Cung Bắc… Sự thành công đó có bóng dáng và công lao của người phụ nữ phía sau tôi: Trúc Quỳnh.
- Đọc hồi ký "Những tháng ngày làm phim" của ông, về sự xuất hiện của những người đẹp, về những năm tháng làm phim. Nó có màu sắc điện ảnh, vậy độ trung thực đến mức nào?
- Tôi viết hồi ký nhưng không xuất bản mà chỉ tặng bạn bè thân thiết. Đúng như bạn nói, điện ảnh đã ăn sâu vào cuộc sống và ảnh hưởng đến cách nghĩ của tôi. Tất cả đều là thật, nhưng tên một số nhân vật đã được đổi. Vì nó quá thật nên tôi không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của họ. Tuy vậy, người trong cuộc đọc thì vẫn biết đó là mình. Chuyện “điện ảnh hóa” một chút thì đó cũng là con người của Lê Hoàng Hoa. Nó là sự nghiệp cả đời và duy nhất của tôi mà.
Cùng với hai đạo diễn Lê Dân và Lê Mộng Hoàng (được đào tạo tại Pháp), đạo diễn Lê Hoàng Hoa là một trong ba đạo diễn có nghề nhất điện ảnh VN những năm 1960-1990. Là người được đào tạo rất bài bản về điện ảnh nhưng với ông, phim chỉ cần 30% nghệ thuật, còn lại 70% là yếu tố thương mại. Trừ những tác phẩm điện ảnh phục vụ cách mạng hoặc làm phim lịch sử. Còn lại, phim của tư nhân là phải tính đến yếu tố thị trường, là phải có lời. Ông cho rằng, chỉ cần 30% “nghệ thuật” cũng đủ mỗi thước phim là một phần trong tác phẩm điện ảnh hòan chỉnh. Ông bảo, chỉ ước mong được làm một bộ phim dã sử về trận Bạch Đằng cho thỏa nỗi nhớ nghề mà mình còn trăn trở bao lâu nay. Nhớ nghề, ông tự thực hiện những thước phim ghi lại những cảnh sinh họat cho gia đình, bạn bè. Những thước phim khi thì quay ở Ba Lan, khi trở về Hà Nội, ông thường sử dụng hai gam màu chủ đạo đen và trắng ở cuối mỗi đọan phim. Ông bảo đó chính là hai màu của cuộc đời mình. |
- Tôi luôn rõ ràng trong hai chuyện: diễn viên và nhà báo, tức là “ăn ra ăn, cúng ra cúng” (ông cười tươi). Thứ nhất, tôi sợ những phụ nữ quá thông minh, thứ hai, tôi chỉ rung dộng với những cô gái dưới 20 tuổi. Khi yêu, tôi rất nghe lời các người đẹp, vì vậy tôi sợ yêu đương làm hỏng cả sự nghiệp của mình. Với diễn viên mà có chuyện yêu đương, khi làm phim, bảo diễn mà họ không nghe thì rách việc.
- Là đạo diễn được đào tạo tại Mỹ từ thập niên 50, môi trường chuyên nghiệp ấy giúp ông điều gì cho việc làm phim?
- Sau khi du học Điện ảnh và nhiếp ảnh từ Mỹ trở về (1957), tôi liên tục nhận được những lời mời của các ông chủ hãng phim tư nhân ở Sài Gòn. Biết tôi là đạo diễn kỹ tính, các ông chủ hãng phim gần như không đặt vấn đề về thời gian và tiền bạc khi làm việc với tôi.
Suốt mấy chục năm làm phim, tôi luôn trung thành với việc viết kịch bản phân cảnh kỹ thuật chi tiết cho tất cả các phim. Điều này hơi mất thời gian nhưng nó đem lại hiệu quả rất lớn. Không chỉ giúp nhà làm phim tính toán được chi phí, mà khi thực hiện thước phim của mình đã được “quay” trước trong đầu nên không bị động. Đẳng cấp của đạo diễn thể hiện qua sản phẩm của họ, nếu có hạt sạn lớn, nhỏ nào trong phim lỗi thuộc về ông đạo diễn chứ không thể đổ cho ai được.
Ngoài thói quen viết phân cảnh kỹ thuật chi tiết cho tất cả các bộ phim, tôi thường tự mình thực hiện những cảnh quay khó trong các phim: Chân trời tím, Ván bài lật ngửa cũng như rất nhiều bộ phim đòi hỏi kỹ thuật cao. Để có những cảnh quay đẹp, hoặc những cảnh quay từ trên cao (máy bay) hoặc những trận đánh lớn, tôi tự phải sắn tay vào thực hiện, những cái đó được học rất kỹ trong trường. Với điện ảnh, phải chú ý từng chi tiết nhỏ. Ánh sáng, âm nhạc lồng tiếng, âm thanh... đều phải được chăm chút.
Năm 2004, khi một nhà làm phim ở Hong Kong mời thực hiện phim Một nửa phía bên kia (với sự tham gia của hai diễn viên chính là Anh Thư và Bình Minh). Một đọan phim 5 phút, tôi đã dành cả tháng để thực hiện, với kinh phí khoảng 100 triệu đồng một phút.
- Vậy còn chuyện ông từng mô phạm cho diễn viên cả khi hôn thì sao?
- Đã là nghệ thuật, thì cả nghệ thuật nhỏ nhất trong cái hôn cũng phải chọn góc quay đẹp, thể hiện tình cảm cho đúng. Điện ảnh khác với bản tin thời sự ở chỗ đó.
- Ông rất ít xem phim của VN, vì sao vậy?
- Tôi rất quan tâm và rất muốn trở lại. Vì điện ảnh là cuộc sống, là phần đời quan trọng của tôi. Tôi ít xem vì sợ “cầm nhầm” nghệ thuật của người khác. Tôi rất thích câu nói của ông chủ hãng phim Mỹ Vân (chủ một hãng phim tư nhân trước 1975): “Mỗi thước phim phải là một miếng bít tết”. Điện ảnh đôi mắt ghi dấu ấn thời gian và lịch sử, nó phụ thuộc vào ông đạo diễn. Đạo diễn phải kỹ từng chi tiết nhỏ, từ lồng tiếng, âm thanh, ánh sáng, diễn viên, ngọai cảnh... Phim hay dở, đều do ông đạo diễn mà ra.
- Vì sao ông lại thường lên Đà Lạt để viết bản phân cảnh cho phim?
- Tôi hay “đòi” lên Đà Lạt để lấy cảm hứng, các ông chủ hãng phim thường chiều ý tôi. Vì Đà Lạt là thành phố thơ mộng, đầy cảm hứng. Đó là nơi gắn bó những kỷ niệm của nhiều mối tình đẹp, nên tôi rất thích lên đây để hồi tưởng và sáng tác. Trong phim, nhân vật của tôi “yêu” cũng mãnh liệt như tôi vậy.
|
- Đến giờ, mong ước lớn nhất của ông với nghiệp điện ảnh là gì?
- Nhiều hãng phim trong nước mời nhưng tôi không dám nhận lời. Làm phim mà chi phí cho việc thực hiện không đủ để đáp ứng cho những yêu cầu của đạo diễn thì không thể tới được. Tôi chỉ khát khao được làm một bộ phim dã sử, về trận Bạch Đằng. Lịch sử ta thua kém gì các nước nhưng điện ảnh lại chưa tái hiện được. Tôi sẽ không nhận làm phim dưới 2 triệu USD, số tiền này không nhỏ, nhưng đầu tư đúng mức sẽ thu lại được, nếu không muốn nói là có lời.