| Hotline: 0983.970.780

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Thứ Năm 09/05/2024 , 17:16 (GMT+7)

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Hội nghị 'Phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016-TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn' do Cục Thú y tổ chức ngày 9/5. Ảnh: PT.

Hội nghị “Phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016-TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn” do Cục Thú y tổ chức ngày 9/5. Ảnh: PT.

Doanh nghiệp ghi nhận hoạt động cấp phép kiểm dịch thuận lợi

Trong khuôn khổ Hội nghị “Phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016-TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn”, ngày 9/5, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp gia công chế biến.

Trước thông tin dư luận có lợi ích nhóm trong lĩnh vực gia công, chế biến, kiểm dịch khi “doanh nghiệp nhóm này được ưu tiên, doanh nghiệp nhóm khác bị gây khó dễ”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) yêu cầu các doanh nghiệp tham dự làm rõ vấn đề có hay không tin đồn này.

Chia sẻ thẳng thắn tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2023, Cục Thú y đã ký gần 200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cục Thú y ký 34 quyết định xử phạt hành chính.

“Chúng tôi đã báo cáo Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ, nếu các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, Cục Thú y sẽ áp dụng quyền hạn, điều khoản của Luật Thú y từ chối hướng dẫn kiểm dịch”, ông Long cho biết.

Với mong muốn lắng nghe chia sẻ những khó khăn, vướng mắc từ các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các doanh nghiệp phản ánh, trao đổi thắng thắn, cởi mở. Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tham dự đều khẳng định không gặp hay quan sát thấy tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch.

Khẳng định điều này, Phó Giám đốc Công ty Quân Minh cho biết: “Hiện tại, các đơn xin khai báo kiểm dịch đều được thực hiện trên Hệ thống một cửa Quốc gia nên không thể nói Cục cấp cho doanh nghiệp này nhập còn doanh nghiệp kia không”.

Lãnh đạo Công ty Quân Minh cũng ghi nhận được Cục Thú y và Chi cục Thú y các vùng đã hướng dẫn đầy đủ về quy định kiểm dịch, tuy nhiên Công ty vẫn có những sai sót vi phạm vì đâu đó còn chưa hiểu chính xác. Vấn đề này, Công ty sẽ khắc phục trong thời gian tới. Do đặc thù hàng hóa là làm thuê gia công, Công ty luôn yêu cầu đối tác thực hiện nghiêm túc các quy định nhập khẩu của Việt Nam.

Gần 200 lợn nái nhập ngoại qua kiểm dịch sân bay Nội Bài ngày 11/4/2024. Ảnh: PT.

Gần 200 lợn nái nhập ngoại qua kiểm dịch sân bay Nội Bài ngày 11/4/2024. Ảnh: PT.

Cùng chung đặc thù gia công, chế biến xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Phương Quan Minh cho biết, trong quá trình thực hiện, công ty đã nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành và không bị xử phạm vi phạm. Quá trình cấp phép kiểm dịch của Công ty được Chi cục Thú y vùng II nhiệt tình giúp đỡ, tạo thuận lợi doanh nghiệp và không gặp vấn đề lợi ích nhóm.

Bên cạnh những điểm thuận lợi, bà Hoa cũng kiến nghị nâng cấp Hệ thống một cửa Quốc gia vì gần đây thường xuyên tắc nghẽn khiến thời gian chờ của doanh nghiệp bị kéo dài. Một ngày chờ hàng ở cảng sẽ mất 3 - 10 triệu đồng/container khiến chi phí lưu kho tăng lên gây gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Xuân Hòa, Công ty TNHH Hưng Thuận Phát cũng xác nhận không gặp vướng mắc và không có vấn đề hội nhóm lợi ích doanh nghiệp trong hoạt động kiểm dịch.

Để tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Hòa phân tích, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhân công và giá cả trong hàng gia công. Do đó, Công ty kiến nghị Cục Thú y nghiên cứu mở rộng các nước được nhập khẩu vào Việt Nam ngoài danh sách 26 nước hiện tại để tăng thêm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Nhấn mạnh lần đầu tiên Cục Thú y tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp gia công, chế biến trực tiếp, thường xuyên tham gia hoạt động kiểm dịch động vật nhập khẩu, sản phẩm động vật trên cạn, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Cục ghi nhận mong muốn, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Khi gặp khó khăn, vướng mắc, ông Long đề nghị doanh nghiệp gửi công văn tới Cục để nhanh chóng được phối hợp, tháo gỡ trên tinh thần xác định thời gian là cơ hội và tiền bạc của doanh nghiệp.

“Như vậy, không có vấn đề lợi ích nhóm trong cấp phép kiểm dịch động vật. Không một cá nhân, đơn vị nào từ Cục trưởng trở xuống được phép có hành vi sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Tôi có thể xử lý hồ sơ đến 2-3 giờ sáng, ngược lại rất mong các doanh nghiệp thực hiện các nghiêm túc, chuẩn chỉnh quy định kiểm dịch đã được ban hành”, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long: Không một cá nhân, đơn vị nào từ Cục trưởng trở xuống được phép có hành vi gây sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Ảnh: PT.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long: Không một cá nhân, đơn vị nào từ Cục trưởng trở xuống được phép có hành vi gây sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Ảnh: PT.

Giảm 80% chi phí cho chủ hàng khi kiểm dịch vận chuyển trong nước

Xuất phát từ thực tế, nhiều quy định kiểm dịch trong nước đang thay đổi để tăng cường đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó, Thông tư 04/2024-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 16/5/2024 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016-TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn để thích ứng với yêu cầu thực tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phổ biến các điểm mới tới doanh nghiệp, ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng Phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y thông tin, trong Thông tư sửa đổi lần này, Cục Thú y không còn thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật.

Điểm mới tiếp theo là tăng thời hạn giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu là 60 ngày. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu là 180 ngày.

Miễn đánh dấu gia súc khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh để giết mổ. Trường hợp gia súc nhập khẩu đã được đánh dấu hoặc đã có thẻ tai thì không phải thực hiện theo các quy định cũ.

Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu lập bảng kê mã số, số hiệu của gia súc nhập khẩu theo quy định, trừ trường hợp đã có bảng kê mã số, số hiệu của gia súc kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu.

Đối với trường hợp gửi hồ sơ giấy, thành phần hồ sơ có yêu cầu bản sao chỉ cần có ký, đóng dấu xác nhận của chủ hàng. Bổ sung mã số HS vào các mẫu đơn đăng ký, khai báo kiểm dịch.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thông tư 04 bổ sung cụm từ “số, ngày vận đơn/hợp đồng vận chuyển (nếu có)” vào các biểu mẫu để cơ quan khác dễ tra cứu. Bãi bỏ xác nhận cơ quan hải quan vì 2 cơ quan đã có sự liên thông, bãi bỏ cụm từ “địa điểm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty”…

Thay thế cụm từ “Chúng tôi cam kết chỉ sử dụng bột thịt xương nhập khẩu của công ty để sản xuất thức ăn cho loại động vật nêu trên tại Nhà máy của công ty và không sử dụng bột thịt xương để sản xuất thức ăn cho loài nhai lại và cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về thú y” bằng cụm từ “Chúng tôi cam kết không sử dụng bột thịt xương của loài nhai lại để sản xuất thức ăn cho loài nhai lại và cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về thú y”.

Đáng lưu ý, Thông tư 04 quy định gộp mẫu xét nghiệm 5 mẫu thành 1 mẫu, giúp giảm 80% chi phí cho chủ hàng khi kiểm dịch vận chuyển trong nước. Gia cầm nhập khẩu để giết mổ cũng cần xét nghiệm bệnh Niu-cát-xơn, trong khi quy định cũ chỉ áp dụng đối với gia cầm nhập khẩu làm giống.

Thông tư 04 cũng bổ sung thêm chỉ tiêu xét nghiệm Salmonella spp và E.coli (chủng O157:H7) đối với thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm thịt đông lạnh ướp lạnh/sơ chế của trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, lợn, gia cầm, chim nhập khẩu.

Thông tư 04 sẽ giảm kiểm tra ADN loài nhai lại đối với bột nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật để sản xuất thức ăn cho động vật khi Cục Thú y Căn cứ tình hình bệnh Bò điên của nước xuất khẩu, theo các Nghị quyết của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) về công nhận tình trạng dịch bệnh của nước xuất khẩu.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Thả hơn 40.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

BẮC NINH Hoạt động thả hơn 40.000 con cá giống của tỉnh Bắc Ninh góp phần phục hồi hệ sinh thái nước ngọt và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.