Ngày 22/5, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
Hội nghị do bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và ông Trần Trọng Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai đồng chủ trì.

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và ông Trần Trọng Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Tường Tú.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Đồng Nai là tỉnh được xếp vào nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư nước ngoài, với 37 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 13.107 ha. Các KCN trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.182 dự án.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, cả tỉnh Đồng Nai sẽ có 31 CCN, trong giai đoạn 2013 - 2020 quy hoạch 20 CCN và giai đoạn đến 2030 quy hoạch 11 CCN. Tính đến nay, có 4 CCN cơ bản đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chung của CCN. Tỉnh Đồng Nai hiện có 11 đô thị được phê duyệt quy hoạch và đang trong thời kỳ rà soát điều chỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với nhiều áp lực lớn về môi trường. Đặc biệt, tại các khu đô thị, KCN, CCN và khu vực nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường, phát sinh chất thải và suy giảm chất lượng nước, không khí, đất… cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh.

Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai trình bày tham luận: “Phát triển các cụm công nghiệp Đồng Nai theo hướng xanh và bảo vệ môi trường”. Ảnh: Tường Tú.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Cụ thể, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức BVMT với nhiều hình thức và nội dung gần gũi dễ thực hiện và tác động sâu rộng đến cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý thông qua các hệ thống quan trắc môi trường và quan trắc nước thải tự động tại các KCN, CCN, khu dân cư.
Đồng thời, Đồng Nai còn triển khai chương trình phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn tỉnh nhằm tăng tỷ lệ chất thải tái chế, tái sử dụng và giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường nhằm kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ về sự cố chất thải; thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, ít phát thải, thí điểm chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá tổng thể thực trạng các vấn đề về môi trường tại khu đô thị, KCN - CCN và khu vực nông thôn của Đồng Nai; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm trong kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai trình bày tham luận: “Kiểm soát chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn”. Ảnh: Tường Tú.
Đồng thời, các đại biểu còn kiến nghị các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, đầu tư và hợp tác công - tư, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và BVMT; đề xuất định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai gắn liền với công tác BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng cho hay: Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách tiếp cận, lắng nghe các ý kiến đóng góp tại Hội nghị hôm nay để hoàn thiện chính sách và hành động cụ thể hơn nữa trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình xây dựng một Đồng Nai phát triển bền vững, xanh và đáng sống.