| Hotline: 0983.970.780

Chữa lành cùng ngựa: Hy vọng mới cho trẻ khuyết tật

Thứ Hai 21/04/2025 , 16:00 (GMT+7)

Cưỡi ngựa đang trở thành liệu pháp hiệu quả, giúp trẻ tự kỷ và rối loạn phát triển cải thiện vận động, cảm xúc và kỹ năng giao tiếp.

Giữa cao nguyên đầy nắng gió ở Namibia, nơi đất đỏ cuộn bụi và ngựa thong dong gặm cỏ, một buổi sáng yên bình bỗng trở nên sôi động với tiếng cười nói của những đứa trẻ khuyết tật. Chúng đến đây không phải để học môn thể thao quý tộc, mà để tham gia một liệu pháp đặc biệt: trị liệu bằng cưỡi ngựa.

Phương pháp này, dù còn khá mới mẻ ở nhiều nước đang phát triển, đang mở ra cánh cửa kết nối và hồi phục cho hàng nghìn trẻ em gặp khó khăn trong phát triển hệ thần kinh.

Trẻ em tham gia chương trình trị liệu tại Namibia hồi đầu năm 2025. Ảnh: Dirk Heinrich.

Trẻ em tham gia chương trình trị liệu tại Namibia hồi đầu năm 2025. Ảnh: Dirk Heinrich.

Khác với cách tiếp cận y tế truyền thống, cưỡi ngựa không yêu cầu trẻ phải hiểu ngôn ngữ, cũng không cần một mức độ chú ý nhất định như các buổi trị liệu ngôn ngữ hay hành vi.

Ngựa không xét nét hay đòi hỏi. Chính sự tĩnh lặng, kiên nhẫn và nhạy cảm của loài vật này khiến chúng trở thành người bạn đồng hành lý tưởng với những trẻ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hay hội chứng Down. Chúng thường bị thế giới xung quanh lãng quên vì hành vi “khác biệt”.

Việc cưỡi ngựa không chỉ là vận động thể chất đơn thuần, mà là cả một chuỗi các kích thích giúp trẻ điều chỉnh tư thế, giữ thăng bằng, cảm nhận cơ thể mình trong không gian và dần dần mở lòng giao tiếp.

Tại khu vực ngoại ô Windhoek, thủ đô Namibia, chương trình “Enabling Through the Horse” (Trao quyền thông qua ngựa) do bà Susan de Meyer sáng lập đang thực hiện những ý tưởng kể trên một cách âm thầm nhưng đầy hiệu quả.

Mỗi buổi sáng, những đứa trẻ từ các trường học đặc biệt được đưa đến đây để trải nghiệm cưỡi ngựa, chải lông, dắt ngựa đi dạo và trò chuyện với chúng. Một số em ban đầu còn sợ hãi, nép vào người lớn. Nhưng sau vài buổi, những nụ cười dần trở lại, ánh mắt sáng lên khi được ngồi vững trên lưng ngựa, hai tay dang ra như cánh chim giữ thăng bằng.

Những hành động đơn giản ấy đã góp phần cải thiện kỹ năng vận động thô, như đi đứng, giữ thăng bằng, cũng như vận động tinh - như nắm dây cương, điều khiển, phối hợp giữa tay và mắt.

Không dừng ở tác động thể chất, cưỡi ngựa còn là liệu pháp tâm lý gián tiếp đầy hiệu quả. Trong mối quan hệ giữa người và ngựa, trẻ em dần học được cách kiểm soát hành vi, nhận biết cảm xúc và điều chỉnh phản ứng của mình.

Khi tương tác với một con ngựa, một sinh vật lớn nhưng dịu dàng, trẻ bắt buộc phải điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể, học cách ra hiệu, truyền đạt và cảm nhận. Chính điều này giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội vốn rất hạn chế ở trẻ tự kỷ và rối loạn phát triển.

Merci, một cậu bé tham gia chương trình trị liệu, đang vuốt ve một chú ngựa. Ảnh: Dirk Heinrich.

Merci, một cậu bé tham gia chương trình trị liệu, đang vuốt ve một chú ngựa. Ảnh: Dirk Heinrich.

Nghiên cứu của Đại học Colorado (Hoa Kỳ) cho thấy, trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tham gia liệu pháp cưỡi ngựa trong 10 tuần đã có sự cải thiện rõ rệt về khả năng nói, khả năng chú ý và tương tác xã hội.

Tương tự, một phân tích tổng hợp công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Psychology năm 2021 cũng khẳng định trị liệu bằng ngựa giúp cải thiện hành vi thích ứng, khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và giảm lo âu ở trẻ mắc ADHD.

Tại Namibia, nơi điều kiện y tế và giáo dục đặc biệt còn nhiều thiếu thốn, chương trình của bà De Meyer đóng vai trò như một trung tâm chữa lành cộng đồng.

Chriszell Louw, giáo viên trường công lập Dagbreek, một trong số các cơ sở giáo dục liên kết cho trẻ em đến trị liệu đánh giá, nhiều học sinh đã thay đổi hẳn thái độ và hành vi sau khi tham gia chương trình. Có em từ chỗ nói quá nhiều, không kiểm soát được hành vi, đã biết ngồi im lặng và tập trung trong suốt buổi cưỡi ngựa. Có em vốn luôn sợ hãi khi tiếp xúc người lạ, giờ đã biết chải lông ngựa, tự mình bước lên lưng ngựa và mỉm cười rạng rỡ.

Không chỉ dành riêng cho trẻ em khuyết tật, liệu pháp cưỡi ngựa cũng đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia như một phương pháp phục hồi sau sang chấn tâm lý.

Tại Hoa Kỳ, nhiều cựu binh bị rối loạn căng thẳng sau chiến tranh được đưa vào các trại cưỡi ngựa để tìm lại cảm giác kiểm soát và bình an. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một số bệnh viện đã xây dựng khu trị liệu với ngựa ngay trong khuôn viên để hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng thần kinh sau tai biến.

Điểm đặc biệt của liệu pháp này là không yêu cầu trang thiết bị phức tạp hay can thiệp y tế chuyên sâu. Ngựa, với sự điềm tĩnh và nhạy cảm, chính là “bác sĩ” trong quá trình trị liệu. Người hướng dẫn đóng vai trò như người trung gian, tạo môi trường an toàn để quá trình tương tác diễn ra một cách tự nhiên và bền vững.

Với chi phí thấp hơn nhiều phương pháp can thiệp khác, cưỡi ngựa đang dần trở thành lựa chọn khả thi cho nhiều gia đình có trẻ khuyết tật, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập trung bình.

Nhìn rộng hơn, liệu pháp này là minh chứng cho xu hướng chữa lành từ thiên nhiên đang ngày càng được quan tâm. Không cần thuốc men, không cần bệnh viện, chỉ với không gian mở, một vài con ngựa hiền lành và những người đồng hành đầy tâm huyết, trẻ em khuyết tật học tập có thể tìm thấy sự kết nối đầu tiên với thế giới. 

Xem thêm
Cấy ghép mô tinh hoàn, chữa vô sinh cho người mắc ung thư lúc trẻ

Khoảng 85% trẻ em mắc ung thư hiện nay sống sót đến tuổi trưởng thành và khoảng 1/3 trong số này bị vô sinh do hóa trị hoặc xạ trị.

Chất lượng cuộc sống được cải thiện từ thói quen ăn uống

Chất lượng cuộc sống sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi con người thay đổi thói quen ăn uống, đó là lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng hiện nay.

Phút giây lạc lòng giữa những chuyến hoạt động từ thiện

Phút giây lạc lòng đôi khi chỉ mang tính gặp gỡ tình cờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong thành phần của rau bắp cải chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư.