Năm 1946 khi người thăm nước Pháp với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa theo lời mời của Chính phủ Pháp, nhà báo Mỹ thường trú tại Paris, David Schoenbrun đã hỏi Người: “Thưa Ngài, Ngài đã khi nào có dịp tới nước Mỹ chưa?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: Khi làm công trên một chiếc tàu chở hàng tôi đã tới Mỹ và dừng chân ở New York chừng một tuần. Tôi thấy đường phố của New York cũng đầy rác rưởi chứ không phải đầy vàng, và cũng đã thấy những điều khủng khiếp của những khu nhà ổ chuột của người da đen”.
Bác Hồ dùng bữa cơm đạm bạc cùng cán bộ, chiến sĩ trên chiến khu Việt Bắc (Ảnh: Tư liệu)
Rất ngạc nhiên về câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo trên đã đề nghị: “Ngài có thể đến dự bữa cơm tối với chúng tôi để cùng nói chuyện về đất nước và những ước mơ của Ngài và nghe chúng tôi nói về đất nước cùng ước mơ của chúng tôi, được không?”. Rất bất ngờ là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời.
Trong bữa ăn tối tại gia đình nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui vẻ kể lại những ấn tượng và kỷ niệm của Người với nước Mỹ từ nhiều năm trước. Mọi người đều biết, khi tới Mỹ vào cuối năm 1913 đến thăm tượng Nữ thần Tự do, Người đã ghi lại cảm tưởng: “Thần tự do giương cao ngọn đuốc nhưng dưới chân của thần là bóng tối của bất công và sự phân biệt chủng tộc”. Hàng ngàn người đã đến chiêm ngưỡng tượng Nữ thần Tự do nhưng chưa có ai có nhận xét sâu sắc như vậy.
Cũng lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành được biết đến cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ, đến tên tuổi và sự nghiệp khai sáng của Washington đến danh ngôn của Abraham Lincoln vì “một nhà nước của dân, do dân, vì dân", Người cũng rất kính trọng Jefferson.
Đầu năm 1945, khi có chiếc máy bay của lực lượng không quân Mỹ đóng tại Trung Quốc bị bắn rơi ở Cao Bằng, cả quân Pháp và Nhật ở đây đều ra sức truy lùng viên phi công Mỹ, trung úy William Shaw (Sao) đã được lực lượng vũ trang và đồng bào ta cứu thoát, bảo vệ. Viên phi công này được đưa tới gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người tiếp rất ân cần, thân mật.
Tiếp đó, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng mấy cán bộ khác của Việt Nam đã dẫn Sao vượt núi băng rừng từ căn cứ địa Cao Bằng sang Trung Quốc, liên lạc với lực lượng đồng minh. Trong những hành trình đầy gian nan, vất vả đó, viên phi công Mỹ Sao được chăm sóc rất chu đáo, được cưỡi ngựa, được ăn cơm thịt kho trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ ra chỉ có cơm nắm, muối vừng. Sau khi trao trả rất chu đáo trung úy Sao cho lực lượng không quân Mỹ đóng tại Côn Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp tướng Sênôn (Claire L.Chenault), Chỉ huy Bộ đội Tư lệnh Không đoàn 14 của Mỹ tại Trung Quốc. Qua mấy lần tiếp xúc với tướng Sênôn và người phụ tá của ông ta là Sác-lơ Phen (Charles Fenn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ đường lối quan điểm của Việt Minh là sẵn sàng giúp cho lực lượng đồng minh trên mặt trận chống phát xít và yêu cầu người Mỹ cùng giúp Việt Nam về vũ khí, phương tiện và huấn luyện chiến đấu.
Trong hoàn cảnh rất khó khăn, gian khổ lúc ấy mà Bác còn vận động cơ sở của ta ở Côn Minh làm tiệc chiêu đãi Sênôn và tùy tùng của ông ta để tỏ thiện chí của mình. Vì quyền lợi trước mắt lúc đó người Mỹ có nhận lời hợp tác, cung cấp một vài thứ theo yêu cầu của ta, nhưng như chúng ta đều biết, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phe đồng minh hoàn toàn thắng lợi, nhưng ngoài những lời tuyên bố sáo rỗng, người Mỹ không hề quan tâm đến những người cách mạng Việt Nam từng là đồng minh của họ trên mặt trận chống phát-xít ở Đông Dương. Hơn thế nữa, những năm sau này họ còn viện trợ cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược.
Tiếp đến họ trực tiếp đưa quân sang tàn sát, chiếm đóng lâu dài ở Việt Nam. Trong khi đó, về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ CHí Minh và nhân dân Việt Nam vẫn kiên trì kêu gọi thiện chí của người Mỹ. Trong bức thư gửi cho Sác-lơ Phen đề ngày 18/8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
“Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi, nhưng chúng tôi những nước nhỏ và phụ thuộc chưa có phần, dù là một phần rất nhỏ bé trong thắng lợi, tự do, dân chủ để có được một phần xứng đáng, chúng tôi còn phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại luôn ủng hộ chúng tôi. Tôi cũng tin rằng, sớm hay muộn chúng tôi sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích ấy là chính nghĩa, là đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi mong có ngày hạnh phúc sẽ được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng tôi ở Đông Dương hay trên đất Mỹ" (1).
Ngay trong những ngày đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân với miền Bắc rất ác liệt, tháng 1/1967 khi tiếp đoàn nhân sĩ, tri thức của Trung tâm nghiên cứu thể chế dân chủ (OCD) tới Hà Nội, trong đó có mục đích thăm dò thái độ của ta theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bác cũng nói với họ:
Bác Hồ đọc sách bên bờ suối ở chiến khu Việt Bắc (Ảnh: Tư liệu)
“Tôi kính trọng nhân dân Mỹ, nhân dân Mỹ là những người yêu hòa bình và dân chủ. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đó là sỉ nhục. Đối với các ông, các ông khó mà tin rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng tôi. Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập (2)”.
Hơn nửa thế kỷ sau, những lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thành sự thật.
Năm 2015, khi tiếp đoàn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ đã dẫn hai câu kiều: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Và năm 2016 Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam cũng nói: “Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đã đề xuất kiến lập ngoại giao Việt - Mỹ như một chân lý mà phải hơn 5 thập kỷ mới được thực hiện.
(1): Thư gửi cho Sắc-lơ Phen - Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 3 – Tr 550.
(2): Hồ Chí Minh toàn tập - Tr 20.21 tập 10.