Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2025/NĐ-CP vào 15/5, quy định rõ lộ trình xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực.

UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy trong năm 2025. Ảnh: minh họa.
Theo đó, chậm nhất đến ngày 1/1/2026, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc rà soát, phân loại và công bố danh sách các cơ sở không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục. Danh sách này sẽ là căn cứ để triển khai các biện pháp xử lý tiếp theo trên địa bàn quản lý.
Với các cơ sở nằm trong danh sách đã công bố, thời hạn tối đa để hoàn tất các biện pháp khắc phục là ngày 1/7/2028. Trường hợp không thể áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ sở buộc phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động sau thời hạn này.
Song song với công việc này, chậm nhất đến ngày 1/7/2026, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phải phối hợp với Bộ Công an ban hành giải pháp kỹ thuật và phương tiện phòng cháy chữa cháy phù hợp cho các công trình cũ không đạt yêu cầu, nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành.
Ngoài ra, Nghị định 105 cũng yêu cầu các thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm kinh phí lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy, kết nối với cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với các khu dân cư không đảm bảo hạ tầng giao thông hoặc không có nguồn nước chữa cháy.
Thời hạn hoàn thành việc trang bị và kết nối hệ thống báo cháy tại các khu vực này là trước ngày 1/7/2027.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển rõ rệt trong công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là với các công trình cũ và khu dân cư có nguy cơ cao.