Cơ bản đảm bảo nước sinh hoạt
Hiện tỉnh Bình Thuận đang vào cao điểm mùa khô, vì vậy việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận vẫn đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Kim Sơ.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đang quản lý vận hành 42 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 66.410 m3/ngày đêm, cung cấp nước trên địa bàn 2 phường, 9 thị trấn và 56 xã, trong đó 9 xã vùng cao và 3 xã hải đảo thuộc 9/10 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ huyện Tuy Phong). Đến nay, tổng số khách hàng sử dụng nước sinh hoạt khoảng 87.600 hộ dân (chưa tính số đấu nối sau thủy kế).
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thôn 2, xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc), mấy năm trước, khi bước vào mùa khô, công trình cấp nước trên địa bàn không đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Mặc dù Trung tâm đã bổ sung nguồn nước từ Nhà máy nước Thuận Bắc, Hồng Sơn và Phú Long, song người dân trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên từ mùa khô năm nay, Trung tâm đã thực hiện đấu nối vào các tuyến ống hiện hữu để tiếp tục bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho khu vực xã Hàm Đức nên đến nay bà con chưa bị thiếu nước sinh hoạt.
Còn ông Nguyễn Minh ở xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) cho biết, đến nay công trình cấp nước xã Thiện Nghiệp vẫn hoạt động, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Nhân viên của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận tổ chức trực để đảm bảo cấp nước cho người dân. Ảnh: Kim Sơ.
Ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, để đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn nước sạch cho người dân, từ đầu mùa khô đến nay, Trung tâm tăng cường tổ chức trực và bố trí viên chức, lao động thực hiện công tác cấp nước theo kế hoạch đề ra. Đồng thời thực hiện đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước để điều hòa áp lực nước, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, nhất là trong các tháng mùa khô này.
“Thời gian qua, chúng tôi đã kết hợp khai thác sử dụng nguồn nước từ các công trình thủy lợi và luân phiên khai thác các nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung. Cùng với đó, chúng tôi tận dụng đường ống để sử dụng đấu nối vào hệ thống cấp nước sạch tập trung quy mô lớn hơn; mở rộng tuyến ống và sử dụng nguồn nước an toàn, bền vững; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình đã có, ứng dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu suất phục vụ và bảo đảm chất lượng nước cấp đến với nhân dân”, ông Liêm chia sẻ.
Mặt khác, Trung tâm cũng đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và quản lý khai thác, vận hành bền vững công trình cấp nước tập trung. Nhờ đó đến nay, tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các công trình cấp nước trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh (trừ huyện Tuy Phong) vẫn cơ bản đảm bảo.
Linh hoạt vận hành, không để thiếu nước
Theo Trung tâm, hiện nay nguồn nước thô từ Bàu Chát cung cấp cho công trình cấp nước Thiện Nghiệp hoạt động đang hạ thấp nhanh do nắng nóng gay gắt, nguy cơ cạn kiệt trong thời gian tới nếu không có mưa bổ sung. Để đáp ứng nước sinh hoạt cho người dân, Trung tâm đang tăng cường lượng nước mua từ nhà máy nước Phan Thiết.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đang quản lý vận hành 42 công trình cấp nước. Ảnh: Kim Sơ.
Đối với công trình cấp nước xã Đức Bình (Tánh Linh), hiện nguồn nước thô sử dụng từ khe Suối Nông đã cạn kiệt. Nhà máy nước đang chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt từ đập dâng Tà Pao để xử lý, đáp ứng nước sinh hoạt cho người dân.
Còn công trình cấp nước Lạc Tánh (Tánh Linh) sử dụng nguồn nước thô từ Thác Bà cũng đang suy giảm nhanh, nhà máy nước phải tạm ngưng xử lý khoảng 1-2 giờ/ngày, do đó có xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho khách hàng.
Công trình cấp nước Thuận Bắc (Hàm Thuận Bắc) đang quá tải do đường ống nhỏ và nhu cầu sử dụng nước tăng cao. Ngoài ra, lượng nước mua qua thủy kế tổng từ Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận cấp cho người dân khu vực xã Sơn Mỹ (Hàm Tân) đang bị hạn chế, gây nên tình trạng thiếu nước cục bộ cho khu vực này.
Tương tự, lượng nước hồ suối Hoay đang hạ thấp nhanh do nắng nóng gay gắt, Nhà máy nước Tân Minh (Hàm Tân) đang duy trì công suất khoảng 800 m3/ngày. Thời gian tới nếu không có mưa bổ sung sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.
Để đảm bảo nước sinh hoạt trong thời gian tới, theo ông Liêm, Trung tâm sẽ chủ động thông tin cho địa phương và người dân về tình hình nguồn nước và kế hoạch cấp nước để người dân chủ động trong việc tích trữ nước.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có công trình cấp nước xảy ra tình trạng thiếu nước thời gian dài triển khai thực hiện phương án chở nước bằng xe bồn từ các công trình cấp nước gần nhất đang có nguồn nước ổn định, để cấp nước cho người dân sử dụng.
“Chúng tôi sẽ cố gắng không để các hộ dân thiếu nước sinh hoạt thời gian dài tại các khu vực trong tỉnh và tiếp tục phối hợp, đôn đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh thi công nhà máy nước Tân Lập (Hàm Thuận Nam) để sớm đưa vào vận hành khai thác công trình cung cấp nước cho người dân xã Tân Lập và bổ sung nguồn nước cho các khu vực lân cận trong các tháng mùa khô này", ông Trần Văn Liêm cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện tổng lượng nước hữu ích tại các hồ trong tỉnh còn trên 169 triệu m3, đạt 46,7% thiết kế. Thời gian tới, công ty sẽ theo dõi sát diễn biến của thời tiết để chủ động điều chỉnh kế hoạch cấp nước phù hợp với thực tế theo nguyên tắc ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước chăn nuôi, rồi mới đến nước tưới sản xuất nông nghiệp.