| Hotline: 0983.970.780

Chiến công trên cao điểm 689 - 'Điện Biên Phủ thứ 2'

Thứ Tư 27/07/2016 , 08:29 (GMT+7)

Điểm cao 689 là một địa điểm quan trọng, khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm như sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh... Nếu mất 689 là mất tất cả...

Liệt sỹ Nguyễn Huy Bật (1948 - 1972) nguyên quán thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, lập nhiều chiến công tại chiến trường Quảng Trị, từ trận đánh 11 ngày đêm tại cao điểm 689 ở Khe Sanh năm 1968 được coi là “Điện Biên phủ thứ 2” đến trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị ròng rã 81 ngày đêm. Ông hy sinh ở ngày thứ 80. Đến nay, phần mộ của ông vẫn chỉ là mộ gió ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Và những chiến công của ông, người thân và gia đình cũng chẳng hề biết đến.

Tìm người trong ký ức

Cụ Nguyễn Thị Mão (87 tuổi), vẫn thường kể rằng: “Quê tôi, lẽ ra có liệt sỹ Nguyễn Huy Bật được phong Anh hùng LLVTND nhưng chỉ vì sự hẹp hòi của những người phụ trách địa phương”. Hỏi nhiều người cao tuổi khác trong làng đều nhận được hồi đáp tương tự.

Giữa tháng 7, tôi tìm gặp ông Nguyễn Huy Túc, em trai của liệt sỹ Nguyễn Huy Bật để tìm hiểu về những chiến công của người đã nằm xuống dưới chân thành cổ Quảng Trị đã 44 năm.

Ông Túc lấy ra những kỷ vật cuối cùng gia đình còn lưu giữ được. Đó là Giấy báo tử do Trung tá Nguyễn Công gửi về gia đình và hàng chục Giấy chứng nhận danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ các cấp, Bằng khen chiến đấu từ năm 1968 đến năm 1971, Huân chương Chiến công hạng Nhì (1970)…

Hỏi cụ thể về thành tích chiến đấu ở từng đơn vị thì ông Túc thừ người ra. Ông chỉ biết đơn vị anh mình chiến đấu trước lúc hy sinh là C10, D3, Đoàn 609 Quân khu Việt Bắc.

Đã 44 năm trôi qua, những người bạn đồng ngũ nay ai còn, ai mất ông cũng không có liên lạc. Mà hỏi chiến công ở từng trận đánh thì quá bằng đánh đố ông. Lại ngồi thừ ra một hồi, ông Túc kể: “Khi anh Bật được về phép để xin lý lịch vừa là kết nạp Đảng và xét chiến công bình bầu lên cấp cao hơn thì cán bộ địa phương phê vào lý lịch mấy chữ: con gia đình địa chủ”.

“Gia đình địa chủ”, bốn chữ cay nghiệt ấy một thời gắn lên ai thì như thích chữ vào mặt mà lưu đày ở các triều đại phong kiến xa xưa. Nhớ về anh trai mình, bà Nguyễn Thị Ngãi, em gái út liệt sỹ Nguyễn Huy Bật vẫn thấy nhói lòng: “Anh nói với cả nhà, chuyến này đi, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”. Vậy là cách biệt từ đó.

Cắm cờ giải phóng trên đỉnh Tà Cơn

Nhờ bạn đồng nghiệp ở Đài PT-TH tỉnh Phú Thọ giúp đỡ, tôi đã tìm được Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền, người thủ trưởng của liệt sỹ Nguyễn Huy Bật. Năm nay 73 tuổi, ông Quyền nhớ rành rõ từ ngày đơn vị tuyển quân là 6/12/1967, mới tham gia huấn luyện ở Võ Nhai, Thái Nguyên chưa được một tuần đã hành quân vào ngay chiến trường để kịp thời bổ sung cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ông Quyền còn nhớ cả vóc người nhỏ mà nhanh nhẹn của liệt sỹ Nguyễn Huy Bật cùng cái mắt cá dưới bàn chân.

Tháng 6/1968, Tiểu đoàn 3, nay là Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, Trung đoàn 246, nhận lệnh tấn công chiếm giữ điểm cao 689 - để chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh. Đây là một địa điểm quan trọng, khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm như sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh...

Nếu mất 689 là mất tất cả, vì thế, lực lượng Mỹ ở đây được tăng cường tối đa về vũ khí và quân số - lên đến 1.200 quân với sự yểm trợ tối đa của phi pháo và hai căn cứ kế cận là điểm cao 845 và 832.

“Đơn vị tôi là đảm nhiệm hướng chiến đấu chủ yếu của Tiểu đoàn tiến công cứ điểm 689. Trong lịch sử, lần đầu tiên Trung đoàn 246 dùng bộ binh đánh tập kích”, Anh hùng Nguyễn Hữu Quyền kể.

Ngày 6/7, Tiểu đoàn 3 nhận được lệnh đánh vào cao điểm 689, lúc này địch đang thất thủ và tuyên bố rút quân khỏi Khe Sanh. Trước tình hình trên, Ban chỉ huy trận đánh nhận định Tà Cơn là cứ điểm trọng yếu của địch nên theo kế hoạch, quân ta sẽ đánh thọc vào đây nhằm bẻ gãy âm mưu của chúng.

“Tôi được giao trọng trách là Đại đội phó chỉ huy trận đánh. Thời điểm này, tuyến hàng rào điện tử của địch đã được ta mở từ ngày 28/6, gồm 9 hàng rào, mỗi tuyến cách nhau 5m. Vào trận đánh, địch sử dụng vũ khí tối tân cùng các phương tiện hiện đại, chúng ném lựu đạn qua các cửa ngõ. 

Trong tình thế đó chúng tôi quyết định xông lên tấn công kẻ thù. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, Mỹ - Ngụy được tăng cường quân số lớn hơn ta gấp nhiều lần, chính vì vậy quân ta cũng bị tổn thất lớn, Tiểu đoàn 3, C10 và C11 bị hy sinh gần 300 người. Dù chênh lệch về quân số nhưng trong trận đánh này, quân ta cũng tiêu diệt được hơn 300 quân địch”.

Suốt những ngày sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát đi và biểu dương trận đánh diễn ra tại điểm cao 689 của Trung đội 3, trong đó có câu: “Cả nước xin được ôm hôn các dũng sĩ trên điểm cao 689”.

Đêm 7/7/1968, địch thất thủ tại chiến trường Khe Sanh phải dùng trực thăng rút khỏi căn cứ Tà Cơn. Ngày 9/7, Khe Sanh, Hướng Hóa sạch bóng quân thù. 

“Sau này, tôi có gặp anh Lê Sơn, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, là người ra tận quê để thẩm tra lý lịch cho anh Bật. Anh Sơn nói rằng, bao vất vả khó khăn thì cuối cùng đã kết nạp Đảng để động viên cho Bật chiến đấu”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền tâm sự.

Trong ký ức của Anh hùng Nguyễn Hữu Quyền, liệt sỹ Nguyễn Huy Bật luôn được ông giao sử dụng khẩu trung liên của đại đội, dù mới qua huấn luyện chưa lâu nhưng đã sử dụng hiệu quả để làm vũ khí diệt thù.

Trận Động Tiên (25/11/1968)

Đó là trận đánh được ông Quyền nhận định là “hoàn hảo, tuyệt đẹp, tiêu diệt địch tương đối xuất sắc, được khen thưởng rất nhiều”.

Nhật ký của ông Nguyễn Văn Hợi, nay là Trưởng ban liên lạc, nguyên chiến sĩ “Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo anh hùng” - Trung đoàn 246, ghi lại: “Khoảng 4 giờ chiều, sau những loạt pháo dữ dội đánh vào sân bay 4, L19, OV10 quần đảo liên tục. Mỹ bất ngờ ồ ạt đổ quân xuống sân bay 4, đến hai mươi (20) lần chiếc H34 chở quân Mỹ đáp xuống, và hùng hổ tiến sang sân bay 5…

Trung đội 3 của Nguyễn Hữu Quyền vẫn bình tĩnh chờ địch. Khi toán Mỹ đầu tiên chỉ còn cách trận địa của ta khoảng 10 mét (vì ở đây có nhiều cây gỗ đổ nằm ngổn ngang, nên rất dễ ngụy trang trận địa) cả Trung đội 3 đồng loạt nổ súng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Huy Bật và Nguyễn Hữu Quyền giật 2 quả mìn ĐH10. Tiếng mìn nổ vang trời cùng lúc B40, lựu đạn và cối 60 của đại đội cũng đồng loạt bắn dữ dội vào đội hình địch, 1 trực thăng đang đổ quân bị cối 60 bắn bị thương, 2 trung đội Mỹ bị tiêu diệt”.

Chính trong trận đánh ngày 25/11/1968 này, với chiến công diệt nhiều lính Mỹ, Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Quyền được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Nhắc lại trận đánh, ông vẫn nhớ như in hoạt động của từng động đội sát cánh bên mình, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Huy Bật.

Sang năm 1969, ông Quyền chuyển đơn vị. Còn Tiểu đội trưởng Nguyễn Huy Bật vẫn tiếp tục chiến đấu ở đơn vị cho tới Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nơi đây, các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao quyết tâm: “K3 - Tam Đảo còn thì Thành cổ Quảng Trị còn”. Suốt thời gian này, đơn vị đã phải chịu biết bao tổn thất, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ 1 ngày trước khi chiến dịch kết thúc (15/9/1972) thì ngày 14/9/1972, Tiểu đội trưởng Nguyễn Huy Bật ngã xuống.

Chuyện chiến trường còn dài, kể cả ngày không hết chuyện. Tiễn chúng tôi ra về, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền chia sẻ: “Anh Nguyễn Huy Bật là người chiến đấu dũng cảm, kiên cường, tiếc rằng phải chịu những thiệt thòi do lý lịch của gia đình”.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất